Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hạn chế miễn visa… dội gáo nước lạnh vào ngành du lịch
Mạnh Bôn - 11/09/2013 06:47
 
Chiến lược Phát triển du lịch sẽ bị đe dọa trước đề xuất hạn chế miễn thị thực nhập cảnh (visa) đang được Bộ Công an đề xuất trong Dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật Xuất - nhập cảnh). 4.000 lượt khách quốc tế tới Bình Thuận dịp Quốc khánh

Theo Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn; chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chiến lược Phát triển du lịch có thể bị đe dọa nếu đề xuất hạn chế
miễn thị thực nhập cảnh (visa)

Cụ thể, đến năm 2015, Việt Nam thu hút 7-7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt 10 - 11 tỷ USD.

Đến năm 2020, Việt Nam thu hút 10 - 10,5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt 18-19 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu này, Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020 đã đưa ra rất nhiều giải pháp, trong đó có việc tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch quốc tế như tiếp tục miễn visa cho công dân một số nước.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ký hiệp định, thỏa thuận miễn visa song phương với 75 nước (trong đó 73 nước còn hiệu lực) và đơn phương miễn visa cho công dân mang hộ chiếu phổ thông của Hàn Quốc, Nhật Bản, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch và Nga.

Kết quả là, tính từ năm 2000 đến hết năm 2012, Việt Nam đã đón khoảng 21.506.300 khách du lịch quốc tế với tốc độ tăng trưởng 18,57%/năm. Trong đó, khách du lịch Nhật Bản và Hàn Quốc (2 nước được miễn visa) tăng rất mạnh trong những năm gần đây.

Cụ thể, khác du lịch Nhật Bản đến Việt Nam đã tăng từ 328.470 người năm 2009 lên 557.850 lượt người năm 2012. Khách du lịch Hàn Quốc cũng tăng rất mạnh trong thời gian này từ 332.580 người năm 2009 lên 692.660 lượt người vào năm 2012.

Mặc dù việc miễn visa đơn phương cho một số quốc gia được coi là thị trường trọng điểm du lịch của Việt Nam đã có tác dụng tích cực trong việc biến du lịch trở thành một “ngành công nghiệp không khói” thực sự, nhưng theo Dự thảo Luật Xuất - nhập cảnh thì người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam chỉ được miễn thị thực theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; miễn thị thực theo Nghị quyết của Quốc hội.

Nếu quy định này được thông qua thì tất cả công dân của 73 quốc gia đang được miễn visa muốn đến Việt Nam du lịch phải thực hiện đề nghị cấp visa như công dân các quốc gia khác, vì Việt Nam chưa tham gia bất cứ một tổ chức quốc tế nào cho phép công dân nước này đến nước khác mà không cần visa.

Công dân 7 nước đang được miễn visa đơn phương cũng phải đề nghị cấp visa bình thường nếu muốn đến Việt Nam vì việc miễn visa hiện chỉ được thực hiện thí điểm và chưa được Quốc hội cho phép.

Giải thích về kiến nghị hạn chế miễn visa, Phó tổng cục trưởng Tổng Cục An ninh I (Bộ Công an), ông Vũ Thanh Bình cho rằng, việc đơn phương miễn visa không những làm giảm nguồn thu cho ngân sách (từ lệ phí cấp visa) mà còn để cho doanh nghiệp du lịch nước ngoài thao túng thị trường du lịch trong nước.

Ông Bình cho biết, nhiều công ty du lịch Hàn Quốc, tổ chức tour đưa khách du lịch sang Việt Nam và trực tiếp thuê người Hàn Quốc làm hướng dẫn viên khiến thông tin mà hướng dẫn viên tuyên truyền, cung cấp cho du khách không quản lý được. Thậm chí các cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể quản lý được những giá trị văn hóa, lịch sử nếu hướng dẫn viên tuyên truyền sai lệch.

“Đơn phương miễn visa nhằm mục đích thu hút khách du lịch tại các thị trường tiềm năng, trọng điểm, nhưng qua thống kê, giải pháp này không hữu hiệu vì lượng du khách tăng không đáng kể so với trước khi miễn visa. Trong đó, về mặt an ninh, nhiều người nước ngoài đã lợi dụng chính sách này để hoạt động trái pháp luật tại Việt Nam”, ông Bình nói.

Hiện Việt Nam và các nước ASEAN đang đàm phán để đi đến thống nhất cấp visa chung cho công dân toàn khu vực (tương tự như các nước EU).

Theo ông Bình, cần phải cân nhắc kỹ khi tham gia vào “công dân ASEAN”, bởi khác với EU, các nước ASEAN có khoảng cách rất lớn về trình độ kinh tế, văn hóa, xã hội.

“Nếu các nước ASEAN cấp chung một visa, khách du lịch quốc tế có visa ASEAN có thể đi lại tất cả các nước trong khu vực thì chỉ có những nước có trình độ kinh tế cao hơn như Thái Lan, Singapore, Malaysia hưởng lợi vì họ thu được lệ phí cấp visa do khách du lịch quốc tế thường đến những quốc gia này trước khi tới Việt Nam và những nước còn lại”, ông Bình nói.

“Chúng ta đã mở cửa thì phải tạo điều kiện tối đa để bạn bè quốc tế đến với chúng ta và chúng ta phải chấp nhận sân chơi chung của khu vực và thế giới. Mình kêu gọi đầu tư, thương mại, du lịch… mà vì lý do không quản lý được thì cấm là đi ngược với xu hướng của thời đại”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất hạn chế miễn visa.

Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, với những trường hợp miễn visa hiện nay thì nên tiếp tục thực hiện, với những trường hợp khác thì phải xử lý khác cho phù hợp với thực tiễn.

Du lịch biển Việt Nam có 6 điểm đến tầm quốc tế
Bộ Văn hóa -  Thể thao và Du lịch vừa ra Quyết định số 2782/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt Đề án Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư