Năm 2014- 2015, phía Hàn Quốc ký thỏa thuận đặc biệt (MOU) và mỗi năm chỉ tiếp nhận 3.000 lao động. Ảnh Internet |
Ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, tình trạng lao động Việt Nam bỏ việc ra ngoài cư trú bất hợp pháp hay hết hạn hợp đồng nhưng không về nước ở một số thị trường, đặc biệt như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản là vấn đề rất bức xúc của chúng ta hiện nay.
Đặc biệt với thị trường Hàn Quốc, trước năm 2012, mỗi năm có khoảng 10.000 đi lao động tại Hàn Quốc theo chương trình EPS nhưng do tỷ lệ bỏ trốn cao nên phía Hàn Quốc đã dừng chương trình này. Bởi vậy, năm 2014- 2015, phía Hàn Quốc ký thỏa thuận đặc biệt (MOU) và mỗi năm chỉ tiếp nhận 3.000 lao động.
Trong số 15 nước ký hợp tác chương trình EPS với Hàn Quốc các nước khác có tỷ lệ bỏ trốn dưới 20%, riêng Việt Nam tỷ lệ bỏ trốn trên 30% và phía Hàn Quốc đề nghị phía Việt Nam giảm tỷ lệ này xuống dưới 30% mới ký lại thỏa thuận bình thường. Tuy nhiên, năm 2015, tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước vẫn còn tới 31,9%, chưa đạt kỳ vọng của 2 bên nhằm đưa xuống dưới 30%.
Theo ông Tống Hải Nam, trong tháng 3 vừa qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có cuộc làm việc với phía Hàn Quốc đề nghiên cứu ký tiếp Bản thỏa thuận bình thường. Thời gian tới, phía Bộ sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để lao động Việt Nam tại Hàn Quốc ý thức cao hơn nữa trong việc nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật tại nước sở tại, và tạo cơ hội cho những người khác có thể tiếp tục đi làm việc tại Hàn Quốc.
Hiện Bộ LĐTBXH đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền vận động thông qua người thân và trực tiếp tới các lao động đang làm việc tại Hàn Quốc. Theo thống kê, có 15 tỉnh có nhiều lao động ở lại trái phép nhiều nhất, chiếm tới 85% số lao động ở lại bất hợp pháp.
Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề xuất những huyện nào có nhiều lao động ở lại bất hợp pháp sẽ không được tham gia chương trình EPS giai đoạn sau này.