Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 04 tháng 09 năm 2024,
Người Sán Chỉ ở Đại Dực làm du lịch cộng đồng
Quỳnh Nga - Thanh Tân - 03/09/2024 08:30
 
“Người Sán Chỉ làm du lịch cộng đồng hay lắm”, lời mời gọi qua điện thoại của Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tiên Yên (Quảng Ninh) thôi thúc bước chân của chúng tôi - những người làm nghề báo đi để tìm hiểu thực tiễn và trải nghiệm.
Nhà một hộ dân người Sán Chỉ làm du lịch cộng đồng tại bản Khe Lục (Ảnh: Thanh tân
Nhà một hộ dân người Sán Chỉ làm du lịch cộng đồng tại bản Khe Lục. Ảnh: Thanh tân

Đường tới bản đã thông

Vào dịp kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng tôi nhận được thư mời của Huyện ủy Tiên Yên về xã Đại Dực - một xã xa nhất của huyện. Vì chưa đi bao giờ nên tôi nhanh tay tìm kiếm trên Google. “Từ Hải Phòng đi đến đó hơn 150 km đấy. Có vẻ hơi xa sếp ạ!”, tôi quay ra bảo với “sếp” của văn phòng.

“Đi thôi, chưa đến những nơi xa xôi như thế, làm sao biết được đời sống của người dân miền núi như thế nào. Làm báo, phải đi nhiều vào”, sếp nói với tôi.

Và ngày đi đã ấn định, chúng tôi lên đường.

Là xã miền núi nằm ở phía Đông Bắc của huyện Tiên Yên, xã Đại Dực có 5 dân tộc tập trung sinh sống gồm Sán Chỉ, Dao, Kinh, Tày, Thái. Trong đó, phần lớn đồng bào sinh sống tại xã Đại Dực là người Sán Chỉ.


Với quan điểm xuyên suốt “Người dân vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới”, gắn với đổi mới phương pháp và cách làm, từng bước làm thay đổi nhận thức, tư duy, chuyển biến thành hành động cụ thể của nhân dân, từ trông chờ, ỷ lại, chuyển sang chủ động, tích cực phát triển kinh tế hộ gia đình, tham gia các hoạt động cộng đồng, chúng tôi đã có được những thành công bước đầu.

Ông Nguyễn Chí Thành, Bí thư Huyện ủy Tiên Yên

Vì là lần đầu đến bản Khe Lục, tôi lựa chọn “cầm lái” để cảm nhận và quan sát hết cung đường về bản.

Từ Hải Phòng, chúng tôi đi cao tốc Hải Phòng - Móng Cái, đến nút giao Mũi Chùa, huyện Tiên Yên (Km 122+040) thì rẽ xuống. Cảnh quan hai bên đường cao tốc nhiều đoạn đẹp như tranh vẽ, tôi thầm khâm phục sự phát triển bứt phá, đúng hướng để có một Quảng Ninh như hôm nay. Con đường được mệnh danh là “xương sống” của Quảng Ninh quả rất đúng. Sau khoảng gần 2 giờ chạy xe, chúng tôi đã tới trung tâm huyện Tiên Yên.

“Đúng là thời tiết chiều lòng người. Trời đẹp. Anh và phóng viên về với Tiên Yên, về với Đại Dực hôm nay chắc là thú vị lắm. Từ đây về đến bản Khe Lục (xã Đại Dực) còn 23 km nữa thôi”, anh Đào Xuân Thắng, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy vui vẻ nói khi đón chúng tôi tại thị trấn huyện. Rồi chúng tôi cùng khởi hành về với Đại Dực sau khi ăn trưa với món gà Tiên Yên trứ danh.

Được biết, năm 2020, toàn bộ diện tích và dân số của xã Đại Thành được sáp nhập vào xã Đại Dực. Đại Dực là một trong những xã xa xôi nhất huyện Tiên Yên. Trước kia còn nghèo, đường xá đi lại khó khăn do địa hình đồi núi. Trên cơ sở tuyến đường mòn trên núi Cổng Trời, một con đường mới - con đường xẻ cổng trời Tiên Yên, đã rút ngắn gần 6 lần độ dài đường từ trung tâm xã Đại Dực đến xã Đại Thành cũ, giờ chỉ còn 7,5 km (trước kia là 42,5 km). Đường đã được trải nhựa, bê tông cơ bản về đến tận bản. 

Như vậy, nếu đi từ trung tâm huyện Tiên Yên theo Quốc lộ 18B, rẽ vào tuyến đường liên xã Đông Ngũ - Đại Dực đã là một con đường đẹp. Một bên là núi xanh thẳm với những cánh rừng trùng điệp, một bên là thung sâu với tiếng suối chảy róc rách.

Phát triển du lịch cộng đồng

Sau gần 1 giờ chạy xe, chúng tôi dừng chân ở một căn nhà có vẻ đẹp độc đáo tại bản Khe Lục. Trước mắt chúng tôi là màu xanh, không khí trong lành của núi rừng, cảm giác dễ chịu vô cùng.

Đón chúng tôi, ông Hoàng Việt Tùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực, dẫn khách vào tham quan phía trong ngôi nhà. Đây là một ngôi nhà ở theo lối kiến trúc cổ xưa của người Sán Chỉ. Nhà được làm bằng gạch đất, lợp ngói âm dương, xung quanh và trước cổng nhà được xếp hàng rào bằng đá. Mỗi ngôi nhà nơi đây đều là một không gian văn hóa rất đặc biệt.

Người Sán Chỉ vốn sống bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt cây lương thực trên đất dốc và khai thác rừng. Thời gian qua, các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn luôn được các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến xã quan tâm. Với sự vào cuộc của chính quyền và sự nỗ lực cố gắng vươn lên của đồng bào dân tộc, các mô hình trong phát triển kinh tế ngày càng đa dạng, phong phú. Du lịch cộng đồng hiện nay đang là một trong những hoạt động mà người Sán Chỉ tại xã Đại Dực đón nhận, triển khai tích cực.

Mô hình du lịch cộng đồng dân tộc thiểu số không phải là mới. Mỗi dân tộc đều có những nét đẹp văn hóa truyền thống, bản sắc đặc trưng. Để mô hình du lịch cộng đồng tại thôn Khe Lục phát triển và có quy mô, thu hút du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng và khám phá tự nhiên, xã Đại Dực đã tiến hành vận động 3 gia đình gồm Nình A Lộc, Nình A Sặn và Nình A Dần bước đầu phát triển mô hình Homestay. Theo đó, các du khách sẽ được tham gia sinh hoạt cùng gia đình như làm ruộng bậc thang, chế biến các món ăn, tập hát soóng cọ…

Căn nhà cổ của anh Nình A Lộc đã được tu sửa lại. Sân, vườn, giếng nước, bếp được cải tạo thêm không gian để đón khách tới tham quan, lưu trú, nhưng vẫn giữ nguyên được “hồn cốt”.

“Ban đầu chúng tôi cũng khá bỡ ngỡ, vì từ trước đến nay có bao giờ cho người lạ vào ngủ rồi sinh hoạt cùng gia đình đâu. Được sự vận động của lãnh đạo các cấp và tự tìm hiểu, chúng tôi dần thay đổi cách nghĩ. Cách làm này giúp chúng tôi vừa lưu giữ, vừa lan tỏa được văn hóa, bản sắc của người Sán Chỉ, lại vừa có thêm thu nhập”, anh Nình A Lộc tâm sự.

Dẫn chúng tôi sang tham quan ngôi nhà cổ của bà Nình Móc Mầu, chị Chíu Nhì Múi, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đại Dực cho biết: “Đoàn Thanh niên xã là nòng cốt trong tuyên truyền, hướng dẫn khách du lịch. Trước kia, người Sán Chỉ hay ngại ngùng trước đám đông, nhưng nay làm du lịch cộng đồng, người Sán Chỉ đã tự tin giao lưu với du khách hơn nhiều rồi”.

 “Tôi cùng gia đình quay lại đây lần thứ hai rồi. Các con tôi thích lắm. Lên đây được ngắm hoa, tham gia nhiều hoạt động mới lạ, vui thích mà cuộc sống ở thành thị chưa bao giờ có. Không khí lại rất tuyệt vời nữa”, anh Nguyễn Anh Tuấn, một du khách mà chúng tôi gặp tại bản chia sẻ khi được hỏi về cảm nhận của mình.

Người Sán Chỉ ở Đại Dực đến nay còn gìn giữ được nhiều nét văn hóa đậm đà bản sắc như nghi lễ cầu may, cầu mùa, hát soóng cọ, ẩm thực độc đáo. Lễ hội mùa vàng với những thửa ruộng bậc thang tại đây rất cuốn hút du khách, đặc biệt là giới trẻ. 

Đến với bản Khe Lục giờ đây, bên cạnh những ngôi nhà mái ngói, vách đất phủ màu thời gian, nép mình bên những sườn đồi, còn là những ngôi nhà khang trang; hệ thống điện, đường, trường học, nhà văn hóa được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

“Phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người Sán Chỉ. Hầu hết các hộ tại xã đã chủ động sản xuất, phát triển kinh tế, không còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 67,7 triệu đồng (tăng 3,2 triệu đồng so với năm 2022). Du lịch cộng đồng là một trong nhiều yếu tố giúp đời sống nhân dân ngày càng sung túc”, ông Tùng nói.

Khách du lịch tham quan nhà cổ của người Sán Chỉ ở xã Đại Dực (Ảnh: Xuân Thắng)
Khách du lịch tham quan nhà cổ của người Sán Chỉ ở xã Đại Dực. Ảnh: Xuân Thắng

Khách không chỉ đến một lần

Quảng Ninh là tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc lại lưu giữ những giá trị văn hoá đặc trưng. Những yếu tố này góp phần tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất và con người Quảng Ninh.

Với sự tham gia của người Sán Chỉ vào mô hình du lịch cộng đồng, không chỉ anh Nình A Lộc, mà cộng đồng người dân tại xã vùng cao Đại Dực đang phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Sau khi tham quan, ăn tối, trò chuyện trong không khí rất thân tình và cởi mở với một đoàn khách du lịch gần 60 người, chúng tôi xin phép ra về. “Các nhà báo ở lại nghỉ đi, bản đã bố trí đủ chỗ ngủ mà”, chủ nhà Nình A Lộc mời. Nhưng vì công việc, chúng tôi đành hẹn dịp khác.

Nhiều du khách cũng tâm sự, họ sẽ quay lại Đại Dực để tiếp tục khám phá, giới thiệu thêm nhiều bạn bè cùng đến với vùng đất mến khách này.

Trên đường quay trở ra quốc lộ, chúng tôi thấy một sân đất rộng với ánh sáng điện tỏa sáng để những người đàn ông Sán Chỉ đánh cù - môn chơi thể thao của vùng đất này. Rất nhiều du khách hào hứng tham gia. Đây cũng là nét văn hóa hấp dẫn du khách.

Tôi nghĩ, sớm thôi, nơi đây sẽ trở thành một địa chỉ đỏ về du lịch không chỉ của tỉnh Quảng Ninh, mà của cả nước. Tình người, nét văn hóa đậm đà bản sắc sẽ là điểm cộng lớn cho vùng đất đẹp này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư