Thứ Ba, Ngày 01 tháng 04 năm 2025,
Hành trang đưa Đà Nẵng bước vào kỷ nguyên mới
Linh Đan - 29/03/2025 13:14
 
Vượt qua bao thăng trầm, Đà Nẵng đã xây dựng thành công thương hiệu đầu tàu kinh tế của khu vực miền Trung. Không thỏa mãn với thành quả đạt được, Đà Nẵng đang viết tiếp những trang sử vẻ vang trong kỷ nguyên mới.
Những quyết sách vĩ mô từ Trung ương, kèm các cơ chế chính sách đặc thù đưa Đà Nẵng đứng trước vận hội mới
Những quyết sách vĩ mô từ Trung ương, kèm các cơ chế chính sách đặc thù đưa Đà Nẵng đứng trước vận hội mới

Từ một chặng đường rực rỡ

Những ngày này, Đà Nẵng rộn ràng sự kiện, chương trình kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ TP. Đà Nẵng (28/3/1930 - 28/3/2025) và 50 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/2025).

Phấn khởi và tự hào hơn, khi đúng dịp kỷ niệm này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số, phát triển du lịch, an sinh xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Nhìn lại chặng đường đã qua, thương hiệu Đà Nẵng không phải tự nhiên có, mà là kết quả từ sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của nhiều thế hệ lãnh đạo và tầng lớp nhân dân. Sau ngày giải phóng, dù hạ tầng của Đà Nẵng còn lại gần như nguyên vẹn, nhưng quy mô ngành công nghiệp vẫn nhỏ bé, đất đai ven Thành phố bị bỏ hoang. Trải qua kế hoạch 5 năm (1976 - 1980), Thành phố đạt được một số thành tựu như công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 14,7%/năm, tổ chức khai hoang được 700 ha đất…

Đà Nẵng đứng trước nhiều vận hội mới, với những quyết sách vĩ mô từ Trung ương, kèm các cơ chế chính sách đặc thù trong việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do và Trung tâm tài chính khu vực.

Tổng kết kế hoạch 5 năm (1981 - 1985) kế tiếp, sản lượng công nghiệp Thành phố trong năm 1985 tăng 47% so với năm 1982; số thu ngân sách năm 1985 gấp 5,3 lần so với năm 1983. Tuy vậy, khoảng thời gian 1986 - 1990, nền kinh tế cả nước ở trong giai đoạn khó khăn, Đà Nẵng cũng không ngoại lệ. Giá trị sản xuất công nghiệp bị sụt giảm, năm 1990 chỉ bằng 95,5% so với năm 1985; một số cơ sở phải dừng hoạt động hoặc giải thể; số lượng xí nghiệp quốc doanh sụt giảm từ 64 xuống còn 59.

Nhưng từ sau năm 1991, kinh tế Thành phố dần đi vào ổn định và tăng trưởng. Bình quân tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 1991 - 1998 là 15,6%/năm, cao hơn trung bình của cả nước.

Sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (năm 1997), GDP bình quân giai đoạn 1997 - 2000 bật lên 9,66%/năm; tỷ lệ đói nghèo giảm từ 8,79% của năm 1997 xuống hơn 2% vào năm 2000. Năm 2003, Đà Nẵng chiếm 1,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn Việt Nam, tăng so với mức 1,31% của năm 1996 (năm cuối cùng còn thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng).

Từ năm 2015 - 2020, Đà Nẵng đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,5 - 7%/năm. Tổng sản phẩm nội địa theo giá hiện hành (GRDP) trên địa bàn năm 2019 là 112.000 tỷ đồng, tương đương 4,9 tỷ USD (xếp thứ 14 cả nước). GRDP bình quân đầu người năm 2019 đạt 95,7 triệu đồng, tương đương 4.117 USD.

Không thỏa mãn với những gì đạt được, những năm sau, Đà Nẵng liên tục bứt tốc. Có thời điểm, Đà Nẵng chững lại vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng điều đó không thể cản bước phát triển của Thành phố. Minh chứng là năm 2024, quy mô GRDP của Đà Nẵng dẫn đầu các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ (gồm 8 tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận) và tiếp tục duy trì vị trí thứ 17/63 tỉnh, thành phố trong cả nước... Quy mô nền kinh tế mở rộng hơn 17.000 tỷ đồng.

Thành phố tiếp tục duy trì thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội như chương trình “Thành phố 5 không, 3 có”; “Thành phố 4 an”; hỗ trợ học phí cho học sinh các cấp học trên địa bàn… Đặc biệt, sau hơn 15 năm nỗ lực, quyết tâm, đến nay, Đà Nẵng tiếp tục hình thành thêm 1 khu công viên phần mềm (toàn thành phố hiện có 4 khu công nghệ thông tin tập trung), cùng với các khu công nghệ thông tin đang quy hoạch, xây dựng, đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố.

“Từ một nơi gia công phần mềm ở thời kỳ đầu những năm 2000 với tỷ trọng gia công hơn 80%, nay Thành phố đã chuyển dịch sang phát triển sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, tỷ trọng gia công giảm xuống dưới 40%. Tỷ trọng kinh tế số năm 2023 chiếm 20,69% GRDP, vượt chỉ tiêu đề ra vào năm 2025 là 20%. Đà Nẵng từng bước định vị thương hiệu trên bản đồ công nghệ thông tin Việt Nam và thế giới”, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng chia sẻ.

Đến trang sử đặc biệt trong kỷ nguyên mới

Năm 2025 là năm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Đà Nẵng chung tay thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội trong bối cảnh rất đặc biệt. Đó là, Đà Nẵng đứng trước nhiều vận hội mới, với những quyết sách vĩ mô từ Trung ương, kèm các cơ chế chính sách đặc thù trong việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do và Trung tâm tài chính khu vực.

Không phải ngẫu nhiên mà Đà Nẵng “chốt” chủ đề năm 2025 là “Năm thành phố tập trung sắp xếp tinh gọn bộ máy gắn với cắt giảm thủ tục hành chính, triển khai hiệu quả tổ chức chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế”.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng khẳng định, việc Quốc hội cho phép Đà Nẵng được thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là chủ trương lớn, có ý nghĩa rất quan trọng, là “cú hích”, động lực lớn để kinh tế thành phố nói riêng và kinh tế vùng nói chung phát triển.

Theo ông Nguyễn Văn Quảng, chính sách thí điểm Khu thương mại tự do mang tính đột phá, dám nghĩ, dám làm để thử nghiệm một mô hình đã được thế giới khẳng định, nhưng chưa có tiền lệ ở Việt Nam.

PGS-TS. Bùi Quang Bình, đại diện Tổ tư vấn xây dựng đề án Khu thương mại tự do cho biết, Khu thương mại tự do được kỳ vọng tạo động lực phát triển, mở rộng quy mô kinh tế Đà Nẵng và tác động tới Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Mục tiêu đến năm 2030, Khu thương mại tự do đóng góp trực tiếp 1-2% GRDP của Đà Nẵng, thu hút khoảng 21.000 lao động. Đến năm 2040, đóng góp 9,5% GRDP cho Thành phố và thu hút khoảng 90.000 lao động. Đến năm 2050, kỳ vọng đóng góp 17,9% GRDP và là nơi làm việc của 127.000 lao động.

Ông Bình chia sẻ, Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ phát triển phức hợp đa chức năng theo mô hình “khu trong khu”, bao gồm nhiều chức năng tích hợp như logistics cảng biển, sân bay, thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế xuất, chức năng phụ trợ.

TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh, Đà Nẵng cần khẳng định ý chí Đề án xây dựng Khu thương mại tự do, để tăng quyết tâm chính trị, tinh thần là Đà Nẵng sẽ vươn mình với Khu thương mại tự do.

Còn ông Andy Khoo (CEO của Terne Holdings) tin rằng, Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng có thể tự khác biệt hóa và trở nên nổi bật so với các trung tâm tài chính toàn cầu khác, bằng cách tập trung vào tài chính xanh, tài chính thương mại và đổi mới Fintech.

“Đây không chỉ là một dự án phát triển, mà còn là một tuyên ngôn táo bạo về khát vọng của Việt Nam trong việc dẫn đầu trên thị trường tài chính toàn cầu. Với Trung tâm tài chính, Đà Nẵng có thể đóng góp thêm 3 - 5 tỷ USD hàng năm vào GDP của Việt Nam”, ông Andy Khoo nhìn nhận.

Góp ý với Đà Nẵng, GS. Michael Mainelli, nguyên Thị trưởng Khu tài chính London (Anh) đề xuất, Đà Nẵng cần nâng cao tính thông minh của Trung tâm tài chính khu vực, với khả năng hiểu và quản lý hiệu quả các công nghệ tài chính ngày càng phức tạp. Điều này sẽ giúp mở ra các thị trường mới, đồng thời cung cấp những dịch vụ tài chính cải tiến, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần xây dựng một hệ sinh thái bao quát, với các dịch vụ kinh doanh và khung quy định công bằng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người, đặc biệt là những cá nhân có ý định khởi nghiệp trên thị trường.

Ông Mainelli cũng khuyến nghị, Trung tâm tài chính khu vực cần mang lại chất lượng sống tốt, nhằm thu hút nhân lực chất lượng cao và giữ chân họ trong môi trường làm việc sáng tạo, bền vững.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chia sẻ, Thành phố đón nhận các cơ chế, chính sách vừa có tính đặc thù, vừa có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng thấy rõ trách nhiệm và những khó khăn, thách thức trong việc triển khai để hiện thực hóa các chính sách này, nhất là nhiều vấn đề rất mới và chưa có tiền lệ như Khu thương mại tự do; thí điểm cơ chế tài chính; trao đổi bù trừ tín chỉ carbon; thu hút nhà đầu tư chiến lược trong một số ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; chính sách về thử nghiệm có kiểm soát, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…

“Nếu Đà Nẵng tổ chức thành công những cơ chế đột phá này thì sẽ là góp phần xây dựng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV của Đảng, là cơ sở để cấp có thẩm quyền quyết định triển khai ở những địa phương khác”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói thêm.

Có thể nói, dù với đối diện với nhiều khó khăn, thách thức phía trước, nhưng không gì có thể cản bước phát triển mạnh mẽ của Đà Nẵng. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đoàn kết, đồng lòng tiến về phía trước với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, vì một thành phố hùng cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới.

Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ không “cô đơn” khi thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, mà có sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; có sự hướng dẫn, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, cùng với sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp như lời khẳng định của người đứng đầu Chính phủ.

Đà Nẵng triển lãm thành tựu 50 năm phát triển và hội nhập
Triển lãm “Đà Nẵng - Phát triển và Hội nhập” đã giới thiệu rõ nét những thành tựu kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh Đà Nẵng đạt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư