Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Hàn Quốc sẽ đi đầu trong làn sóng xây dựng “hệ sinh thái” đổi mới sáng tạo ở Việt Nam
Kỳ Thành - 19/10/2022 07:16
 
Đó là kỳ vọng của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc khi nói về giai đoạn mới trong “hợp tác đầu tư” với nước ngoài của Việt Nam.

Ngày 18/10, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc, Đại học Quốc gia Pusan (Hàn Quốc), Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) tổ chức “Diễn đàn kinh tế và thương mại Việt Nam - Hàn Quốc 2022” (VIKOEF 2022) với chủ đề “Kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc 2022: Sự chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế hướng tới nền kinh tế xanh và sáng tạo”.

Phát biểu tại sự kiện, TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc cho biết, Hàn Quốc là đối tác chiến lược và sẽ là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Hàn Quốc là nhà đầu tư số 1, là đối tác viện trợ phát triển, là thị trường du lịch, hợp tác lao động đứng thứ 2, là thị trường xuất khẩu thứ 3. Các doanh nghiệp Hàn Quốc hiện có mặt ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam: dịch vụ, logistics, tài chính - ngân hàng, may mặc, xây dựng, chế tạo, công nghiệp chế biến…

Đáng kể nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ ngày 20/12/2015, đã đưa tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng từ 43,7 tỷ USD năm 2015 lên 74,1 tỷ USD năm 2021. Trong vòng 1 đến 2 năm tới, Việt Nam và Hàn Quốc hoàn toàn có thể hiện thực hóa “mục tiêu kép”, đưa kim ngạch thương mại song phương và tổng vốn đầu tư lũy kế cùng cán mốc 100 tỷ USD.

TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, kỳ tích trong quá trình công nghiệp hóa của Hàn Quốc những năm 60 - 70 - 80 của thế kỷ trước và quá trình chuyển sang nền kinh tế hiện đại hàng đầu trên thế giới hiện nay, là những bài học tham khảo rất quý giá cho quá trình công nghiệp hóa và phát triển nền kinh tế đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong những năm sắp tới.

Nhìn lại thực tế, Việt Nam đang cùng lúc phải thực hiện hành trình kép vừa tiếp tục quá trình công nghiệp hóa đất nước hình thành những ngành công nghiệp cơ bản của một nền kinh tế để bảo đảm tính tự chủ, tự cường, lại vừa đi tắt, đón đầu hướng tới một cơ cấu kinh tế tri thức sáng tạo hơn, bắt kịp những xu thế hàng đầu của nhân loại như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đề cao trách nhiệm xã hội.

TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, Việt Nam cần phải xây dựng một nền kinh tế không chỉ thông minh hơn, hiệu quả hơn mà còn phải nhân văn hơn, thân thiện với môi trường và hòa giải được với thiên nhiên. “Dư địa cho sự hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam trên hành trình này là vô cùng lớn”, ông nhấn mạnh.

Theo vị Chủ tịch VIAC, chúng ta mong muốn bắt đầu một giai đoạn mới trong “hợp tác đầu tư” với nước ngoài đúng theo nghĩa của từ này chứ không chỉ là thu hút hay tiếp nhận đầu tư bằng mọi giá. Hàn Quốc đã đi đầu trong làn sóng đầu tư thứ nhất vào Việt Nam để biến Việt Nam thành “ công xưởng” và bây giờ chúng ta hy vọng Hàn Quốc sẽ đi đầu trong làn sóng thứ 2 cùng với Việt Nam xây dựng “hệ sinh thái” đổi mới sáng tạo ở đất nước này, TS. Vũ Tiến Lộc bày tỏ.

Các đại biểu chứng kiến ra mắt Ấn phẩm tiếng Anh “Sự chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam và Hàn Quốc trong thế kỷ XXI hướng tới nền kinh tế xanh và sáng tạo”.

Muốn vậy, ông Lộc cho rằng, không chỉ doanh nghiệp Việt Nam phải từng bước tiếp nhận chuyển giao và trưởng thành về công nghệ, đặc biệt phải cộng sinh được với những tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc để có thể tham gia vào những phân khúc có giá trị gia tăng lớn hơn của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, cần chuẩn bị những nền tảng mới, thể chế phải thúc đẩy và bảo đảm không gian an toàn cho những nỗ lực đổi mới sáng tạo. Nguồn nhân lực phải nâng cấp để chúng ta có được một thế hệ người lao động có tay nghề, có khả năng thực nghiệm, thực hành. Ngành công nghiệp hỗ trợ phải phát triển và các doanh nghiệp vừa và nhỏ vươn tới các chuẩn mực quốc tế để kết nối được với doanh nghiệp FDI. Hạ tầng cho kinh tế số, kinh tế xanh phải được quan tâm đột phá.

Các chuyên gia, học giả đánh giá, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong tương lai là rất lớn.

Ngoài ra, trong phiên thảo luận, đại diện các doanh nghiệp hai nước, các học giả, nhà nghiên cứu đã trao đổi nhiều nội dung liên quan đến tiềm năng hợp tác song phương Việt Nam - Hàn Quốc trong thời gian tới, như từ nay đến năm 2025 các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tăng đáng kể nguồn vốn vào những dự án thân thiện với môi trường và chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam; tăng cường cung cấp các giải pháp về chính sách, tài chính kỹ thuật hướng tới mục tiêu thúc đổi chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế theo hướng kinh tế xanh, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển bền vững.

Đại diện doanh nghiệp hai nước cũng khẳng định sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 150 tỷ USD vào năm 2030.

Hợp tác đầu tư Việt - Hàn có sự bổ trợ cho nhau
Lũy kế đến hết quý I/2021, Hàn Quốc dẫn đầu trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 9.000 dự án còn hiệu lực và tổng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư