Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 24 tháng 12 năm 2024,
Hệ sinh thái cho doanh nghiệp, doanh nhân
Bảo Duy - 14/09/2018 09:12
 
Những quốc gia làm chủ được hệ sinh thái cho doanh nhân sẽ là những quốc gia thành công trong cuộc cách mạng 4.0. Ông Klaus Schwab, người sáng lập và là Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã nói như vậy tại WEF ASEAN 2018.
Chủ tịch WEF Klaus Schwab
Chủ tịch WEF Klaus Schwab

Rất có thể, những doanh nhân hàng đầu thế giới, những doanh nhân khởi nghiệp đáng chú ý nhất của ASEAN, cũng như doanh nhân Việt Nam khi tham dự WEF ASEAN 2018 cũng đang quan tâm đến hệ sinh thái này ở Việt Nam. Họ quan tâm là bởi những cuộc chạy đua để làm người chiến thắng trong kỷ nguyên 4.0 đã bắt đầu với nỗ lực tìm giải pháp đột phá, thậm chí là kỳ vọng vào những “bước nhảy lượng tử” được nhiều chính phủ phát động.  

Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ đầu tư, cùng hàng loạt đề xuất kết nối số, tạo dựng một “ASEAN phẳng” của Việt Nam đang được doanh nghiệp, giới đầu tư quan tâm, đánh giá cao.

Nhưng hệ sinh thái mà ông Klaus Schwab nói tới không dành cho những cuộc cạnh tranh về giá trong những công xưởng chứa đầy công nhân, hay trong thị trường mà lợi thế vốn nghiêng về những doanh nghiệp quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng toàn cầu...

Cuộc cách mạng 4.0 đang làm thay đổi căn bản mô hình kinh doanh, thay đổi những khái niệm về kinh tế, đồng thời làm thay đổi sâu sắc bản chất các hoạt động kinh tế - xã hội. Giới kinh doanh cũng đang dần thay đổi, với sự nổi lên của giới khởi nghiệp đầy ý tưởng, sáng tạo. Các tập đoàn kinh tế khổng lồ đang tái cơ cấu, thiết lập các kết nối mới. Các nền kinh tế mới nổi đang nhìn thấy cơ hội đi tắt vào tương lai, mà không bị quá khứ níu kéo... Cũng có nghĩa nhiều điểm được cho là thuận lợi của môi trường kinh doanh hiện tại, nhiều quy định phục vụ, hỗ trợ những phương thức, mô hình kinh doanh truyền thông sẽ bị thu hẹp dần. Hệ sinh thái cho doanh nhân sẽ phải đi cùng, thậm chí hậu thuẫn cho sự thay đổi mà ông Klaus Schwab nhấn mạnh là sẽ hoàn toàn khác biệt so với hiện tại với tốc độ rất nhanh.

Đây là bài toán buộc nhiều chính phủ phải sớm đưa ra lời giải, phải làm mới mình, thậm chí phải chấp nhận từ bỏ những lợi ích cục bộ, để có được kết quả đúng nếu không muốn bị lỡ chuyến tàu siêu tốc 4.0.

Với Việt Nam, bài toán đang khá phức tạp khi kế hoạch chuyển đổi nền kinh tế sang vận hành theo cơ chế thị trường hội nhập, hiện đại chưa hoàn tất, khi cơ cấu kinh tế chưa thay đổi đột phá, phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khi chất lượng giáo dục, đào tạo nghề chưa cao... Hơn thế, nghiên cứu mới đây của Bộ Công thương cho thấy, hơn 80% doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang đứng ngoài nền kinh tế, chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp có những bước đi cụ thể...

Song, phải nhắc đến cam kết của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc gặp với các tập đoàn tài chính lớn trong khuôn khổ hoạt động của WEF ASEAN. Theo đó, Việt Nam không chỉ muốn được nhắc tới như là một cơ hội phát triển, mà những cơ hội mang lại đó phải trở thành hiện thực.

Có lẽ, cách duy nhất để hiện thực cam kết này là một hệ sinh thái hậu thuẫn, thúc đẩy ý tưởng sáng tạo, hệ sinh thái tạo niềm tin và sự an toàn trong kinh doanh – một hệ sinh thái khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân mong muốn sáng tạo hết mình.

Đó cũng là cơ hội để Việt Nam làm chủ hệ sinh thái cho doanh nghiệp, doanh nhân.

[Infographic] WEF ASEAN 2018: Giới trẻ ASEAN lạc quan về tác động của công nghệ tới việc làm
Theo kết quả khảo sát* của nhóm chuyên gia kinh tế Tập đoàn SEA (Singapore), giới trẻ ASEAN rất lạc quan về tác động của công nghệ tới khả năng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư