Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
HDBank và PGBank: Hồn ai nấy giữ
Vân Linh - 23/04/2021 10:24
 
Không chỉ PGBank tuyên bố thôi tìm đối tác mua bán, sáp nhập (M&A), không sáp nhập HDBank, mà phía HDBank cũng trình cổ đông về việc chấm dứt thương vụ với PGBank tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.
HDBank trình xin ý kiến các cổ đông việc chấm dứt sáp nhập với PGBank.

Khép lại một thương vụ kéo dài

Ngân hàng HDBank vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 tổ chức hôm nay (23/4). Một trong các nội dung quan trọng được Hội đồng Quản trị HDBank trình xin ý kiến các cổ đông là việc chấm dứt sáp nhập với PGBank.

HDBank cho biết, dù hồ sơ xin chấp thuận nguyên tắc đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua vào tháng 10/2018, nhưng đến nay, giao dịch sáp nhập giữa hai ngân hàng vẫn chưa được chính thức chấp thuận. Sau khi được NHNN chấp thuận nguyên tắc, HDBank đã đệ trình tiếp hồ sơ xin chấp thuận chính thức tại NHNN theo quy định. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, nên đến thời điểm hiện tại, NHNN vẫn chưa có chấp thuận chính thức việc sáp nhập PGBank vào HDBank. Do đó, các bên chưa thể hoàn thành dự án sáp nhập này.

Bên cạnh đó, ngày 2/6/2020, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - cổ đông lớn nhất chiếm 40% vốn điều lệ của PGBank đã gửi Công văn số 0705/PL-HĐQT tới HDBank thông báo sẽ thực hiện thoái vốn tại PGBank theo quy định trong trường hợp phương án sáp nhập không được chấp thuận.

Đồng thời, PGBank đã có đề nghị chấm dứt việc sáp nhập này theo Công văn số 03/2021/CV-PGB ngày 22/2/2021. Từ tình hình thực tế trên và căn cứ chiến lược phát triển HDBank giai đoạn 2021-2025, HĐQT HDBank trình cổ đông thông qua việc chấm dứt sáp nhập PGBank vào HDBank.

Trước đó, cổ đông PGBank đã thông qua việc việc chấm dứt kế hoạch sáp nhập vào HDBank tại Đại hội đồng cổ đông thường niên được tổ chức vào cuối tháng 3/2021. Tuyên bố thôi tìm đối tác sáp nhập, PGBank chọn tập trung hoạt động độc lập. Trước đó, PGBank từng suýt “nên duyên” với VietinBank. Gần đây, có thông tin xung quanh khả năng PGBank “về chung nhà” với MSB, nhưng phía MSB cũng đã khẳng định không sáp nhập thêm PGBank.

PGBank tập trung hoạt động độc lập

Theo ông Nguyễn Quang Định, Chủ tịch HĐQT PGBank, sau 6 năm theo đuổi kế hoạch sáp nhập vào một ngân hàng lớn, PGBank không thành công với thương vụ nào. Hiện HĐQT PGBank có chủ trương củng cố hoạt động độc lập và không có kế hoạch đàm phán hay tìm kiếm đối tác khác.

PGBank cho biết, tháng 4/2018, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua nội dung sáp nhập PGBank vào HDBank. Hai ngân hàng đã khẩn trương, tích cực triển khai giao dịch sáp nhập, cũng như đàm phán các nội dung liên quan. Hồ sơ xin chấp thuận nguyên tắc đã được NHNN chấp thuận vào tháng 10/2018.

Thời gian sáp nhập kéo dài gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của PGBank. Cuối năm 2020, PGBank có tổng cộng 626 tỷ đồng nợ xấu nội bảng, giảm 16,3% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên cho vay khách hàng đã giảm từ 3,15% hồi đầu năm xuống 2,43% khi kết thúc năm 2020.

Đại hội đồng cổ đông PGBank đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 310 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2020, với giả định tổng thu nhập không tăng, chi phí quản lý kinh doanh tăng 9% và chi phí dự phòng rủi ro giảm mạnh 44%. Dự kiến tổng huy động vốn (thị trường 1 + thị trường 2) đạt 32.518 tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm 2020, trong đó huy động thị trường 1 dự kiến tăng 6%, đạt 30.411 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng kế hoạch đến ngày 31/12/2021 đạt 27.640 tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm 2020.

PGBank cho biết, dự kiến lợi nhuận trước thuế quý I/2021 của Ngân hàng đạt khoảng 80 tỷ đồng. Đây là kết quả khả quan để bước đầu tiên khẳng định có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 310 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2020, PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng vọt 212 tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm 2019. Trong đó, riêng quý IV/2020 đóng góp gần 90 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với mức lỗ gần 19 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019. Trong năm 2020, mảng tín dụng mang về cho PGBank khoản lãi hơn 906 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước và chiếm 79% trong tổng thu nhập hoạt động. Lãi thuần từ chứng khoán đầu tư tăng gấp 3 lần, đạt 21 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ mảng hoạt động dịch vụ ghi nhận giảm 7,6% trong năm 2020, xuống còn 30 tỷ đồng. Mảng kinh doanh ngoại hối và các hoạt động kinh doanh khác cũng đi xuống với lợi nhuận giảm lần lượt 37,7% và 33,2%. Tổng thu nhập hoạt động của PGBank trong năm 2020 đạt 1.149 tỷ đồng, giảm 4% so với năm trước. Tuy nhiên, chi phí hoạt động tăng 16,8% khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Ngân hàng giảm 22,2% so với năm 2019, xuống 494 tỷ đồng.

Tiền thân của PGBank là Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười, thành lập năm 1993, với vốn điều lệ ban đầu là 700 triệu đồng. Từ khi thành lập đến nay, Ngân hàng đã trải qua 8 lần tăng vốn, vốn điều lệ hiện nay là 3.000 tỷ đồng.

Theo bản cáo bạch chào sàn UpCom cuối năm 2020, PGBank chỉ có cổ đông lớn duy nhất là Petrolimex (đầu tư vào PGBank từ năm 2005). Trong giai đoạn ngành ngân hàng đẩy mạnh tái cấu trúc, giảm dần ngân hàng nhỏ, PGBank chọn con đường M&A để cùng phát triển. Từ đó đến nay, PGBank không thể thực hiện kế hoạch tăng thêm vốn điều lệ.

Quý I/2021, HDBank lãi trên 2.100 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank - mã HDB) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2021 với lợi nhuận trước thuế đạt trên 2.100 tỷ đồng, tăng 68%...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư