Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Hạn chế can thiệp hành chính vào thị trường tiền tệ
Mạnh Bôn - 04/01/2014 11:31
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014. Trong đó Chính phủ, yêu cầu hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính đối với thị trường tiền tệ. >>> Điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ phải ở tầm nghệ thuật >>> Dè dặt đề xuất nới lỏng chính sách tài khóa - tiền tệ >>> Giảm thuế để phá ‘cục máu đông’ >>> Thủ tướng: Chắt chiu từng đồng để giảm bội chi >>>Thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng Chính phủ

Nghị quyết nhấn mạnh, năm 2014, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế.

Nghị quyết 01/NQ-CP, thị trường tiền tệ, tỷ giá
Nghị quyết 01/NQ-CP nêu rõ, chỉ trong trường hợp đặc biệt Ngân hàng Nhà nước mới can thiệp vào thị trường tiền tệ bằng mệnh lệnh hành chính

Theo nhận định của Chính phủ, năm 2014, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong nước, chính trị xã hội ổn định; kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, yếu kém.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý; bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng và của nền kinh tế.

Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam; tăng dự trữ ngoại hối, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế; quản lý hiệu quả thị trường ngoại hối, thị trường vàng, tiếp tục củng cố kết quả chống vàng hóa, kiên quyết đẩy nhanh chống đô-la hóa.

Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra các biện pháp huy động nguồn lực từ vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính đối với thị trường tiền tệ.

Thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, cơ cấu lại nợ, hạn chế nợ xấu gia tăng; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra và công khai, minh bạch hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Năm 2014, theo Nghị quyết 01/NQ-CP, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng rà soát, phân loại nợ, đối tượng vay; thực hiện cơ cấu lại nợ, kể cả việc xem xét khoanh nợ trên cơ sở khả năng tài chính của tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung quy định về giao dịch bảo đảm và các quy định liên quan về bán đấu giá tài sản, tài sản bảo đảm và phát triển thị trường mua bán nợ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay, thu hồi nợ.

Chính phủ yêu cầu trường hợp tăng thu so với dự toán được giao (782.700 tỷ đồng), Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án sử dụng một phần để giảm bội chi ngân sách nhà nước.

Để bảo đảm thu đủ số ngân sách theo dự toán, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá, thực hiện kịp thời và kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng; đẩy mạnh việc xử lý và thu hồi nợ thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thu ngân sách.

Ngoài ra, Bộ Tài chính có trách nhiệm chấn chỉnh việc bán đấu giá tài sản của Nhà nước, bao gồm cả việc đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm thực hiện theo đúng quy định; rà soát các chính sách thu ngân sách, điều chỉnh chính sách thuế bảo đảm phù hợp với lộ trình giảm thuế theo các cam kết quốc tế; không ban hành, điều chỉnh chính sách làm giảm thu và tăng chi ngân sách nhà nước ảnh hưởng đến cân đối ngân sách và an ninh tài chính quốc gia.

Trong tình hình thu ngân sách có hạn (giảm 33.300 tỷ đồng so với dự toán năm 2013), để bảo đảm cân đối thu-chi, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước, sự nghiệp công, cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác; đặc biệt là không bố trí ngân sách cho các bộ ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức mua xe công (trừ xe chuyên dùng).

Trong khi đó, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2014 là thực hiện nghiêm Chỉ thị 14/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ; kiểm tra, giám sát và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời sai phạm của các bộ ngành, địa phương trong phân bổ, bố trí và sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được giao trọng trách rà soát các nội dung đầu tư, cắt giảm chi phí, hạng mục chưa cần thiết trên nguyên tắc vẫn bảo đảm mục tiêu chủ yếu của dự án; căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án và xem xét, quyết định dừng những dự án chưa thật cấp bách, kém hiệu quả, tập trung vốn cho các dự án cấp bách, hiệu quả cao hơn.

Cũng theo Nghị quyết 01/NQ-CP, chủ đầu tư dự án bất động sản được Nhà nước giao đất mà chưa nộp tiền sử dụng đất do có khó khăn về tài chính, chưa được gia hạn nộp tiền sử dụng đất và chưa bán được hàng thì được gia hạn nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ thanh toán tiền bán hàng trong thời gian tối đa 24 tháng.

Giảm thuế để phá ‘cục máu đông’
Phần đông doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), cần thiết phải tiếp tục điều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư