Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Hiến pháp bảo vệ quyền tự do kinh doanh
Quang Hưng - 03/09/2013 06:20
 
Tự do kinh doanh, đảm bảo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế là điều kiện quan trọng nhất để xây dựng đất nước phồn vinh. Theo Luật gia Vũ Xuân Tiền, Hiến pháp năm 1992 sửa đổi cần kế thừa tinh thần hết sức quan trọng này từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946.

Tinh thần tự do kinh doanh, tự do hoạt động của các thành phần kinh tế được quy định như thế nào trong Hiến pháp năm 1946, thưa ông?

Hiến pháp đầu tiên của của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là bản Hiến pháp ngắn gọn, súc tích. Toàn văn Hiến pháp không có điều nào quy định trực tiếp về quyền tự do kinh doanh và hoạt động của các thành phần kinh tế, nhưng lại quy định rất rõ về những quyền cơ bản của công dân: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá” (Điều 6). Với quy định này, không thể có sự phân biệt giữa người làm kinh doanh trong doanh nghiệp nhà nước hay trong doanh nghiệp do mình thành lập.

Luật gia Vũ Xuân Tiền

Tương tự, Điều 7, Hiến pháp 1946 quy định: “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình”; còn Điều 12, Hiến pháp 1946 quy định: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm”.

Cần lưu ý rằng, quy định của Hiến pháp là cao nhất. Khi quy định trong Hiến pháp không có cụm từ “theo luật định”, thì các luật được ban hành để thực thi Hiến pháp không được sửa đổi quy định của Hiến pháp.

Chẳng hạn, với quy định tại Điều 12, Hiến pháp năm 1946 là: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm”, thì không thể ban hành luật để quốc hữu hoá tài sản của công dân. Điều đó cũng có nghĩa là, kết quả kinh doanh của công dân được bảo vệ.

Việc phát triển các quy định về quyền kinh doanh trong Hiến pháp năm 1992, theo ông, có gì khác so với những quy định trong Hiến pháp năm 1946. Ông đánh giá như thế nào về những thay đổi này?

Quyền tự do kinh doanh và hoạt động của các thành phần kinh tế đã có sự thay đổi rất cơ bản từ Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992.

Hiến pháp năm 1959 chủ trương phát triển nền kinh tế kế hoạch hoá, tập trung và chỉ có 2 thành phần cơ bản là kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể: “Kinh tế quốc doanh thuộc hình thức sở hữu của toàn dân, giữ vai trò lãnh đạo trong nền kinh tế quốc dân và được Nhà nước bảo đảm phát triển ưu tiên” (Điều 12, Hiến pháp 1959); “Kinh tế hợp tác xã thuộc hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động. Nhà nước đặc biệt khuyến khích, hướng dẫn và giúp đỡ sự phát triển của kinh tế hợp tác xã” (Điều 13, Hiến pháp 1959).

Tương tự, Điều 18, Hiến pháp năm 1980 khẳng định: “Nhà nước tiến hành cách mạng về quan hệ sản xuất, hướng dẫn, sử dụng và cải tạo các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, thiết lập và củng cố chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, nhằm thực hiện một nền kinh tế quốc dân chủ yếu có hai thành phần: thành phần kinh tế quốc doanh thuộc sở hữu toàn dân và thành phần kinh tế hợp tác xã thuộc sở hữu tập thể của nhân dân lao động. Kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân và được phát triển ưu tiên”.

Những trích dẫn trên đây cho thấy, tự do kinh doanh và hoạt động của các thành phần kinh tế khác ngoài Nhà nước không được khuyến khích trong Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980.

Đến Hiến pháp năm 1992, tự do kinh doanh, phát triển kinh tế nhiều thành phần đã trở thành nguyên lý thể hiện rõ hơn. Điều 15, Hiến pháp 1992 quy định: “Nhà nước phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng”.

Quan trọng hơn, Điều 57, Hiến pháp 1992 quy định: “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”. Đây là cơ sở pháp lý cho việc ra đời Luật Doanh nghiệp năm 1999 và Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Hiện tại, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Theo ông, vấn đề quyền tự do kinh doanh và hoạt động của các thành phần kinh tế cần được nhìn nhận như thế nào để giải phóng nguồn lực xã hội trong phát triển kinh tế và xây dựng đất nước?

Hiến pháp năm 1992 đã có bước đột phá quan trọng về quyền tự do kinh doanh, phát triển kinh tế nhiều thành phần. Song, từ năm 1992 đến nay, nước ta đã có những thay đổi lớn trên nhiều mặt.

Do đó, một số quy định, trong đó có quy định về tự do kinh doanh trong Hiến pháp năm 1992 đã không còn phù hợp, nếu tiếp tục giữ lại, những quy định đó sẽ trở thành vật cản đối với sự phát triển của nền kinh tế.

Cụ thể, quy định tại Điều 19, Hiến pháp 1992: “Kinh tế quốc doanh được củng cố và phát triển, nhất là trong những ngành và lĩnh vực then chốt, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân” đã trở thành cơ sở pháp lý cho sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế trong một thời gian khá dài. Vì được xác định là “giữ vai trò chủ đạo”, nên kinh tế quốc doanh, cụ thể là các doanh nghiệp nhà nước, đã nhận được nhiều ưu đãi, nắm giữ phần lớn nguồn lực về vốn, đất đai, lao động của nền kinh tế.

Song, thực tế đã chứng minh rằng, các doanh nghiệp nhà nước cũng không giữ được vai trò chủ đạo. Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), những phân biệt đối xử như trên đã không thể duy trì. Do đó, Luật Doanh nghiệp thống nhất (năm 2005) đã ra đời và từ ngày 1/7/2010, Luật Doanh nghiệp nhà nước hết hiệu lực.

Bước tiến quan trọng nhất của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi là khẳng định các thành phần kinh tế bình đẳng với nhau trong hoạt động. Vì vậy, có bước đột phá mạnh mẽ hơn nữa về quyền tự do kinh doanh và sự bình đẳng trong hoạt động kinh doanh giữa các thành phần kinh tế là đòi hỏi Hiến pháp (sửa đổi) cần đạt được.

Khoản 2, Điều 54, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi khẳng định: “Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”. Như vậy, phải trải qua 20 năm, chúng ta mới xoá bỏ được cụm từ “Kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân”. Có thể khẳng định rằng, đây là sửa đổi quan trọng nhất và tiến bộ nhất.

Khuyến khích tự do kinh doanh, đảm bảo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế là điều kiện quan trọng nhất. Song, điều đó chỉ có thể thực hiện được khi quyền sở hữu về tài sản của công dân được bảo đảm, trong đó, quan trọng nhất là quy định về sở hữu đất đai và việc thu hồi đất.

Có nên hiến định vai trò kinh tế nhà nước?
Có nên hiến định kinh tế nhà nước trong hay không là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến trong ngày đầu tiên thảo luận ở Hội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư