Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 31 tháng 08 năm 2024,
Hàng loạt trường đại học thông báo tuyển bổ sung chỉ tiêu năm 2024
Hưng Anh - 30/08/2024 15:50
 
Chưa kết thúc nhập học đợt 1, hàng loạt trường đại học thông báo tuyển bổ sung. Thêm vào đó nhiều ngành mới được mở cùng việc gia tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Phải chăng, các trường đều đang khát sinh viên?

Trường đại học khát sinh viên?

Tại Hội nghị giáo dục đại học năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định nguồn tuyển hiện dồi dào, các trường uy tín không phải lo lắng, không nên “chen lấn xô đẩy”. Trường đại học được phép tự chủ cao trong vấn đề tuyển sinh nhưng phải trong khuôn khổ quy định. Vì vậy, Bộ GD&ĐT có thể gia tăng một số khung khổ, chế tài để điều tiết tuyển sinh năm sau.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2024, cả nước có trên 730 nghìn thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH trên hệ thống. Sau khi lọc ảo, có trên 673 nghìn thí sinh trúng tuyển đợt 1, đạt trên 91%. Tỉ lệ này có nghĩa, cứ 10 thí sinh đăng kí xét tuyển ĐH thì có hơn 9 thí sinh trúng tuyển. Tuy nhiên, trong số thí sinh trúng tuyển có trên 122 nghìn thí sinh không xác nhận nhập học. Như vậy, các trường ĐH sẽ phải tuyển bổ sung thêm trên 122 nghìn chỉ tiêu.

Năm học 2024 có hơn 122 nghìn thí sinh trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học. 

Tạm bỏ qua một số ngành, trường “hot” luôn được các thí sinh lựa chọn nhiều nên đẩy điểm đầu vào ở mức cao chót vót thì nhiều trường vẫn trong tình trạng “khát sinh viên”.

Điều này thể hiện rõ nhất khi hàng loạt trường bắt đầu thông báo tuyển bổ sung khi mà đợt nhập học lần 1 còn chưa kết thúc. Nguyên nhân được đưa ra để đảm bảo chất lượng đầu vào và tạo điều kiện, cơ hội cho các thí sinh đạt điểm cao nhưng chưa trúng tuyển lần 1. Nhưng thực tế không phải lúc nào ngành hay trường đại học đó cũng đủ sức hút với các thí sinh vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì thế cuộc chạy đua tuyển sinh viên đầu vào là thực tế đã, đang diễn ra tại nhiều cơ sở giáo dục.

Đơn cử, Trường ĐH Kinh tế - Công nghệ, ĐH Thái Nguyên thông báo tuyển sinh bổ sung năm 2024 với 2 phương thức là tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2024 và tuyển sinh dựa vào kết quả học tập ghi trong học bạ THPT.

Đối với xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia, nhà trường yêu cầu thí sinh có kết quả tổ hợp môn thi đạt ngưỡng điểm từ 15 điểm trở lên (trung bình 5 điểm/môn thi).

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định cũng thông báo xét tuyển bổ sung 280 chỉ tiêu với 3 phương thức xét là xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với điểm nhận hồ sơ 16/30 điểm/tổ hợp trở lên; Xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT năm lớp 12 đạt từ 18 điểm/tổ hợp trở lên; Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT của ĐH Quốc gia Hà Nội, tổng điểm đạt từ 75/150 điểm trở lên; Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức đạt từ 50/100 điểm trở lên.

Một số ngành của trường tuyển sinh đợt 1 đạt rất ít hoặc thậm chí không có thí sinh đăng ký, như ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí xét tuyển bổ sung tới 10/15 chỉ tiêu; Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử tuyển bổ sung 10/10 chỉ tiêu; Công nghệ kỹ thuật Điện, Điện tử tuyển bổ sung 100/100 chỉ tiêu.

Hay Trường ĐH Hòa Bình tuyển bổ sung 760 chỉ tiêu. Trường ĐH Công nghiệp Việt - Hung thông báo xét tuyển bổ sung đợt 1 năm 2024 với 480 chỉ tiêu. Trong đó với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp, điểm nhận hồ sơ là 16 điểm/tổ hợp, phương thức xét học bạ, điểm nhận hồ sơ là 18 điểm/tổ hợp. Phân hiệu ĐH Thái Nguyên tại Lào Cai, điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung là 15 điểm/tổ hợp…

Học viện Hàng không Việt Nam tuyển bổ sung 600 chỉ tiêu, Trường ĐH Tài chính - Marketing TP. HCM tuyển bổ sung 50 chỉ tiêu hệ liên kết quốc tế và Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng xét tuyển bổ sung nhiều ngành…

Các Trường như ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), Trường ĐH Thái Bình Dương và Trường ĐH Nha Trang (Khánh Hòa), Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định), Trường ĐH Xây dựng miền Trung và miền Tây... cũng xét tuyển bổ sung hàng ngàn chỉ tiêu.

Ghi nhận cho thấy, nhiều ngành học gần như không tuyển sinh được đợt 1 hoặc tuyển được rất ít nên phải xét tuyển bổ sung vào đợt này.

Tuyển sinh đại học có thật sự là “lọt sàng xuống nia”?

Việc tuyển sinh các đợt bổ sung từ trước đến giờ vẫn được nghĩ theo chiều “lọt sàng xuống nia”. Điều này đúng nhưng không phải lúc nào cũng theo nguyên tắc này, đặc biệt khi mà các trường đại học đã tự chủ, được phép mở thêm nhiều khoa và mở rộng cả số lượng tuyển sinh.

Dải điểm chuẩn của nhiều trường top đầu trải rộng từ mức khá đến mức giỏi nên các trường top giữa, top dưới dù điểm chuẩn chỉ trung bình 5 điểm/môn thi cũng không phải dễ để tuyển thí sinh.

Thực tế cho thấy nhiều trường cao đẳng có chất lượng đang tuyển sinh tốt, điểm chuẩn cao hơn trường ĐH như Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, có hơn 2.000 thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển bằng phương thức điểm thi THPT.

Không phải cứ trường đại học là lấy điểm cao hơn các hệ cao đẳng.

Tuy nhiên, nhà trường chỉ có khoảng 1.125 chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh này. Trong đó điểm chuẩn cao nhất là ngành Kỹ thuật Ô tô, 21/30 điểm/tổ hợp. Mức điểm này cao hơn một số trường ĐH có tuyển sinh ngành Kỹ thuật Ô tô như Trường ĐH Lâm nghiệp (15,2/30 điểm), Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp - ĐH Thái nguyên (19/30 điểm).

Một sự thật nhiều trường CĐ tuyển sinh tốt vì chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm thuận lợi hơn. Thời gian học ngắn hơn và đỡ tốn kém về mặt kinh tế cho gia đình khiến các hệ cao đẳng nghề có vẻ “hút” hơn trong thời gian gần đây.

“Đại học hay cao đẳng thì ra trường cũng là các con có trong tay 1 cái nghề để đi làm, kiếm tiền vì thế với phụ huynh như chúng tôi thì khoảng cách giữa 2 bậc học này không còn xa như trước nữa” - Anh Đoàn Quang Trung, có con năm nay vào ĐH Quốc Gia Hà Nội bày tỏ suy nghĩ.

Nhiều yếu tố tác động khiến bài toán “lọt sàng xuống nia” không còn đúng nữa. Vì vậy, cuộc đua giữa các trường đại học cũng trở nên căng thẳng hơn khi số lượng thí sinh tuyển được không đủ chỉ tiêu.

Để thích nghi và tính đến bài toán ảnh hưởng nguồn thu, nhiều cơ sở, đơn vị giáo dục phải xoay hướng bổ sung bằng các hoạt động khác như phát triển công tác nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp để lấy kinh phí bù đắp cho khoản thiếu hụt sinh viên giảm.

Để làm tốt được nhiệm vụ đó, các cơ sở giáo dục tập trung phát triển đội ngũ giảng viên. Ví như Trường ĐH Công thương “Hiện trường có khoảng 40% giảng viên có trình độ TS, PGS, GS. Phấn đấu tới năm 2027, có 60% giảng viên là tiến sĩ, trong số đó là 10% giảng viên sẽ trở thành người có kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học mạnh” - Đại diện nhà trường cho biết…

Những ngày này, các trường đại học trên cả nước vẫn tiếp tục đưa ra các chỉ tiêu tuyển sinh đợt bổ sung lên đến hàng nghìn người. Đây là cơ hội để phụ huynh và các sĩ tử tiếp tục có những sự lựa chọn cho riêng mình.

Trên 122.000 thí sinh trúng tuyển đại học không xác nhận nhập học
Kết thúc thời gian xác nhận nhập học trực tuyến trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cả nước có 551.479 thí...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư