Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 09 tháng 09 năm 2024,
Hàng Việt bị “soi” nhiều hơn tại thị trường Ấn Độ
Thế Hoàng - 28/08/2021 16:17
 
Ấn Độ gia tăng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu, trong đó có hàng Việt. Bởi vậy, các doanh nghiệp trong nước cần điều chỉnh, tránh rơi vào kiện tụng.
Ảnh minh họa.
Ấn Độ gia tăng điều tra phòng vệ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam là do kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng rất nhanh.

Sợi, sản phẩm gỗ, tấm pin năng lượng mặt trời dính kiện

Cùng với sự gia tăng xuất khẩu của hàng hóa nước ta sang Ấn Độ, số lượng vụ việc hàng Việt bị khởi kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp tại thị trường này cũng đang tăng nhanh trong những năm gần đây. Từ xơ sợi, ván sợi bằng gỗ, đồng, cho tới tấm pin năng lượng mặt trời do các doanh nghiệp Việt Nam xuất sang Ấn Độ đều đã bị khởi kiện.

Năm 2020, các quốc gia trên thế giới đã khởi xướng điều tra mới 151 vụ việc chống bán phá giá, 39 vụ việc chống trợ cấp và 32 vụ việc tự vệ. Trong đó, Mỹ dẫn đầu về số vụ việc khởi xướng với 57 vụ việc, tiếp theo là Ấn Độ với 56 vụ việc, Thổ nhĩ Kỳ với 20 vụ việc và Australia khởi xướng 15 vụ việc.

Thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho thấy, Ấn Độ đã điều tra tổng cộng 2.006 vụ việc (trên tổng số 7.133 vụ việc liên quan tới chống bán phá giá, chống trợ cấp trên thế giới), trong đó có gần 30 vụ việc đối với hàng Việt Nam.

Với phán quyết đưa ra từ năm 2019, hiện tại, ống thép không gỉ của Việt Nam đang chịu thuế chống trợ cấp tại Ấn Độ từ 0 đến 11,96%. Nguyên đơn đã cáo buộc các nhà sản xuất/xuất khẩu hàng hóa bị điều tra của Việt Nam được nhận các khoản trợ cấp như ưu đãi thuế, miễn giảm thuế, ưu đãi khoản vay, hỗ trợ xuất khẩu…, gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa của Ấn Độ. Điều đáng nói là, việc áp thuế chống trợ cấp với các biên độ nói trên kéo dài đến 5 năm, khả năng xét lại phán quyết gần như không có.

Thương mại 2 chiều giữa Việt Nam - Ấn Độ bình quân đạt khoảng 10 tỷ USD/năm. Năm 2019 là năm cao điểm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt hơn 6 tỷ USD, nhưng năm 2020 sụt giảm do ảnh hưởng bởi Covid-19, chỉ còn 5,2 tỷ USD. Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ có giá trị chưa lớn, song theo lý giải của ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), thì việc Ấn Độ gia tăng điều tra phòng vệ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam là do kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng rất nhanh, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tạo sức ép cạnh tranh đáng kể tại thị trường Ấn Độ.

“Mặt khác, diễn biến phức tạp của Covid-19 cũng có thể gây khó khăn thêm cho nhiều ngành sản xuất, buộc các ngành sản xuất tại Ấn Độ phải đề nghị Chính phủ tăng cường các biện pháp để bảo vệ sản xuất trong nước”, ông Dũng nói.

Chủ động thích ứng linh hoạt

Trước vụ việc tấm pin năng lượng mặt trời Việt Nam bị Ấn Độ khởi xướng điều tra chống bán phá giá và đứng trước nguy cơ bị áp thuế, đại diện Tập đoàn Solar BK cho hay, doanh nghiệp này có lượng pin xuất khẩu rất khiêm tốn, nhưng nếu bị Ấn Độ điều tra và quyết định áp thuế, thì một số thị trường nhập khẩu khác có thể căn cứ vào lý do đó để xem xét lại hàng nhập từ Việt Nam.

Thực tế cũng cho thấy, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang bị các thị trường nhập khẩu “soi” rất kỹ, tạo ra thách thức đáng kể cho các doanh nghiệp trong nước. Một khi bị khởi kiện, các doanh nghiệp phải bỏ thời gian chuẩn bị số liệu để cung cấp cho đối tác, làm ảnh hưởng đến sự ổn định trong sản xuất, xuất khẩu. Nếu bị cáo buộc bán phá giá và bị áp thuế, thiệt hại chắc chắn sẽ nhiều hơn do chi phí xuất khẩu tăng lên, nhà nhập khẩu sẽ giảm nhập hàng từ Việt Nam và hàng hóa của Việt Nam trở nên khó cạnh tranh hơn ở các thị trường ngoại.

Tuy nhiên, sự thích ứng nhanh, chủ động ứng phó của cơ quan quản lý nhà nước về phòng vệ thương mại, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trong thời gian qua cũng đã ngăn chặn được nhiều tác động tiêu cực trong một số vụ việc.

Ông Lê Triệu Dũng cho biết, tuy Ấn Độ thực hiện nhiều cuộc điều tra bán phá giá, song tỷ lệ số vụ đi đến kết luận áp dụng biện pháp chống bán phá giá không cao như Mỹ, EU. Đặc biệt, sự tham gia của Việt Nam trong một số vụ việc đã có được kết quả tích cực. Mới đây, Ấn Độ đã quyết định không áp thuế chống bán phá giá một số sản phẩm gỗ MDF có độ dày dưới 6 mm nhập khẩu từ Việt Nam. Vụ việc này đã được khởi xướng điều tra từ tháng 4/2020.

Tháng 5/2021, Ấn Độ cũng quyết định không áp thuế chống bán phá giá với xơ sợi nhân tạo xuất xứ từ Việt Nam, dù trước đó, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ đề xuất mức thuế bán phá giá với sợi polyester từ Việt Nam là 0,41 USD/kg. Năm 2014, quốc gia này quyết định không áp thuế tự vệ đối với sản phẩm sợi đàn hồi thô nhập khẩu từ Việt Nam.

Dẫu vậy, Cục Phòng vệ Thương mại vẫn khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý theo dõi biến động về giá và lượng xuất khẩu của mặt hàng xuất khẩu sang Ấn Độ để có đánh giá kịp thời, bởi những mặt hàng có giá xuất khẩu cạnh tranh, lượng xuất khẩu tăng nhanh sẽ có nguy cơ bị điều tra cao hơn. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể thông qua đối tác nhập khẩu của mình tại Ấn Độ để nắm tình hình và dự báo trước khả năng bị điều tra, rơi vào tầm ngắm kiện tụng.

Túi nhựa Việt Nam xuất sang Mỹ tiếp tục chịu thuế chống bán phá giá 76,11%
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đề nghị gia hạn áp dụng biện pháp chống bán phá giá túi nhựa với mức áp thuế từ 76,11% đến 122,88%, thuế cho sản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư