Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hậu nới room, đừng quên những cuộc chia tay
Hà Tâm - 13/01/2014 09:16
 
Việt Nam đã tiến thêm một bước trong quá trình hội nhập sâu với hệ thống ngân hàng thế giới qua quyết định cho phép nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng trong nước (room). HDBank sẽ bán 30% cổ phần cho đối tác Nhật Bản

Theo Nghị định 01/2014/NĐ-CP, ngày 03/1/2014 của Chính phủ, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ tăng từ 15% hiện nay lên 20% từ ngày 20/2/2014; tổng tỷ lệ cổ phần sở hữu của nhà đầu tư nướcngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam. Trong trường hợp phục vụ mục tiêu tái cơ cấu hệ thống, tỷ lệ này có thể được nâng lên cao hơn.

nới room là cơ hội để đối tác chiến lược nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng Việt
Nhiều đối tác chiến lược nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng Việt rồi cũng nhanh chóng chia tay vì chiến lược không phù hợp

Quyết định nới room sẽ tạo thêm nhiều cơ hội sở hữu ngân hàng tại Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài.

Có thể đó là những ngân hàng tạm thời được đánh giá là yếu, song thay vì phải gây dựng từ đầu, khi rót vốn vào đó, nhà đầu tư có thể tận dụng toàn bộ mạng lưới mà ngân hàng trong nước đã gây dựng.

Ngược lại, với ngân hàng yếu trong nước, quyết định này giúp họ thuận lợi hơn trong thu hút vốn và công nghệ quản lý hiện đại để tái cơ cấu, trong bối cảnh nguồn lực trong nước khó khăn.

Hiện có ý kiến cho rằng, Chính phủ nên mạnh dạn mở rộng room vốn ngoại với ngân hàng yếu, theo đó có thể cho phép họ sở hữu tỷ lệ vốn ở mức cao hơn, thậm chí với một số trường hợp có thể lên đến 100%, bởi sẽ không dễ thuyết phục nhà đầu tư ngoại rót vốn cứu ngân hàng yếu nếu không cho họ quyền điều hành, quản trị đồng vốn của mình. Hơn nữa, do 10 ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam hiện chiếm tới 70% thị phần, nên việc mở room với các ngân hàng nhỏ không ảnh hưởng nhiều đến an toàn hệ thống.

Một khi đã nắm cổ phần chi phối, nhà đầu tư nước ngoài không chỉ đóng góp về tài chính, mà còn hỗ trợ cả về quản lý, như quản lý rủi ro, quản lý thanh khoản, mua bán nợ xấu... Với một hệ thống ngân hàng còn non trẻ, kỹ năng quản lý non yếu, việc room sẽ giúp thúc đẩy đầu tư công nghệ, nâng cao việc quản trị, phương thức hoạt động, tăng hiệu quả kinh doanh.

Tất nhiên, để tận dụng tốt cơ hội từ đối tác ngoại, chính các cổ đông trong nước cũng phải có ý thức cải cách. Thực tế đã có trường hợp sau một thời gian góp vốn, một số nhà đầu tư ngoại lẳng lặng rút vốn khỏi ngân hàng nội bởi phía đối tác nội không chịu thay đổi quy cách quản trị, điều hành.

Bên cạnh đó, vì nhiều lý do khác, mà thời gian qua, đã rất nhiều đối tác chiến lược nước ngoài kết duyên với ngân hàng Việt, với hành trình quen thuộc là đến rồi đi, mặn nồng rồi lạnh nhạt, vồn vã rồi lẳng lặng, góp vốn rồi bán vốn...
Đó là những bài học rất thiết thực để việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài vào các ngân hàng Việt chọn lựa được cách thức hợp tác, đồng hành hiệu quả hơn, bền vững hơn.

Mặt khác, dù tán thành nới mạnh room ở khối ngân hàng yếu kém, song đa phần ý kiến tán thành quan điểm thận trọng của Chính phủ trong việc nới room toàn hệ thống. Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, nên ở bình diện chung, việc giữ nguyên tỷ lệ sở hữu cổ phần của nước ngoài ở mức 30% là phù hợp. Nới room quá mạnh trong bối cảnh năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng nội đều khá yếu về cả tài chính lẫn quản trị như hiện nay sẽ không loại trừ khả năng bị nước ngoài thâu tóm.

Cùng với việc thận trọng nới room, Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng một số ngân hàng tầm cỡ khu vực, đủ năng lực cạnh tranh quốc tế, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quản trị rủi ro của thế giới, sẵn sàng hội nhập toàn diện. Với quy mô kinh tế hiện nay, trong vòng 5 năm tới, Việt Nam chỉ nên có 15 ngân hàng thương mại cổ phần thực sự mạnh, có đủ khả năng hội nhập quốc tế. Những ngân hàng yếu kém nên được nhà đầu tư nước ngoài hoặc chính các ngân hàng trong nước mua lại.

Việt Nam hiện có gần 40 ngân hàng trong nước, nhưng chưa có ngân hàng nào đạt tầm quốc tế và khu vực. Mặc dù các ngân hàng đua nhau mở rộng quy mô vốn và mạng lưới, cạnh tranh quyết liệt về tín dụng, nhưng năng lực quản trị lại chưa theo kịp, dẫn tới nợ xấu tăng trong khi sản phẩm, dịch vụ tiện ích kèm theo lại phát triển chưa tương xứng. Chính vì vậy, nới room cho nhà đầu tư nước ngoài cần được coi là một trong những giải pháp có thể giúp khắc phục những điểm yếu nêu trên.

Chính thức nới room sở hữu ngân hàng cho vốn ngoại
Nghị định 01/2014/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, cho phép nới room vốn ngoại lên 20% mà không cần xin ý kiến Thủ tướng. Điểm danh nhà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư