Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
Rộng cửa cho nông sản Việt vào thị trường Hoa Kỳ
Phương Hảo - 11/07/2019 10:03
 
Nhu cầu đối với các mặt hàng nông sản chất lượng của Việt Nam đang ngày càng tăng cao tại thị trường Hoa Kỳ. Nắm bắt cơ hội đó, các nhà xuất khẩu trong nước đang nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này.
Trái xoài Việt Nam đã được xuất sang thị trường Hoa Kỳ sau hơn 10 năm đàm phán.
Trái xoài Việt Nam đã được xuất sang thị trường Hoa Kỳ sau hơn 10 năm đàm phán.

Xoài Việt vào thị trường Hoa Kỳ

Giữa tháng 2 năm 2019, sau hơn 10 năm đàm phán, xoài Việt Nam đã chính thức được cấp phép vào thị trường Hoa Kỳ và nước này trở thành thị trường thứ 40 của xoài Việt Nam. Xoài là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam được xuất vào thị trường khắt khe này, sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải thiều và vú sữa.

Sau khi xuất khẩu thành công 3 container xoài đầu tiên sang Hoa Kỳ vào đầu tháng 6/2019, Công ty cổ phần Green Path Vietnam đang tích cực chuẩn bị cho lô hàng xuất tiếp theo.

“Trong lô đầu tiên, chúng tôi xuất khẩu xoài từ Sơn La. Lần tới, chúng tôi sẽ xuất xoài trồng tại Vĩnh Long”, bà Phùng Thị Thu Hương, Tổng giám đốc Green Path Vietnam chia sẻ.

Theo bà Hương, xoài xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải đáp ứng 3 yêu cầu. “Các khu vực trồng trọt và các đơn vị đóng gói phải đáp ứng các tiêu chuẩn do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đặt ra và được Hoa Kỳ cấp mã. Nhà máy chiếu xạ cũng phải được chứng nhận bởi phía Hoa Kỳ”, bà Hương cho biết.

Bà Hương cũng nhấn mạnh rằng có 3 yếu tố quyết định sự thành công của trái cây Việt Nam khi tiến ra thị trường thế giới “Một là giá cả. Hai là chất lượng. Ba là yếu tố đặc sắc của bản địa. Chúng tôi phải khai thác tất cả 3 yếu tố, không chỉ chất lượng hay giá cả. Chỉ khi hội tụ cả 3 yếu tố, chúng ta mới có được thị phần tốt tại các thị trường khó tính như Mỹ”, bà Hương cho biết.

Là một trong những nhà xuất khẩu trái cây tươi hàng đầu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ, Tập đoàn Vina T&T đã xuất khẩu lô 20 tấn xoài đầu tiên sang Hoa Kỳ vào ngày 19/4/2019. Kể từ đó, hàng tuần, công ty này đều đặn xuất khẩu xoài sang thị trường Hoa Kỳ.

“Sau một tháng, chúng tôi đã xuất khẩu thành công 71 tấn xoài sang Hoa Kỳ. Chúng tôi đang xuất khẩu khoảng 10 tấn mỗi tuần cho đến khi vụ mùa kết thúc”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc của Vina T & T cho biết.

Theo ông Tùng, năm 2018, doanh thu của Tập đoàn Vina T & T từ xuất khẩu trái cây đạt 30 triệu USD. “Trái xoài sẽ giúp chúng tôi tăng 15 đến 20% doanh thu trong năm 2019”, ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ.

Theo thông tin được công bố trên trang web của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018, xuất khẩu xoài và các sản phẩm từ xoài của Việt Nam đã thu về 193,2 triệu USD, tăng 24% so với năm trước đó và chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của cả nước. Với 46 giống khác nhau, được trồng trên diện tích khoảng 87.000 ha, mang lại sản lượng ước tính hơn 969.000 tấn mỗi năm, trị giá gần 750 triệu USD, xoài trở thành nguồn thu ngoại tệ lớn cho nông nghiệp Việt Nam.

Tín hiệu tích cực từ các sản phẩm nông nghiệp khác

Bên cạnh xoài, một số sản phẩm nông nghiệp khác của Việt Nam, như cà phê, chè, gạo, trái cây và rau quả, hạt điều và hạt tiêu cũng được chào đón tại thị trường Hoa Kỳ.

Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê Việt Nam lớn thứ hai trong 4 tháng đầu năm, với trị giá 110 triệu USD, chiếm 10,1% thị phần. Tuy nhiên, lượng cà phê Việt Nam nhập khẩu trực tiếp vào nước này chỉ chiếm 15%.

Hiệp hội Cà phê quốc gia Hoa Kỳ (NCA) cho biết, có tới 63% người trưởng thành tại Hoa Kỳ sử dụng cà phê hàng ngày, trong đó 59% là cà phê đặc sản, với mức tăng trưởng mạnh mẽ từ 9% vào năm 1999 dự kiến lên 61% trong năm nay. Đối tượng khách hàng thúc đẩy sự gia tăng này là giới trẻ. Bên cạnh đó, sự phát triển của các cửa hàng cà phê nhỏ cũng tác động mạnh mẽ đến việc thúc đẩy nhu cầu về cà phê đặc sản tại Hoa Kỳ. Như vậy, tiềm năng cho cà phê Việt Nam vào thị trường nhập khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới này còn rất lớn.

Đối với mặt hàng hạt tiêu và hạt điều, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với trị giá lần lượt là gần 53 triệu USD và 295 triệu USD, chiếm tương ứng 18,7% và 32,4% giá trị xuất khẩu.

Các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ cho thấy, ngành nông nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhất thế giới do nước này đặt ra. Như vậy, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã có được “hộ chiếu” để mở rộng cơ hội sang các thị trường cao cấp khác. “Đây là nền tảng để các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tin tưởng”, ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ.

Trong khi đó, theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, cơ quan này đã hợp tác với Rhee Brothers, một trong những chuỗi phân phối thực phẩm châu Á lớn nhất, để mở rộng đơn hàng cho các sản phẩm của Việt Nam.

Ông Robert Tran, Tổng giám đốc của Công ty tư vấn chiến lược RBNC (Canada) cho biết, mặc dù là một thị trường khó tính, song Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu tiềm năng của nông sản Việt Nam. “Hoa Kỳ không cần sản phẩm giá rẻ, mà họ cần những sản phẩm có giá cả phù hợp, có chất lượng tốt và ổn định”, ông Robert Tran nhấn mạnh.

Doanh nghiệp và nông dân thay đổi để thuyết phục thị trường khó tính

Theo ông Robert Tran, để thu được kết quả tốt, điều quan trọng là nông nghiệp Việt Nam phải thay đổi toàn diện phương thức sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. “Cần phải chọn các khu vực sản xuất có khí hậu, độ cao, ánh sáng, độ ẩm, đất, nguồn nước và các yếu tố môi trường khác thuận lợi cho việc gieo trồng các sản phẩm chất lượng cao; lựa chọn giống cũng như áp dụng các kỹ thuật canh tác để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”, ông Robert Tran cho biết.

Để thu được kết quả tốt, điều quan trọng là nông nghiệp Việt Nam phải thay đổi toàn diện phương thức sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, ông Robert Tran cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ trong chế biến để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. “Các nhà sản xuất cũng cần chú ý đến môi trường làm việc, cuộc sống của người lao động, trách nhiệm với cộng đồng, học hỏi, áp dụng và đạt được các chứng chỉ như Fair Trade, Organic…”, ông Robert Tran nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Virginia Foote, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, có rất nhiều loại nông sản Việt Nam có thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ và được người dân ở đây hoan nghênh. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề an toàn thực phẩm. “Thực phẩm nhập khẩu vào Hoa Kỳ phải đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng Hoa Kỳ muốn biết nguồn gốc thực phẩm, họ muốn đảm bảo rằng, thực phẩm tốt cho sức khỏe, an toàn và sạch sẽ”, bà Foote chia sẻ.

Hiểu được những yêu cầu khắt khe của thị trường Hoa Kỳ cũng như tiềm năng to lớn của thị trường này, các công ty nông nghiệp Việt Nam đang nỗ lực thay đổi, cải thiện phương thức canh tác và chế biến.

“Chúng tôi đang tập trung vào việc xây dựng chất lượng tốt nhất cùng với việc bảo quản tốt. Chúng tôi sử dụng quy trình giám sát điện tử Egap và quy trình trồng cây hữu cơ của Hoa Kỳ”, Tổng giám đốc của Green Path Việt Nam cho biết.

 Bên cạnh đó, bà Hương cũng cho biết, Công ty đang đầu tư vào khu chế biến, khu chăn nuôi công nghệ cao, khu chế biến than hoạt tính để sản xuất phân bón với mục đích xây dựng nền tảng vững chắc để phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Về phần mình, ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, để đảm bảo chất lượng và kích thước tiêu chuẩn, đồng thời không có dư lượng thuốc trừ sâu, Vina T&T đã hợp tác chặt chẽ với các trang trại để sử dụng quy trình sản xuất hữu cơ 100%. “Tất cả các vùng nguyên liệu của chúng tôi đã được cấp mã, việc tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP giúp chúng tôi sản xuất các sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu của thị trường Hoa Kỳ”, ông Nguyễn Đình Tùng cho biết.

Trong khi đó, các địa phương như Đồng Tháp, Trà Vinh, Sơn La cũng đang tích cực hỗ trợ người dân về công nghệ, thay đổi cách canh tác nhằm sản xuất các sản phẩm tốt, an toàn và đẹp về mẫu mã, góp phần xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập với thế giới, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là giúp ngành nông nghiệp Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu nông sản 42 - 42 tỷ USD vào năm 2020.

Rộng đường cho hàng Việt vào thị trường Hoa Kỳ
Lần đầu tiên, hàng hóa của Việt Nam sẽ có mặt tại “Hội chợ quốc tế Hoa Kỳ Global Expo 2019”, với các hoạt động được tổ chức trong các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư