Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Hàng Việt có cơ hội tăng thêm 16 tỷ USD vào EU
Thế Hải - 07/07/2018 08:40
 
Nếu Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được phê chuẩn vào cuối năm 2018 và có hiệu lực vào năm 2019, thì thu từ xuất khẩu hàng hóa vào Liên minh châu Âu (EU) có thể tăng thêm 16 tỷ USD ngay trong 2 năm đầu tiên.
TIN LIÊN QUAN

Rộng đường xuất khẩu

Việt Nam và EU đã chính thức kết thúc quá trình rà soát pháp lý của EVFTA và thống nhất toàn bộ nội dung của Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) - hiệp định về bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư, được tách ra từ Hiệp định EVFTA. 

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh kỳ vọng, EVFTA sẽ được ký vào cuối năm 2018 và kịp phê chuẩn vào đầu năm 2019.

.
.

Theo đó, trên 99% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, hoặc sau một lộ trình ngắn. Đối với các mặt hàng trước đây Việt Nam chưa thể xuất khẩu do hàng rào thuế quan còn cao, sau khi hiệp định này có hiệu lực, cũng sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường EU.

“Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định FTA đã đàm phán từ trước tới nay”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Như vậy, dệt may, da giày, đồ gỗ, nông, thủy sản... sẽ rộng đường sang EU hơn, nhờ hàng rào thuế quan được gỡ bỏ.

Theo một nghiên cứu do các chuyên gia quốc tế thực hiện, EVFTA có hiệu lực sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm bình quân 4 - 6%/năm trong vòng 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. 

“Nếu EVFTA có hiệu lực vào năm 2019, xuất khẩu vào EU sẽ tăng thêm 16 tỷ USD ngay trong 1 - 2 năm đầu tiên so với trường hợp không có FTA. Đến năm 2028, sẽ tăng thêm tới 75 - 76 tỷ USD so với trường hợp không có FTA”, Bộ trưởng Bộ Công thương nói.

Riêng với dệt may, ngành hàng có giá trị xuất khẩu 4 tỷ USD sang EU trong năm 2017, thì Hiệp định có thể giúp xuất khẩu tăng thêm 1,54 tỷ USD vào năm 2023 và 5,82 tỷ USD vào năm 2028 so với trường hợp không có FTA.

Mặt hàng giày dép cũng có triển vọng tăng xuất khẩu lớn vào EU. Riêng năm 2017, xuất khẩu giày dép sang các nước EU đạt 4,6 tỷ USD, chiếm 31,5% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam.

Chớp thời cơ 

Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển thương mại Sao Vàng Việt đang mong chờ thời khắc EVFTA được ký kết và có hiệu lực, vì EU là thị trường gắn liền với hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Công ty.

“Chúng tôi xuất khẩu khoảng 20 triệu USD hàng xơ sợi mỗi năm, trong đó tỷ trọng xuất khẩu sang EU tương đối lớn, nên những chính sách thương mại mới nhất giữa Việt Nam và EU luôn được cập nhật kịp thời để có chiến lược kinh doanh phù hợp”, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty Sao Vàng Việt chia sẻ.

Được biết, 3 nhà máy của Sao Vàng Việt tại tỉnh Vĩnh Phúc hiện đang sản xuất và có đơn hàng xuất khẩu đều sang EU, chủ yếu là Tây Ban Nha và Đan Mạch. Công ty kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng khách hàng tại các thị trường mới trong EU.

Mang về giá trị 3,3 tỷ USD từ xuất khẩu trong năm 2017, trong đó thị trường EU đóng góp gần 900 triệu USD, mặt hàng túi xách cũng có nhiều triển vọng tiến sâu vào EU.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Tập đoàn TBS - một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sản xuất da giày, túi xách của Việt Nam đánh giá, EU là thị trường lớn thứ 2 của ngành xuất khẩu túi xách nước ta. Vì vậy, những chính sách thương mại liên quan đến EU luôn là lực đẩy, giúp doanh nghiệp chớp thời cơ và đón cơ hội.

Khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu da giày của Việt Nam sẽ có cơ hội, do hầu hết các dòng thuế nhập khẩu ba lô, túi, cặp và hơn 40% các dòng thuế nhập khẩu giày dép vào EU sẽ giảm về 0%. Hơn nữa, toàn bộ dòng thuế giày dép sẽ được cắt giảm về 0% trong vòng 7 năm khi Hiệp định có hiệu lực. 

Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho biết, thời gian qua, một số hãng nhập khẩu đã đến Việt Nam đặt vấn đề gia công túi xách để xuất khẩu sang EU. Nếu tận dụng được những lợi thế từ EVFTA, ngành da giày, túi xách có thể mang về ngoại tệ lớn.

Hiện mới có hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) mà EU dành cho các nước đang và kém phát triển. Tuy nhiên, thời gian tới, khi Việt Nam đạt đến trình độ phát triển kinh tế nhất định, GSP sẽ không còn nữa.  

Vì vậy, hơn ai hết, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đều mong chờ EVFTA sớm được phê chuẩn và có hiệu lực.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư