Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Hải Phòng: Liên tiếp bắt giữ nhiều container gỗ Giáng hương đỏ Ấn Độ quý hiếm
T.Bình - 12/01/2014 20:19
 
Hải quan Hải Phòng vừa tiếp tục bắt giữ 2 container gỗ quý hiếm “giáng hương đỏ” Ấn Độ, được vận chuyển trái phép về cảng Hải Phòng.
TIN LIÊN QUAN

Số gỗ giáng hương đỏ Ấn Độ vừa được Đội Kiểm soát Hải quan Hải Phòng bắt giữ

Số gỗ giáng hương đỏ Ấn Độ vừa được Đội Kiểm soát Hải quan Hải Phòng bắt giữ
Ảnh: T.Bình.

Theo Đội Kiểm soát Hải quan Hải Phòng, container thứ nhất được vận chuyển về Tân Cảng (Hải Phòng) ngày 25-12-2013. Trên vận đơn hàng hóa được thể hiện là 60 kiện hàng thủy tinh. DN đứng tên nhận hàng trên vận đơn có trụ sở tại Hải Phòng. Trước khi cơ quan Hải quan tiến hành kiểm tra, DN có văn bản gửi hãng tàu từ chối nhận hàng.

Tuy nhiên, khi cơ quan Hải quan tiến hành kiểm tra, trong container có chứa trên 5 tấn gỗ quý hiếm là giáng hương đỏ Ấn Độ.

Tiếp đó, ngày 6-1-2014 vừa qua, Đội Kiểm soát Hải quan tiếp tục kiểm tra 1 container hàng hóa có nguồn gốc xuất đi từ Ấn Độ.

Trên vận đơn, hàng hóa được thể hiện là 15 cuộn giấy Kraft. Tuy nhiên, khi Đội Kiểm soát mở container để kiểm tra, thực tế trong container có rất nhiều cây gỗ giáng hương đỏ Ấn Độ.

DN đứng tên nhận hàng trên vận đơn của lô hàng này có trụ sở ở TP.Móng Cái, Quảng Ninh cũng có văn bản gửi hãng tàu từ chối nhận hàng.

Trước đó, liên tiếp trong tháng 10, 11 và 12-2013, Đội Kiểm soát Hải quan Hải Phòng đã phát hiện, bắt giữ 7 container gỗ quý hiếm là giáng hương đỏ Ấn Độ và 1 container gỗ tếch Nam Phi. Đây là các loài gỗ quý hiếm nằm trong phụ lục 2 của Công ước CITES (Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp).

Ông Đỗ Quang Tùng- Giám đốc cơ quan quản lí CITES Việt Nam cho biết, tại Việt Nam gỗ giáng hương nằm trong Phụ lục 2 của Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước CITES ban hành kèm theo Thông tư 40/2013/TT-BNNPTNT. Việc buôn bán, vận chuyển qua biên giới các mặt hàng thuộc Phụ lục 2 (như gỗ giáng hương) bắt buộc phải có giấy phép của cơ quan quản lí CITES nước XK cấp và phải có giấy phép đồng ý NK của cơ quan quản lí CITES nước NK.

Việc vận chuyển gỗ giáng hương mà không có các giấy tờ liên quan trên (như vụ việc do Hải quan Hải Phòng phát hiện, bắt giữ) đã vi phạm quy định Công ước CITES mà Việt Nam là thành viên cũng như vi pham quy định Nghị định 82/2006/NĐ-CP về quản lí hoạt động XNK, tái XK, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

Tiến sĩ Đặng Tất Thế (Viên Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) cho biết, giáng hương đỏ Ấn Độ là loài gỗ có mầu đỏ và cũng có hương thơm nên ở Việt Nam nhiều người lầm tưởng là gỗ sưa đỏ. Nhưng thực chất gỗ sưa thuộc họ khác (cùng họ với gỗ trắc, cẩm lai…).

Tuy nhiên, gỗ giáng hương đỏ Ấn Độ vẫn rất quý hiếm vì công dụng và những giá trị có tính chất tâm linh của nó. Ở Ấn Độ, loài gỗ này được dùng để làm các đồ tâm linh đồ thủ công mĩ nghệ để thờ, tràng hạt hoặc dùng chiết xuất tinh dầu làm hương liệu, nghiền thành bột thơm phục vụ việc làm đẹp (chủ yếu ở cho phụ nữ). Tại Trung Quốc, thời nhà Minh, nhà Thanh vua, chúa rất thích dùng đồ làm từ gỗ giáng hương đỏ. Chính vì vậy, nhiều gia đình giàu có ở quốc gia này cũng rất chuộng các sản phẩm làm từ gỗ giáng hương đỏ để thể hiện sự quyền quý.

Tiến sĩ Thế cho biết thêm, ngoài Ấn Độ, gỗ giáng hương còn được phân bố ở một số khu vực thuộc Đông Nam Á như Lào, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia… Ở Campuchia loại gỗ này được gọi là giáng hương campot. Tuy nhiên, hương thơm của giáng hương ở Đông Nam Á không đậm đà như giáng hương Ấn Độ. Để hạn chế khai thác gỗ giáng hương, từ lâu Ấn Độ đã đưa mặt hàng này vào Phụ lục 2 của Công ước CITES. Từ nhiều năm nay Ấn Độ gần như không cấp phép XK gỗ giáng hương.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư