Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hệ thống ngân hàng ngầm của Trung Quốc rung chuyển
Tư Thuần - 18/08/2023 15:52
 
Sau những thông tin tiêu cực của nhóm doanh nghiệp bất động sản, hệ thống ngân hàng ngầm (shadow banking) của Trung Quốc cũng rúng động bởi khủng hoảng thanh khoản.

Khủng hoảng thanh khoản

Cách đây 1 tuần, Zhongzhi Enterprise Group Co là tên tuổi ít nhận được sự chú ý tại thị trường Trung Quốc và gần như “không tiếng tăm” tại thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, hiện tại, câu chuyện của doanh nghiệp này đang được mọi thành viên thị trường tài chính theo dõi sát sao.

Zhongzhi Enterprise là doanh nghiệp tư nhân đang quản lý khối tài sản hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ (137 tỷ USD). Mới đây, Zhongzhi Enterprise, cùng công ty con trong hệ thống là Zhongrong International Trust thông báo tình trạng thiếu hụt thanh khoản và không thể trả các khoản tiền đến hạn cho hàng nghìn khách hàng.

Tình trạng đáng quan ngại tới mức, chính quyền Trung Quốc đã phải thành lập tổ công tác đặc biệt để kiểm soát tình hình và ngăn chặn tác động lan toả. Công ty đã thuê đơn vị kiểm toán KPMG để thực hiện việc kiểm soát tài sản, tiến hành tái cấu trúc và rao bán các tài sản tiềm năng tại thị trường nước ngoài.

Zhongzhi Enterprise chính là một thành phần tại thị trường ngân hàng ngầm (shadow banking) có quy mô lên tới 2.900 tỷ USD của Trung Quốc. Shadow banking là tập hợp các định chế tài chính và thị trường thực hiện chức năng của ngân hàng truyền thống, nhưng nằm ngoài phạm vi giám sát của các cơ quan chức năng. Những tổ chức này thường được gọi là những công ty tài chính phi ngân hàng (NBFCs), có thể bao gồm các công ty bảo hiểm, công ty thế chấp, cửa hàng cầm đồ, hay các tổ chức cho vay tín chấp…

Việc Zhongzhi Enterprise không thể thanh toán tiền cho khách hàng làm bùng nổ làn sóng giận dữ và phản đối. Cảnh sát tại các thành phố Trung Quốc đã yêu cầu khách hàng của Zhongzhi không được tụ tập biểu tình nơi công cộng.

Quy mô của các tổ chức tín thác tại Trung Quốc qua các năm. (đơn vị: nghìn tỷ nhân dân tệ)

Tình hình tại Zhongzhi biến chuyển xấu rất nhanh. Dấu hiệu đầu tiên xuất hiện vào cuối thứ Sáu tuần trước (11/8) khi các văn bản gửi tới sở giao dịch chứng khoán cho thấy khả năng Công ty không thể thanh toán đúng hạn các sản phẩm lợi suất cao do Zhongrong International Trust - đơn vị có liên quan tới Zhongzhi phát hành.

Zhongrong là đơn vị thuộc Top 10 doanh nghiệp tín thác tại Trung Quốc, nơi nhận tiền gửi từ các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp để tiến hành đầu tư chứng khoán, trái phiếu và các loại tài sản khác. Đồng thời, Công ty cũng thực hiện hoạt động cho vay đối với các khách hàng không thể tiếp cận tín dụng ngân hàng truyền thống.

Mặc dù hoạt động “ngầm” nhưng nhóm các doanh nghiệp tại thị trường shadow banking đang chiếm tới 10% tổng giá trị các khoản cho vay tại Trung Quốc, theo số liệu của Bloomberg Economics.

Zhongrong có 270 sản phẩm với giá trị khoảng 39,5 tỷ nhân dân tệ sẽ đến hạn trong năm nay, theo số liệu từ nhà cung cấp dữ liệu Use Trust.

Để thu hút dòng tiền, các công ty tín thác như Zhongrong thường đưa ra đề nghị lãi suất ở mức cao, vào khoảng 6%-8%/năm, cao hơn gấp đôi mức lãi suất trung bình tại các ngân hàng với sản phẩm tương tự. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán xuống dốc, thị trường bất động sản khủng hoảng kéo dài 2 năm qua, các sản phẩm tiền gửi với lãi suất cao này thu hút hàng nghìn tỷ nhân dân tệ từ người dân.

Joey là một trong những khách hàng bị thu hút bởi mức lãi suất cao này. Cô đã đầu tư khoảng 2 triệu nhân dân tệ (hơn 500.000 USD) vào 4 sản phẩm của Zhongrong với lãi suất từ 4% - 6%/năm. Một số người thân của cô cũng đầu tư vào đây. Hiện tại, họ lo lắng liệu có thể lấy lại tiền hay không, sau khi Công ty đã ngừng trả lãi từ tháng 6/2023.

“Chúng tôi rất tuyệt vọng. Dù có gặp cơ quan công quyền hay cảnh sát thì cũng không có câu trả lời. Nếu tình hình kéo dài, chúng tôi chỉ có thể xuống đường biểu tình”, Joey cho biết.

Hiện tại, vẫn chưa rõ có bao nhiêu sản phẩm của Zhongrong đã trì hoãn thanh toán và Công ty có rơi vào cảnh phá sản hay không, nhất là khi hoạt động bán tài sản để cải thiện thanh khoản đang được tiến hành. Kể từ cuối tháng 7/2023, Zhongzhi đã thuê KPMG tiến hành kiểm tra và rà soát lại sổ sách, phục vụ cho hoạt động tái cấu trúc và bán tài sản.

Hệ luỵ từ các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc

Những diễn biến tiêu cực tại hệ thống ngân hàng ngầm tạo thêm thử thách cho chính quyền Trung Quốc, vốn đang đối phó với tình trạng kinh tế hồi phục yếu, thị trường bất động sản khủng hoảng và xung đột địa chính trị với Mỹ.

Diễn biến này một lần nữa cũng nhắc nhở các thành viên thị trường tài chính về những biến động bất ngờ tại hệ thống tài chính Trung Quốc, nhất là khi khối nợ của các chính quyền địa phương cũng là vấn đề gây lo ngại bấy lâu.

“Tình hình sẽ ngày càng trở nên khốc liệt, với nhiều hơn nữa các công ty không thể thanh toán nợ đến hạn”, Kathy Lien, giám đốc BK Asset Management cho biết.

Trong những năm gần đây, Zhongzhi và nhiều công ty thuộc hệ thống ngân hàng ngầm khác đã mở rộng hoạt động cho vay đối với các nhà phát triển bất động sản gặp vấn đề và thu mua tài sản từ các công ty khó khăn, bao gồm China Evergande Group.

Tuy nhiên, khó khăn của thị trường bất động sản khiến nhóm shadow banking cũng lao đao. Doanh số bán nhà tiếp tục suy giảm, làn sóng doanh nghiệp bất động sản phá sản quay trở lại. Ngay cả các công ty như Country Garden Holdings Co dù sống sót sau làn sóng phá sản thứ nhất hiện cũng đứng trước cảnh vỡ nợ vì tình trạng trì trệ của thị trường kéo dài.

Tình trạng bết bát của thị trường bất động sản khiến nhóm shadow banking như Zhongrong gặp khủng hoảng thanh khoản, bởi các công ty này cũng phụ thuộc vào việc đầu tư và cho vay. Ước tính khoảng 10% các tài sản được uỷ thác, tương đương khoảng 300 tỷ USD, gắn liền với thị trường bất động sản, theo số liệu của Blooomberg Economics.

Zhongrong nằm trong Top 10 các công ty tín thác đầu tư của Trung Quốc.

Tất nhiên, những vấn đề của thị trường shadow banking không phải điều gì mới, nhưng quy mô như Zhongzhi khiến các thành viên thị trường phải lo ngại. Theo Use Trust, khoảng 106 sản phẩm đầu tư tín thác trị giá 44 tỷ nhân dân tệ đã không thể thanh toán đúng hạn tính tới ngày 31/7/2023. Trong đó các sản phẩm đầu tư bất động sản chiếm khoảng 74% tính theo giá trị.

“Các vụ phá sản sẽ tiếp tục làm nhà đầu tư tổn thương và ảnh hưởng lớn tới tâm lý thị trường. Các công ty tín thác hoặc doanh nghiệp quản lý tài sản cần thực hiện bài kiểm tra khả năng ổn định tài chính trong ngắn hạn và trung hạn”, Zerlina Zeng và Karen Wu, chuyên gia phân tích tại Fitch CreditSights cho biết.

Dinny McMahon, chiến lược gia tại Trivium China cho biết, chưa rõ tác động của diễn biến tại nhóm shadow banking tới các ngân hàng thương mại lớn, tuy nhiên, ảnh hưởng tiêu cực có thể lan sang các công ty quản lý tài sản khác, khi nhóm nhà đầu tư lớn bắt đầu rút tiền do lo ngại rủi ro.

“Khi nhà đầu tư bắt đầu mất niềm tin, đột ngột khả năng thu hút vốn mới trở nên khó khăn. Sau đó, các vụ phá sản sẽ ngày càng xuất hiện nhiều”, McMahon cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư