Thứ Ba, Ngày 08 tháng 04 năm 2025,
Hậu M&A, buông xuôi hay đổ thêm tiền?
Nguyên Đức - 17/05/2013 12:09
 
Nhiều doanh nghiệp (DN) đã chọn giải pháp mua bán - sáp nhập (M&A) để gia tăng cơ hội trên thị trường. Nhưng nhiều khi, chính họ lại sa lầy trong các quyết định mua - bán đó.
TIN LIÊN QUAN

Ông Nguyễn Hồng Phúc, cố vấn Công ty Chất Lượng Giá (giữa) tham gia xử lý tình huống kỳ này

Sau một thời gian tưởng sẽ “được” lớn qua thương vụ với Lotte, mới đây, ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica đã thừa nhận những “sai lầm” của mình khi hợp tác với tập đoàn đến từ Hàn Quốc này.

Cuộc hôn nhân tưởng ngọt ngào bỗng trở nên “cơm không lành, canh không ngọt”, khi Lotte muốn đổi tên thành Lotte - Bibica, được cho là dấu hiệu khởi đầu của một cuộc thâu tóm.

Hợp tác không như mong muốn, nên ông Chiến cho biết, tháng 10/2013, khi hợp đồng hợp tác sản xuất Lotte Pie hết hạn, Bibica sẽ không ký tiếp hợp đồng nữa.

M&A trong thời gian gần đây được coi như là một giải pháp hữu hiệu cho các DN trong bối cảnh khủng hoảng. Rất nhiều DN sắp rơi xuống vực phá sản đã được cứu sống nhờ M&A. Không ít DN đã vươn lên những tầm cao mới trong khủng hoảng là nhờ M&A. Nhưng trường hợp của Bibica có thể coi là một trong những ví dụ điển hình cho một cuộc “hôn phối” không mấy thành công, thậm chí có thể khiến DN Việt phải trả giá đắt.

Câu chuyện gần đây được các cơ quan truyền thông đã nhắc đến nhiều là việc ông Đỗ Văn Bình, Phó chủ tịch HĐQT Sudico, đã từng phải đăng ký bán ra cổ phiếu để cắt lỗ phần nào khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và KCN sông Đà - Sudico (SJS). Công ty này, liên tục thua lỗ khủng trong 2 năm liên tiếp, nên giá cổ phiếu giảm mạnh.

Điều đáng nói là, trước đó, ông Đỗ Văn Bình đã nổi như cồn, khi đổ vài trăm tỷ đồng để “nắm” SJS. Không ít người đã từng nghĩ rằng, ông Bình sẽ thâu tóm SJC.

Câu chuyện của Thủy sản Hùng Vương cũng tương tự. Tháng 7 năm ngoái, khi Công ty cổ phần Lâm thủy sản Bến Tre (FBT) công bố lỗ 4 tỷ đồng, Thủy sản Hùng Vương, đơn vị nắm giữ 25% cổ phần của công ty này, cũng đã lâm cảnh tiến thoái lưỡng nan. Nếu cứu Lâm thủy sản Bến Tre, Hùng Vương sẽ chịu thiệt, vì những cổ đông còn lại ngồi không hưởng lợi. Hơn nữa, Hùng Vương sẽ phải phân bổ nguồn lực và khả năng ứng cứu một DN đang có rất nhiều khó khăn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của mình. Nhưng nếu không ứng cứu và đối tác phá sản, thì Hùng Vương cũng thiệt hại không ít, do đang nắm lượng cổ phần khá lớn tại đây.

Phải làm thế nào, tiếp tục bỏ vốn hay buông xuôi? Đây là tình huống mà không ít DN đang phải đối mặt, khi đơn vị mà mình bỏ vốn không những không phát triển như dự tính, mà ngày càng thua lỗ kéo dài. Nếu không khéo xử lý, không những không cứu được DN được mua, mà ngay cả DN đi mua cũng đối mặt với những rủi ro vô cùng lớn.

Thực tế cho thấy, M&A là cách thức giúp các DN, đặc biệt là các DN gặp khó khăn trong thời kỳ khủng hoảng, tái cấu trúc. Tuy nhiên, đây không phải là phương thuốc thần kỳ có thể giúp được tất cả các DN.

Câu trả lời chính xác chỉ có thể có được khi CEO của DN nghiên cứu kỹ thị trường, DN đã mua, dự báo và phân tích tình hình vĩ mô, thị trường để có những điều chỉnh chiến lược kinh doanh hợp lý cho cả hai bên.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, sáng lập và cố vấn chiến lược Công ty cổ phần Chất Lượng Giá sẽ tham gia xử lý tình huống “bỏ vốn hay buông xuôi” trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công phiên bản 2013 kỳ này.

Chương trình phát sóng vào 10 giờ sáng Chủ nhật (19/5) trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam và phát lại vào 8 giờ sáng thứ Hai (20/5).

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất, với sự tài trợ của Công ty cổ phần Traphaco thông qua nhãn hàng Thuốc bổ não Cebraton.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư