Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hai vợ chồng trẻ mua được đất từ những đồng lẻ tiết kiệm
Phan Dương (VnExpress) - 05/12/2017 08:42
 
Thu nhập chỉ gần 4 triệu nhưng sau một năm rưỡi kết hôn, vợ chồng chị Lý đã mua được mảnh đất từ những đồng tiền lẻ tiết kiệm.

Chị Hoàng Lý, 29 tuổi, (quê Thái Bình), là chuyên viên nông nghiệp trong một nông trường ở Sơn La. Chị vẫn tiết kiệm được, dù ở trong hoàn cảnh lương 800 nghìn đến 1,2 triệu những năm 2010 hay hiện tại lương 4,4 triệu và "đèo bòng" thêm hai con. Chị Lý chia sẻ câu chuyện của mình, muốn cho thấy có mục tiêu và kiên trì với mục tiêu, chắc chắn bạn sẽ đạt được mong muốn.

 Lý đang có con nhỏ 9 tháng và một con lớn 4 tuổi. Chị thu vén 4,4 triệu của mình nuôi hai con, tiết kiệm và biếu ông bà ngoại
Lý đang có con nhỏ 9 tháng và một con lớn 4 tuổi. Chị thu vén 4,4 triệu của mình nuôi hai con, tiết kiệm và biếu ông bà ngoại

Năm 2010 vợ chồng tôi cưới nhau. Khoản tiền mừng đám cưới từ bạn bè được khoảng 10 triệu, hai đứa định lên Sơn La thì gửi ngân hàng nhưng bị mất trên đường đi. Lúc đó buồn lắm vì đã không có lại càng nghèo hơn.

Ngày đó mỗi tháng lương tôi được 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng. Chồng tôi thì được khoảng 2 triệu. Lương thấp còn không đủ nuôi thân thì sinh con làm sao mà nuôi nổi, thế là tụi tôi quyết định kế hoạch một hai năm nữa mới sinh con.

Trong khó khăn, vợ chồng tôi đã nảy ra ý tưởng không tiêu tiền lẻ mà để tiết kiệm. Trước thì những đồng lẻ chỉ là một nghìn, hai nghìn, năm nghìn nhưng bây giờ tiền lẻ được chồng tôi "định nghĩa" là từ một nghìn đến 20 nghìn. Bên cạnh đó, mỗi ngày hai đứa cố tiết kiệm 10 - 20 nghìn đồng.

Tiền lẻ thì chúng tôi để đầu giường. Còn tiền tiết kiệm thì cho vào con lợn sứ mà tôi mua từ hồi sinh viên. Các khoản này 2 vợ chồng bảo nhau không được động đến.

Chúng tôi cùng lên kế hoạch chi tiêu hàng ngày. Gạo thì đong đầu tháng. Còn mỗi ngày quy định tiền thức ăn 12 nghìn. Hàng ngày đi chợ nếu trả giá giảm được đồng nào thì cho vào lợn đồng đó. Vì nhét toàn tiền lẻ nên con lợn nhanh đầy. Được vài tháng là chúng tôi móc ra đem gửi ngân hàng được vài triệu.

Hai đứa còn một nguyên tắc đặt ra là tất cả những khoản ngoài lương, từ tiền thưởng hay tiền làm thêm đều cho vào tiết kiệm hết.

Vợ chồng tôi thuê trọ cách cơ quan khoảng 300 m. Cạnh chỗ trọ có gia đình ông bà làm giáo viên nghỉ hưu. Đầu năm 2012, ông bà xây nhà nên muốn bán mảnh đất bên cạnh. Chồng tôi thấy thế liền bàn với vợ mua. Mảnh đất 100 triệu, khi đó chúng tôi tiết kiệm được 40 triệu đồng, phải vay thêm người nhà 40 triệu và còn lại nợ ông bà giáo. Mấy tháng sau chúng tôi trả hết nợ cho ông bà, khoản nợ người thân thì trả vào những năm sau đó.

Bạn bè cưới xong có con hết, chúng tôi cũng chạnh lòng khi bị hỏi nên quyết định có con sau hơn một năm cưới. Mức lương tuy tăng lên nhưng nuôi con tốn kém cũng không tiết kiệm được mấy. Một năm trước công ty hoạt động sa sút nên chồng tôi xin ra làm ngoài. Mỗi tháng anh đưa cho ba mẹ con 2 triệu đồng, cộng với lương của tôi 4,4 triệu nữa phục vụ chi tiêu cho cả nhà.

Giờ thì không áp dụng được chế độ ăn như quân đội nữa mà cũng vung tay một chút cho 2 bé. Nhưng tôi vẫn đưa ra tiêu chí dùng 2 triệu chồng đưa để tiết kiệm phục vụ cho việc học hành của con lớn và lúc ốm đau. 4,4 triệu tiền lương của tôi thì phân bổ dự kiến ăn tiêu trong khoảng 1,5 - 2 triệu. Còn lại để tiết kiệm lâu dài, phụ giúp bố mẹ và khoảng 10 tháng nay thì tôi còn dành ra 100 - 300 nghìn mỗi tháng để mua sách nữa.

Thời gian này hai vợ chồng đang cố gắng xin chuyển công việc về dưới quê nên chúng tôi vừa bán mảnh đất đó, được giá gấp đôi lúc mua. Năm nay tôi nghỉ đẻ mất 6 tháng nên cũng không dành dụm được mấy. Nhưng có điều, khoản tiền thai sản đã nằm trọn trong hũ tiết kiệm rồi.

Giờ thì tôi mong muốn công việc ổn định, con cái mạnh khỏe và xây được một ngôi nhà nhỏ nữa. Cuộc sống vẫn còn khó khăn, nhưng với niềm tin không thể thay đổi, tích tiểu thành đại, tôi tin rồi sẽ tốt hơn.

Tôi không tiết kiệm nổi tiền vì muốn tạo vẻ doanh nhân thành đạt
Mua sắm, chọn việc chỉ để người khác ngưỡng mộ mình, mà không quan tâm đến khả năng hay nhu cầu thật khiến anh Huy lãng phí tiền bạc.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư