Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hậu thảm họa Formosa: Cần đầu tư vực dậy ngành du lịch 4 tỉnh miền Trung
Mạnh Bôn - 11/07/2016 14:13
 
Trong Phiên họp thứ 50 Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung bàn nhiều về vấn đề ô nhiễm môi trường.

Dễ hiểu vì sao các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại đặc biệt quan tâm đến ô nhiễm môi trường trong phiên họp lần này. Gần đây, sự việc Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng làm cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung đã và đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ

Phó chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ đánh giá, việc Formosa thừa nhận là tác nhân gây ra ô nhiễm môi trường và chấp nhận bỏ tiền để khắc phục thiệt hại (500 triệu USD) cho cư dân 4 tỉnh miền Trung là “thắng lợi bước đầu”. Nhưng ông Tỵ cũng cho rằng, việc xử lý và khắc phục hậu quả vụ việc của Formosa còn kéo dài rất lâu và hậu quả của ô nhiễm môi trường thì chưa thể tính toán được hết.

“Bao giờ mới khắc phục được ô nhiễm môi trường ở các tỉnh miền Trung? Bao giờ đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản ở các tỉnh miền Trung mới trở lại bình thường? Bao giờ ngư dân mới ra khơi vào lộng bình thường? Bao giờ du khách mới quay trở lại vùng đất đầy nắng và gió với bãi biển đẹp như mộng?”, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ đặt hàng loạt câu hỏi, đồng thời ông cũng đánh giá rất cao tinh thần, trách nhiệm của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ ngành hữu quan và UBND 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng do Formosa Hà Tĩnh gây ra.

Vừa đi nghỉ ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) trở về, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải chứng kiến cảnh hàng trăm ngàn người đổ về bãi biển Sầm Sơn. Từ thực tế này, theo bà Hải, việc Formosa gây ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến ngư dân, đến hoạt động đánh bắt, nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản mà còn liên quan đến rất nhiều ngành khác, đặc biệt là du lịch.

“Các tỉnh bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đều là các tỉnh có thế mạnh đặc biệt về du lịch, nhưng sau sự kiện cá chết hàng loạt thì du khách đổ về các nơi khác như Sầm Sơn rất nhiều. Vì vậy, bên cạnh khắc phục sự cố môi trường, hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân cần phải có cơ chế, chính sách đầu tư cho ngành du lịch 4 tỉnh miền Trung phát triển trở lại”, bà Hải đề nghị.

Không chỉ có Formosa Hà Tĩnh mà trước đây nhiều doanh nghiệp đã từng bị phát hiện “đầu độc” môi trường nghiêm trọng như Vedan, Tung kuang, Sonadezi… nên bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm  Ủy ban Pháp luật của Quốc hội  đề nghị Chính phủ, các bộ ngành phải đánh giá lại công tác xử lý ô nhiễm môi trường tất cả các khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất hiện nay. Việc gây ra các thảm họa về môi trường, theo bà Nga nguyên nhân chính là khâu kiểm tra, giám sát của các cơ quan hữu quan ngay từ khi nhà đầu tư lập dự án.

“Để triển khai dự án đầu tư, nhà đầu tư phải có báo cáo tác động môi trường. Đây là cái barie đầu tiên để ngăn chặn ô nhiễm môi trường, nhưng nhiều nhà đầu tư làm báo cáo tác động môi trường chỉ nhằm mục đích đối phó với cơ quan quản lý nhà nước. Các cơ quan hữu quan kiểm tra, giám sát báo cáo tác động môi trường chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này nên rất nhiều báo cáo tác động môi trường được làm rất sơ sài, thậm chí nhiều báo cáo tác động môi trường được cắt dán từ các báo cáo tác động môi trường của dự án khác nhưng cũng không phát hiện ra”, bà Nga dẫn chứng.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Hà Ngọc Chiến yêu cầu, trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và giải pháp 6 tháng cuối năm sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ nhất phải có riêng phần báo cáo về Formosa Hà Tĩnh, trong đó phải nêu cụ thể giải pháp khắc phục, nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến “thảm họa về môi trường vừa qua”. Thậm chí phải lật lại trách nhiệm phê duyệt dự án cho phép Formosa đầu tư vào Hà Tĩnh.

“Dự án Formosa có thời hạn lên tới 70 năm nhưng lại được phê duyệt chủ trương đầu tư rất nhanh; đánh giá tác động môi trường cũng rất nhanh; trong quá trình đầu tư, chủ đầu tư cũng có rất nhiều yêu sách; và gây xảy ra ô nhiễm môi trường cũng rất nhanh”, ông Chiến nêu vấn đề và đề nghị làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân cho phép Formosa đầu tư vào Hà Tĩnh.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Hồng Hà thông tin thêm, việc xử lý chất thải trước khi xả thải ra môi trường được Formosa Hà Tĩnh thuê 6 nhà thầu (hầu hết là Trung Quốc). Các nhà thầu này chịu trách nhiệm lắp đặt, thiết kế, thi công, vận hành hệ thống xử lý chất thải.

“Trong 53 hành vi vi phạm về môi trường mới bị cơ quan nhà nước phát hiện sau khi tiến hành thanh tra tại Formosa Hà Tĩnh có hành vi vô cùng nghiêm trọng là nhà thầu tự ý thay đổi công nghệ xử lý chất thải là nguyên nhân phát tán chất độc hại ra môi trường”, ông Hà cho biết

Vụ Formosa xả thải: Lời cảnh tỉnh đắt giá trong thu hút đầu tư
Vụ việc Formosa xả thải khiến cá chết hàng loạt ở miền Trung chính là lời cảnh tỉnh đắt giá trong thu hút đầu tư của Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư