Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hải Phòng, Quảng Ninh ban hành công điện hoả tốc ứng phó bão số 3
Thanh Sơn - 04/09/2024 08:24
 
UBND TP. Hải Phòng và UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành công điện "hỏa tốc" chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các địa phương triển khai các phương án ứng phó bão số 3 (bão YAGI).

Để chủ động ứng phó với bão YAGI trên biển Đông (cơn bão số 3), UBND Thành phố Hải Phòng vừa có văn bản 1968/UBND-TL yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trước tình hình, diễn biến của bão.

Theo đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, lồng bè nuôi trồng thủy sản, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi chuyển vào khu vực nguy hiểm. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của bão đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó. Tổ chức trực ban nghiêm túc, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu có thể xảy ra; báo cáo kịp thời về Cơ quan Thường trực phòng chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố.

Ngư dân tại Cảng cá Ngọc Hải, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng chằng chống tàu thuyền, đảm bảo an toàn trước khi bão về

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực về Phòng chống thiên tai) thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, chủ động tham mưu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố, UBND Thành phố các nội dung chỉ đạo để ứng phó. Chủ động kiểm tra công trình phòng chống thiên tai, đôn đốc, hướng dẫn, yêu cầu các Chủ đầu tư các công trình xây dựng liên quan đến công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn thành phố thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo an toàn công trình, nhất là các công trình cống dưới đề đang thi công.

Tại Quảng Ninh, UBND tỉnh cũng vừa ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND về chủ động ứng phó với bão số 3 (YAGI).

UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị theo dõi diễn biến của bão, thông tin đến các địa phương, đơn vị để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó;

Chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với UBND các địa phương ven biển nắm chắc tình hình tàu thuyền (đặc biệt là tàu xa bờ); thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động về nơi tránh trú, không đi vào vùng nguy hiểm;

Chủ tịch UBND các địa phương (đặc biệt các địa phương ven biển và miền núi) theo dõi thông tin thường xuyên, nắm chắc tình hình diễn biến cơn bão số 3; khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp phòng chống bão theo phương châm “3 trước - 4 tại chỗ”, tổ chức thông tin cho nhân dân biết về diễn biến bão.

Căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ tại địa phương chủ động kịp thời, hướng dẫn người dân, các đơn vị ứng phó. Trong đó, tập trung chủ động phòng, chống gió lớn, mưa lớn trước, trong và sau bão trong điều kiện đất đã bão hòa nước, rất dễ gây sạt trượt, lở đất; sẵn sàng phương án phòng, chống ngập lụt, sạt lở trên địa bàn, nơi sản xuất;

Chỉ đạo, đôn đốc gia cố lại các lồng bè nuôi trồng thủy sản, chủ động phương án đưa người tại các khu sản xuất trên biển lên bờ (ưu tiên phụ nữ, người già, trẻ nhỏ lên trước) khi cần thiết; Thông báo cho các khu vui chơi, các công trình đang xây dựng trên địa bàn biết thông tin bão để có các giải pháp ứng phó thích hợp.

Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo Cảng vụ đường thủy nội địa rà soát, nắm chắc số lượng tàu du lịch, sẵn sàng thực hiện cấm biển khi có yêu cầu; hướng dẫn tàu thuyền neo đậu, tránh trú tại các bến, khu neo đậu. Chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành các tuyến đường bộ (lưu ý đường cao tốc, cầu Bạch Đằng, Bãi Cháy...) sẵn sàng các biện pháp ứng phó tình huống gió mạnh.

Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, các Đài Thông tin duyên hải theo dõi diễn biến của bão, hướng dẫn tàu thuyền không đi vào vùng nguy hiểm và neo đậu an toàn khi có tình huống ảnh hưởng

Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, các Đài Thông tin duyên hải theo dõi diễn biến của bão, hướng dẫn tàu thuyền không đi vào vùng nguy hiểm và neo đậu an toàn khi có tình huống ảnh hưởng; thực hiện nghiêm việc cấm biển khi có yêu cầu.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc tập trung rà soát các phương án phòng, chống thiên tai đối với các khu vực khai thác hầm lò, bãi thải, các vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở khi có mưa lớn trên địa bàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tiến hành thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 16h00’ ngày 3/9, bão số 3 ở vào khoảng 18,7 độ vĩ bắc; 118,6 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông. Bão mạnh cấp 10 (89 - 102 km/giờ), giật cấp 12, di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15 km. Như vậy, sau khi đi vào Biển Đông, trong vòng chưa đầy nửa ngày, bão số 3 đã tăng 2 cấp.

Bản đồ dự báo quỹ đạo và cường độ bão số 3 phát lúc 17h00 ngày 3.9. Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Dự báo, đến 16h00’ ngày 4/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ vĩ bắc; 117,1 độ kinh đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 700 km về phía đông. Bão mạnh cấp 11, giật cấp 13.

Khoảng 16h00’ ngày 5/9, bão số 3 ở vào khoảng 19,0 độ vĩ bắc; 114,3 độ kinh đông, cách đảo Hải Nam khoảng 390 km về phía đông. Bão mạnh cấp 13, giật cấp 16.

Đến 16h00’ ngày 6/9, bão số 3 ở vào khoảng 19,5 độ vĩ bắc; 111,2 độ kinh đông trên vùng biển phía đông đảo Hải Nam. Bão mạnh cấp 14, giật cấp 17.

Từ 72 - 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10 - 15 km, cường độ ít thay đổi và đi vào vịnh Bắc bộ.

Theo cập nhật của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến ngày 6/9, bão số 3 sẽ di chuyển ổn định theo hướng tây với tốc độ trung bình khoảng 10 - 15 km/giờ. Từ chiều 6/9, có 2 kịch bản xảy ra, thứ nhất, bão có khả năng di chuyển theo hướng bắc vào khu vực bắc đảo Hải Nam và di chuyển vào phía bắc vịnh Bắc bộ. Với kịch bản này, đêm 6/9 - 7/9, bão sẽ di chuyển vào phía bắc vịnh Bắc bộ. Thứ 2, bão sẽ đổi hướng về tây nam, đi vòng về phía nam của đảo Hải Nam rồi đi vào phía nam của vịnh Bắc bộ nên điểm đổ bộ sẽ khác đi. Cả hai kịch bản này bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển của Việt Nam.

Khi bão đổ bộ vào đất liền, hoàn lưu của bão sẽ rộng, dọc theo các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Nếu bão đi theo kịch bản 1 sẽ gây mưa lớn ở miền Bắc còn theo kịch bản 2, vùng mưa lớn sẽ mở rộng ra từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế. Mưa lớn sẽ gây ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng ở đô thị.

Quảng Ninh, Hải Phòng hút khách du lịch trong 2 ngày đầu nghỉ Lễ 2/9
Trong 2 ngày đầu dịp nghỉ Lễ 2/9, các địa điểm du lịch tại Quảng Ninh, Hải Phòng đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư