Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Hấp dẫn Phú Yên
Nguyên Đức - 21/03/2013 00:00
 
Cùng với tiếp tục tăng cường thu hút FDI, Phú Yên đang tích cực cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa liên thông hiện đại”, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư lập thủ tục và triển khai hoạt động đầu tư với thời gian ngắn nhất.
TIN LIÊN QUAN

Nhiều dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vốn vào lĩnh vực dịch vụ - du lịch tại Phú Yên. Ảnh: Lê Minh

Động lực Lọc dầu Vũng Rô

Một sự hồ hởi nhìn thấy rõ ở các vị lãnh đạo tỉnh Phú Yên, bởi sau một thời gian dài chuẩn bị, chẳng còn bao lâu nữa, Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô sẽ được khởi công xây dựng. Dự án này ngay trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nâng công suất từ 4 triệu tấn lên 8 triệu tấn/năm và nâng tổng vốn đầu tư lên gần 3,2 tỷ USD.

Tuy không phải là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất của tỉnh Phú Yên cho tới thời điểm này, mà là Dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp Phú Yên với tổng vốn đầu tư 4,3 tỷ USD, nhưng có thể nói, Lọc dầu Vũng Rô giống như một dự án động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tất nhiên, không chỉ có Lọc dầu Vũng Rô, Phú Yên còn có một số dự án trong lĩnh vực công nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định, như Nhà máy Sản xuất đường tinh luyện của Công ty TNHH Công nghiệp KCP-VN, với tổng vốn đầu tư 51 triệu USD, đã chính thức đi vào hoạt động từ năm 2000; Nhà máy Sản xuất ô tô JRD-VN, với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD, đã hoạt động từ năm 2007…

Không chỉ vậy, trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch, Phú Yên cũng có một số dự án lớn, như Khu du lịch sinh thái Hòn Ngọc Bãi Tràm (60 triệu USD), đã đưa vào hoạt động giai đoạn I với 7 biệt thự, khách sạn, nhà hàng; Khu du lịch sinh thái Sao Việt (30 triệu USD), đã hoàn tất giai đoạn II, III và đang chuẩn bị đầu tư mở rộng...

“Tính đến nay, Phú Yên đã có 42 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 6,405 tỷ USD. Trong đó, có 26 dự án đã đi vào hoạt động với vốn đầu tư trên 436,6 triệu USD”, ông Nguyễn Lê Vũ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, kiêm Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Phú Yên cho biết.

6,405 tỷ USD là một con số đáng ghi nhận, nhưng theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Phú Yên, kết quả này vẫn chưa xứng với tiềm năng. Để tăng cường thu hút FDI, Phú Yên đã thành lập KKT Nam Phú Yên, quy mô 23.000 ha và được quy hoạch phát triển trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng.

“Trọng tâm thu hút đầu tư của chúng tôi là lọc hoá dầu và các ngành công nghiệp sau dầu, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến và xuất khẩu, gắn với việc phát triển và khai thác có hiệu quả cảng Vũng Rô, Bãi Gốc, sân bay Tuy Hoà”, ông Trương Phước Cường, Trưởng ban Quản lý KKT Nam Phú Yên nói.

Bên cạnh đó, Phú Yên cũng đang kêu gọi đầu tư Dự án Khu đô thị Nam TP. Tuy Hòa, với vốn đầu tư dự kiến 2.754 tỷ đồng, quy mô 394 ha.

Và sức hấp dẫn Phú Yên

Tuy nhiên, cùng với tiếp tục tăng cường thu hút FDI, một công việc vô cùng quan trọng được các lãnh đạo tỉnh Phú Yên xác định, đó là nhanh chóng đưa các dự án FDI lớn vào triển khai xây dựng. Vốn đăng ký là 6,405 tỷ USD, nhưng vốn thực hiện mới chỉ đạt gần 436,6 triệu USD, khiến Phú Yên chưa thực sự tận dụng hết được nguồn lực quý giá này.

“Phú Yên luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đến đầu tư, áp dụng các chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định; đồng thời, áp dụng các gói hỗ trợ ngoài hàng rào các dự án, công tác giải phóng mặt bằng, nhất là với các dự án lớn, quan trọng. Đặc biệt, chúng tôi cũng sẽ tích cực hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế ‘một cửa liên thông hiện đại’ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư lập thủ tục và triển khai hoạt động đầu tư với thời gian ngắn nhất”, ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên phát biểu và khẳng định, trước nay, Phú Yên đã làm như vậy và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các nhà đầu tư triển khai dự án được thuận lợi nhất. Tỉnh cũng luôn sẵn sàng đối thoại với nhà đầu tư để có thể trực tiếp lắng nghe ý kiến của họ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, sản xuất - kinh doanh.

Một khía cạnh quan trọng khác là, cùng với tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, Phú Yên cũng đang tích cực hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, để tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển của tỉnh. Một sự kiện có ý nghĩa lớn đã diễn ra vào trung tuần tháng 11 năm ngoái, đó là Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả đã chính thức được khởi công xây dựng.

Được triển khai theo hình thức BOT và BT, với tổng vốn đầu tư 15.603 tỷ đồng, khi hoàn thành, công trình sẽ góp phần nâng cao hiệu quả khai thác Quốc lộ 1A, giảm thiểu tai nạn, rút ngắn 1/4 thời gian lưu thông và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Phú Yên nói riêng, cả khu vực Duyên hải miền Trung nói chung.

Bên cạnh đó, cùng với sân bay Tuy Hòa đang được xây dựng mới, cảng biển nước sâu Vũng Rô đang hoạt động…, Phú Yên cũng đang đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển, nâng cấp cảng Vũng Rô, trục giao thông phía Tây…, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư triển khai nhà máy lọc dầu và đầu tư hình thành một số khu du lịch theo quy hoạch.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư