Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Hệ lụy khi tin vào “thần dược” trôi nổi
Mộc An - 10/03/2024 11:57
 
Đã có nhiều ca ngộ độc vì sử dụng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc, nhưng không ít người vẫn tin dùng loại sản phẩm này, dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng.

Quan niệm sai lầm

Mới đây, cháu T.M. (9 tuổi, ở Hà Tĩnh) phải nhập viện cấp cứu và được chẩn đoán ngộ độc chì nặng. Qua khai thác tiền sử, bệnh nhi này được chẩn đoán động kinh từ lúc 6 tuổi. Thời gian gần đây, tần suất co giật của cháu tăng lên, gia đình đã tự mua thuốc cam về cho con uống. Sau khoảng 2 tuần, cháu co giật nhiều hơn, kèm nôn, đau đầu, nên được đưa vào bệnh viện huyện, rồi chuyển đến Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An.

Qua thăm khám lâm sàng, kết hợp khai thác bệnh sử, các bác sỹ nghi ngờ cháu bị ngộ độc chì và cho làm xét nghiệm định lượng chì trong máu. Kết quả cho thấy, cháu T.M. bị ngộ độc chì nặng, có tổn thương não, nên được chuyển gấp đến Bệnh viện Nhi trung ương để cứu chữa.

BS. Nguyễn Tấn Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu và chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, đây là một ca ngộ độc rất đáng tiếc khi không tuân thủ hướng dẫn điều trị bệnh động kinh của các bác sỹ chuyên khoa, không cho trẻ uống thuốc đều đặn và tái khám theo lịch, mà lại tự ý dùng thuốc không rõ nguồn gốc để chữa bệnh.

Chì là chất rất độc hại cho sức khỏe, gây tổn thương nhiều cơ quan như thần kinh, xương, hệ huyết học, máu, gan, thận, hệ tiêu hóa, tim mạch… Khi vào cơ thể, chì có thể tích lũy lâu trong nội tạng, đặc biệt là xương và phải mất hàng chục năm mới có thể thải trừ ra ngoài.

Theo BS. Hùng, chì đặc biệt nguy hại với trẻ nhỏ do chúng tích lũy trong xương lâu dài khiến trẻ còi cọc. Kim loại này còn gây thiếu máu, có trường hợp tổn thương não không hồi phục, dẫn tới các di chứng nặng nề như chậm phát triển trí tuệ, co giật.

Cũng về ngộ độc chì, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa vừa điều trị thành công cho nữ bệnh nhân N.T.H (49 tuổi) bị hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng lyell) sau khi dùng thuốc Đông y theo “mách bảo” để điều trị chứng đau khớp.

Bệnh nhân H. nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, tiếp xúc kém, sốt cao liên tục, loét, chảy máu vùng miệng, loét bộ phận sinh dục, đỏ da toàn thân, trớt da 80% diện tích cơ thể. Tiên lượng tình trạng bệnh nhân bị rất nặng.

Sau khi đánh giá triệu chứng trên lâm sàng và làm các xét nghiệm cơ bản, bác sỹ kết luận, bệnh nhân H. bị dị ứng thuốc thể hoại tử thượng bì nhiễm độc, kèm theo đái tháo đường loại 2 (chẩn đoán lần đầu).

Tương tự, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng liên tiếp điều trị các trường hợp ngộ độc thuốc Đông y. BS. Nguyễn Viết Nam (Khoa cấp cứu) cho biết, vừa tiếp nhận trường hợp cụ bà 73 tuổi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương ở gan và thận rất nặng do tin dùng thuốc Đông y theo quảng cáo trên mạng xã hội.

Nhiều người vẫn cho rằng, uống thuốc Đông y là “vô hại”, nếu không có tác dụng, thì cũng không gây tác hại gì. Theo các bác sỹ, đây là quan niệm sai lầm, cần thay đổi nhận thức ngay.

Kiểm soát quảng cáo sản phẩm online

Trung bình mỗi năm, cả nước sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền. Phần lớn lượng dược liệu trên thị trường được nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường phi mậu dịch, khó kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe người dùng.

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã chặn bắt hàng trăm vụ, với hàng tấn nguyên liệu thuốc Đông y do các đối tượng nhập lậu đưa vào nội địa tiêu thụ, chủ yếu là hàng không có hóa đơn, chứng từ, không bảo đảm chất lượng sơ chế để làm thuốc.

Chuyên gia khuyến cáo, người dân muốn sử dụng thuốc Đông y, thì nên đi khám tại các cơ sở được cấp phép để được chẩn đoán, kê đơn, bốc thuốc.

Trước vấn nạn quảng cáo thuốc Đông y tràn lan trên mạng xã hội, thổi phồng công dụng khiến nhiều người bị lừa, PGS-TS. Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam kiến nghị, cần phải tăng cường kiểm soát hoạt động này. Việc quảng cáo quá mức, quảng cáo không đúng sự thật, hay quảng cáo những thuốc chưa được kiểm định không chỉ gây nguy hiểm cho người sử dụng, mà còn làm ảnh hưởng đến ngành Đông y, tới các thầy thuốc và sự tin tưởng của người dân dành cho thuốc Đông y.

“Các cơ quan có thẩm quyền cần giám sát các hoạt động này để người dân không hoang mang khi nghe quảng cáo mà không biết đâu là thật, đâu là giả”, ông Cảnh kiến nghị.

Cũng theo ông Cảnh, dù thuốc Đông y có nhiều tác dụng trong điều trị bệnh, song các bệnh mãn tính không thể chữa khỏi bằng thuốc Đông y. Vì vậy, người dân không nên mù quáng chạy theo quảng cáo thần thánh hóa thuốc Đông y.

“Nếu tin dùng thuốc Đông y, phải tìm hiểu cặn kẽ xem cơ sở mình định sử dụng sản phẩm có được cấp phép kinh doanh về bài thuốc và bản thân lương y ấy có được cấp chứng chỉ hành nghề hay không”, ông Đậu Xuân Cảnh khuyến cáo.

Mù mắt, tổn thương não vì ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp
Uống rượu đã hại, uống rượu chứa cồn công nghiệp methanol còn hại gấp nhiều lần. Do vậy, người dân tuyệt đối không sử dụng các loại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư