Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Hàng Việt chiếm tỷ lệ rất cao tại hệ thống siêu thị trong nước
Thế Hải - 12/08/2020 20:52
 
Hàng Việt chiếm tỷ lệ cao trên 90% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước, còn tại các hệ siêu thị nước ngoài, chiếm từ 60% đến 96%.
Trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hóa sản xuất trong nước vẫn chiếm tỉ trọng lớn 80 - 90%.
Hàng Việt đã chiếm lĩnh trên 90% trong hệ thống bán lẻ tại Việt Nam.

Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020 (Đề án).

Theo Báo cáo, Hàng Việt đến nay đã chiếm tỷ lệ cao trên 90% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước, tại các hệ siêu thị nước ngoài, chiếm từ 60% đến 96%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên, trong đó có các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, đạt trên 80% mục tiêu của Đề án.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, ông Đỗ Thắng Hải khẳng định, qua 6 năm triển khai, Đề án đã hỗ trợ nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ Việt Nam thông qua các chương trình truyền thông thường xuyên, liên tục; hỗ trợ thống phân phối hàng Việt Nam phát triển mạnh mẽ, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, từ đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy thị trường xuất khẩu, nguồn nguyên liệu, các đơn hàng bị ngừng trệ thì với quy mô gần 100 triệu người, thị trường nội địa là không gian đủ rộng cho doanh nghiệp khai thác, vượt qua khó khăn và thách thức.

Số liệu thống kê cho thấy, mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 7 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng riêng tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng vẫn chiếm 79,2%, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, bảo đảm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và bảo đảm cung ứng nguyên, nhiên vật liệu, máy móc, thiết bị, hàng hóa để duy trì sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

Bên cạnh những kết quả rất tích cực của Đề án, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chỉ ra một số tồn tại trong quá trình triển khai Đề án, theo đó, do ngân sách phân bổ còn hạn chế so với dự kiến nên quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, một số nhiệm vụ chưa được tập trung thực hiện; Chưa có Thông tư riêng hướng dẫn việc triển khai Đề án dẫn đến quá trình thanh, quyết toán còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Đông đề nghị, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã mở cửa, tham gia nhiều FTA thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) đã đi vào thực thi từ đầu tháng 8, hoạt động đưa hàng Việt vào hệ thống bán lẻ, nâng cao sức cạnh tranh cần phải được phối hợp triển khai mạnh mẽ để hàng Việt không bị đánh bật.

Bước nhảy của hàng Việt sang thị trường ASEAN
Thương mại hai chiều Việt Nam - ASEAN đã tăng lên 57,3 tỷ USD sau 25 năm Việt Nam gia nhập hiệp hội này.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư