Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 02 tháng 09 năm 2024,
Thế và lực mới để Hải Phòng vươn tầm khu vực
Thanh Sơn - 02/09/2024 09:59
 
Ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Đây là dấu ấn quan trọng trong công cuộc phát triển của Hải Phòng, sau lộ trình 15 năm thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW.
Đô thị Hải Phòng ngày càng hiện đại, văn minh (Ảnh: Hồng Phong)
Đô thị Hải Phòng ngày càng hiện đại, văn minh (Ảnh: Hồng Phong)

 

Thế và lực mới

Từ kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết 45-NQ/TW được ban hành đã bổ sung các cơ chế, chính sách thuận lợi hơn, mạnh mẽ hơn, khai thác triệt để hơn các lợi thế so sánh của Thành phố, nhằm thực hiện mục tiêu đưa Hải Phòng đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ.

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định, sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 45-NQ/TW, TP. Hải Phòng được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ; sự quan tâm, liên kết, hợp tác chặt chẽ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng nói chung, cả nước nói riêng và sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, do đó, kinh tế - xã hội Hải Phòng đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Quy mô kinh tế của Thành phố mở rộng, duy trì vị trí thứ hai trong vùng Đồng bằng sông Hồng (sau Thủ đô Hà Nội), tốc độ tăng trưởng duy trì liên tục hai con số. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại với ngành công nghiệp phát triển nhanh, là động lực chính trong phát triển kinh tế, Thành phố từng bước khẳng định là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước.

Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của Hải Phòng đã có những bước phát triển đột phá. Tính chung giai đoạn 2019-2023, Hải Phòng xây mới được 19,67 km quốc lộ, 28,78 km tỉnh lộ, 55,49 km huyện lộ, 137,04 km đường đô thị. Cảng biển Hải Phòng là cảng biển loại đặc biệt, đang khai thác với 52 bến cảng, nổi bật là Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.

Hải Phòng liên tục nằm trong danh sách các địa phương dẫn đầu về thu hút FDI toàn quốc. Thành phố đã thu hút được 14 tỷ USD vốn FDI, đứng thứ 6 trong cả nước và thu hút được 307.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư vùng Đồng bằng sông Hồng với điểm sáng là Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Đây là một trong những trung tâm kinh tế biển của vùng Bắc Bộ và cả nước.

Người Hải Phòng luôn tự hào về Cảng hàng không quốc tế Cát Bi sôi động với những chuyến bay và đang được tiếp tục mở rộng nhà ga, sân đỗ, nâng công suất. Càng tự hào hơn với Nhà máy sản xuất ô tô VinFast, biểu tượng của công nghiệp Hải Phòng cũng như của Việt Nam, tiến tới nền công nghiệp 4.0, cùng hàng vạn chiếc xe ô tô điện thân thiện với môi trường xuất khẩu sang Mỹ, Indonesia...

Hiếm địa phương nào làm được như Hải Phòng, khi dành những khu đất đẹp nhất, những cơ chế chính sách ưu đãi nhất để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, với quan điểm phải đạt 3 tốt “vị trí tốt - chất lượng tốt - giá cả tốt”. Đến nay, mục tiêu xây dựng hơn 15.400 căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đã nằm trong tầm tay và từ đây, Hải Phòng có đủ cơ sở, đủ điều kiện để giải quyết dứt điểm các chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm; hàng chục ngàn hộ dân sẽ được sống trong các căn hộ mới khang trang, hiện đại.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, y tế được Thành phố ngày càng quan tâm đầu tư, nhất là chính sách miễn học phí cho học sinh các bậc học từ mầm non đến THPT.

Cũng trong vòng chưa đầy 10 năm, không chỉ làm đường, mà hàng chục cây cầu giao thương với các tỉnh xung quanh cũng là một dấu ấn trong phát triển giao thông của Hải Phòng. Thương hiệu “Thành phố của những cây cầu” đã trở nên thân thuộc của người dân thành phố và cả nước.

Đặc biệt, năm 2023, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được Ủy ban Di sản thế giới UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với các giá trị thẩm mỹ và địa chất, địa mạo nổi bật toàn cầu.

Vươn tầm cao mới

“Hải Phòng được định hướng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao...; cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt”, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết. Nghị quyết 45-NQ/TW  và các nghị quyết phát triển vùng đã xác định rõ quan điểm cốt lõi phát triển Hải Phòng vì cả khu vực và cả nước.

Huyện Thủy Nguyên được xác định là một trong 3 hướng đột phá về không gian đô thị, là trung tâm hành chính, chính trị, thương mại, tài chính, ngân hàng... của thành phố cảng.

Trung tâm Chính trị - Hành chính TP. Hải Phòng - hạng mục cốt lõi trong quy hoạch phát triển không gian đô thị của thành phố về hướng Bắc, cũng là nền móng xây dựng thành phố mới Thủy Nguyên đang rõ dần hình hài. Theo đó, cuối năm 2025 sẽ đưa vào khai thác trung tâm này, cùng với việc nâng cấp huyện lên thành phố Thủy Nguyên.

Hải Phòng cũng trình Thủ tướng Chính phủ đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000 ha - là khu kinh tế sinh thái thế hệ 3.0, đa ngành, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistics hiện đại và đô thị thông minh, là đầu mối của thành phố tham gia chuỗi giá trị và cung ứng khu vực và thế giới. Đặc biệt, Hải Phòng đề xuất thành lập Khu thương mại tự do với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, hứa hẹn tạo nên một không gian phát triển rộng lớn, năng động, hấp dẫn, đầy tiềm năng cho Thành phố.

Trong chiến lược phát triển, Hải Phòng xác định 6 ngành, lĩnh vực biển trọng tâm, trong đó phát triển hệ thống cảng, dịch vụ cảng và vận tải biển là ưu tiên hàng đầu, phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của Việt Nam, có vị thế trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải sẽ được phát triển thành trung tâm kinh tế hiện đại, cửa chính mở ra biển.

Cảng cửa ngõ Lạch Huyện và cảng Nam Đồ Sơn trong tương lai sẽ hình thành cụm cảng cửa ngõ quốc tế có chức năng trung chuyển container mang tầm khu vực với quy mô lớn, liên kết chuỗi, hiện đại. Cảng biển Hải Phòng trở thành cửa ngõ trung chuyển quốc tế - nơi giao thương sầm uất bậc nhất Việt Nam.

Trong hoạt động hành chính đô thị, Hải Phòng đang thúc đẩy chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhằm tạo ra sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế số, xã hội số và công dân số. Công nghệ dịch vụ 5G phục vụ hoạt động cảng biển logistics đang được triển khai thí điểm tại 2 cảng Tân Vũ, Đình Vũ. Một số quận, huyện đã thành lập Trung tâm giám sát điều hành thông minh IOC.

Hệ thống đường sắt có cách đây hàng trăm năm sẽ được đầu tư cho phù hợp với xu thế phát triển. Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy, đoạn tuyến Hà Nội - Hải Phòng mới (thuộc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng) song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (đến ga Nam Hải Phòng) kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện sẽ thành hiện thực.

Về cơ chế chính sách, đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với TP. Hải Phòng và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng đối với 3 lĩnh vực: quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

Mới đây, trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Việt Nam và Trung Quốc đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác phát triển đường sắt kết nối giữa hai nước. Đó là dự án viện trợ Việt Nam lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tạo thành mạng lưới đường sắt khép kín kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc), góp phần quan trọng đối với việc vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN.

Đây thực sự là những lực đẩy quan trọng cho Hải Phòng vươn tầm khu vực trong tương lai không xa.

Hải Phòng: Khởi công Dự án đường Vành đai 2 vào tháng 11/2024
Với tổng vốn đầu tư 7.439 tỷ đồng, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2 đoạn tuyến Tân Vũ - Hưng Đạo - đường Bùi Viện đi qua địa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư