Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Hệ thống có 76.620 MW, cao điểm chưa tới 44.000 MW nhưng vẫn lo thiếu điện
Thanh Hương - 14/01/2022 11:17
 
Tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, tăng gần 7.500 MW so với năm 2020.

Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân, tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, tăng gần 7.500 MW so với năm 2020. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.

Trong số này, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 20.670MW (tăng 3.420MW so với năm 2020) và chiếm tỷ trọng 27,0%.

Năm 2021 cũng được EVN đánh giá là một năm vận hành đầy biến động của Hệ thống điện Quốc gia. Cụ thể, nhiều khu vực nhu cầu điện giảm thấp do chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19; thủy văn diễn biến bất thường và rất khó dự báo.

Đáng chú ý, tỷ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong đó nhiều thời điểm công suất phát các nguồn điện năng lượng tái tạo lên tới 60% công suất phụ tải nên công tác vận hành hệ thống điện gặp nhiều khó khăn, xuất hiện tình trang quá tải lưới điện truyền tải liên kết các miền và quá tải cục bộ tại một số khu vực.

Cũng đã xuất hiện tình trạng “thừa nguồn”, đặc biệt là vào các ngày lễ và cuối tuần ở khu vực miền Nam nhưng lại thiếu điện cục bộ một số khu vực tại miền Bắc vào một số thời gian cao điểm nắng nóng mùa hè.

Trước thực tế này, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) cũng đã thực hiện nghiêm túc các quy định về lập lịch, huy động, vận hành và điều độ các nhà máy điện, vận hành tối ưu trong thời gian thực các nguồn điện tái tạo, đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch.

Tổng kết năm 2021, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống là 256,7 tỷ kWh, tăng 3,9% so với năm 2020. Công suất phụ tải cực đại toàn hệ thống là 43.518MW, tăng 11,3%.

Mặc dù phụ tải thực tế thấp hơn nhiều so với dự báo, Tập đoàn vẫn đảm bảo vận hành thị trường điện bán buôn cạnh tranh (VWEM) liên tục, ổn định. Hiện tại, có 104 nhà máy điện tham gia trực tiếp trong thị trường điện với tổng công suất 27.957MW, chiếm 36,5% tổng công suất đặt toàn hệ thống.

Cũng do nhu cầu điện giảm nên việc huy động các nhà máy nhiệt điện khí giảm thấp, sản lượng khí tiêu thụ năm 2021 là 4,67 tỷ m3, bằng 65,59% so với khả năng cấp.

Theo EVN, năm 2022, dự báo sẽ tiếp tục gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Đó là dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; nhu cầu điện tăng trưởng không cao trong khi nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng lớn; việc đảm bảo cân đối tài chính của EVN chịu ảnh hưởng lớn của các yếu tố đầu vào biến động khó dự báo như giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát, chính sách tín dụng, tiền tệ; công tác đầu tư xây dựng các dự án điện dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn thách thức về huy động vốn, bố trí quỹ đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ngày càng khó khăn, phức tạp đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án lưới điện truyền tải.

Nhiệm vụ đặt ra trong năm 2022 của EVN là hết sức nặng nề trong cả 2 khía cạnh đảm bảo cung ứng điện và cân đối tài chính.

Mục tiêu được EVN đặt ra cho năm 2022 là sản lượng điện thương phẩm đạt 242,35 tỷ kWh, tăng trưởng 7,6% so với năm 2021; thời gian mất điện bình quân của một khách hàng trong năm (chỉ số SAIDI) không quá 333 phút; năng suất lao động tăng 8-10%.

Kế hoạch vốn đầu tư toàn EVN năm 2022 là 96.500 tỷ đồng.
Giá trị giải ngân vốn đầu tư toàn EVN năm 2021 đạt 88.214 tỷ đồng, bằng 90,83% kế hoạch, trong đó giải ngân vốn đầu tư thuần đạt 48.458 tỷ đồng, bằng 84,8% kế hoạch.
Trước đó, năm 2020, giá trị khối lượng đầu tư toàn EVN đạt 88.425 tỷ đồng, bằng 94,9% kế hoạch.
EVN dốc sức lo cấp điện mùa khô
Phát điện chạy dầu ngay trong tháng 1/2016, tận dụng thời tiết để tiết kiệm được lượng nước xả phục vụ sản xuất nông nghiệp là những...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư