Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Hãy để quy định về vận tải đường bộ “lăn bánh”
Anh Minh - 19/04/2019 09:03
 
Không có nhiều thay đổi so với phiên bản cuối tháng 1/2019 tại Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP) vừa được Bộ Giao thông - Vận tải trình Chính phủ.
.
Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Cụ thể, ngoài việc không còn ép xe hợp đồng dưới 9 chỗ vào loại hình kinh doanh vận tải taxi, nhưng cơ quan soạn thảo vẫn tiếp tục duy trì định nghĩa kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo còn quy định trường hợp xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn nhận diện gắn cố định trên nóc xe.

Nếu chiểu theo những quy định này, các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối có định giá như Grabcar sẽ bị coi là doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường bộ.

Lẽ dĩ nhiên, Grab cho rằng, việc định danh này là không hợp lý, bởi sẽ dẫn đến khả năng một đơn vị dù chỉ thực hiện một công đoạn của hoạt động kinh doanh vận tải, nhưng vẫn phải xin phép kinh doanh và tuân thủ toàn bộ các điều kiện kinh doanh vận tải. Grab cũng đánh giá, việc áp dụng quy định gắn hộp đèn trên nóc xe taxi kết nối với hành khách qua ứng dụng (điểm b, Khoản 1, Điều 6) và xe hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử (điểm c, Khoản 1, Điều 7) là không cần thiết, có thể làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp vận tải.

Trong khi đó, phía cơ quan soạn thảo khẳng định, việc định danh kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như vậy là nhằm phân định rõ đơn vị kinh doanh vận tải với đơn vị cung cấp dịch vụ khác có liên quan hoạt động vận tải. Điều này cũng thể hiện đúng bản chất của hoạt động kinh doanh vận tải trong xu thế ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ và liên kết phát triển doanh nghiệp giai đoạn hiện nay và thời gian tới, tạo sự minh bạch, tránh phát sinh đùn đẩy trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước, với khách hàng trong hoạt động kinh doanh vận tải. 

Cần phải nói thêm rằng, các nội dung nói trên đã gây nhiều ý kiến trái chiều nhất trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi diện mạo của giao thông đường bộ, khiến những mâu thuẫn về lợi ích của những “người mới” mà đại diện là Grab, Uber với các đơn vị kinh doanh taxi truyền thống gần như không thể dung hòa.

Điều này là lý do khiến Dự thảo Nghị định liên quan sát sườn tới 24.580 doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa bằng ô tô sau hơn 3 năm “đập, sửa” với 7 lần trình Chính phủ, vẫn chưa thể được ban hành.

Có thể thông cảm với Ban Soạn thảo về sự chậm trễ, lúng túng này, bởi việc định danh chính xác các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối như trường hợp của Grab hay Uber để vừa phát huy những hiệu ứng tích cực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; bảo đảm minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, vừa tuyệt đối không để xảy ra kẽ hở pháp lý, làm phát sinh lợi ích nhóm trên cơ sở bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng thực sự vẫn đang là thách thức đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Sẽ rất khó có một dự thảo nghị định làm hài lòng tất cả các bên cũng như có thể giải quyết tất cả các vấn đề mà thực tiễn đòi hỏi. Nhưng trong bối cảnh Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa được sửa đổi với nhiều nội dung đã cho thấy sự bất cập giữa quy định của Luật này với thực tế, thì sự ra đời của một nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đang là đòi hỏi rất cấp bách.

Sau hơn 3 năm xây dựng, đã đến lúc phải đặt niềm tin vào cơ quan soạn thảo, đơn vị có chuyên môn cao nhất, có cái nhìn toàn diện nhất và cũng là người chịu trách nhiệm cuối cùng. Sức ép kéo, đẩy từ các bên, xét cho cùng, cũng không thể lớn bằng nhu cầu sớm đưa Dự thảo Nghị định “lăn bánh” để điều chỉnh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện và mang tính xã hội rất cao này. 

Bên cạnh đó, những thành công hay vướng mắc phát sinh từ chính việc thực hiện nghị định trên sẽ là cơ hội tốt để Chính phủ tổng kết, đúc rút để hiệu chỉnh Luật Giao thông đường bộ 2008 trước khi trình Quốc hội trong 1 - 2 năm tới.

Quy định mới về kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế
Doanh nghiệp chỉ được kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế sau khi có Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế trên cơ sở đáp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư