Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hiệp định CPTPP có hiệu lực: Thuế giảm đi cùng những điều kiện ngặt nghèo
Thế Hoàng - 05/01/2019 08:23
 
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019, mang đến cơ hội cho hàng Việt xuất sang các nước đã phê chuẩn CPTPP với những ưu đãi thuế quan, nhưng cũng kèm theo những điều kiện chặt chẽ.

Cắt giảm thuế theo lộ trình

Một trong những quy định ngay khi CPTPP có hiệu lực là đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cụ thể, nếu xuất khẩu hàng hoá sang 6 nước đã phê chuẩn CPTPP (Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia), các doanh nghiệp Việt Nam có thể tự làm tờ khai nguồn gốc xuất xứ sản phẩm (C/O) để hưởng ưu đãi thuế. Tờ khai C/O mới trong CPTPP không cần đóng dấu của bất cứ cơ quan chính quyền nào, mà chỉ cần có chữ ký của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất.

Ngành da giày sẽ có cơ hội mở rộng thị trường khi CPTPP có hiệu lực.
Ngành da giày sẽ có cơ hội mở rộng thị trường khi CPTPP có hiệu lực.

Đặc biệt, hàng Việt Nam xuất sang các nước đã phê chuẩn CPTPP và hàng của các nước này vào Việt Nam sẽ hưởng mức thuế mới. Mỗi mặt hàng sẽ có một mức thuế cụ thể, cắt giảm theo lộ trình. Theo tính toán, trung bình mức thuế được cắt giảm khoảng hơn 60% cho lần đầu tiên; sau 3 năm sẽ lên đến trên 80%.

Liên quan đến câu chuyện miễn giảm thuế, cũng từ ngày 14/1/2019, mỗi cá nhân hoặc doanh nghiệp Việt Nam có thể nhập hàng hoá có giá trị dưới 1.000 USD từ các nước CPTPP và có thể yêu cầu được miễn thuế hoàn toàn theo mức thuế ưu đãi của Hiệp định.

Tuy nhiên, dệt may, da giày, thủy sản…, những ngành hàng xuất khẩu được đánh giá có lợi thế trong top đầu khi CPTPP hiệu lực nhờ vào việc được giảm thuế, cũng không dám hồ hởi, bởi điều kiện để ưu đãi thuế không ít ngặt nghèo.

Quy tắc xuất xứ hiện vẫn đang là vấn đề gây lo ngại cho 2 ngành hàng chính của Việt Nam là dệt may và da giày. Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hội nhập kinh tế quốc tế TP.HCM cho biết, để được hưởng ưu đãi thuế quan, doanh nghiệp cần đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Tất cả các điều này sẽ thể hiện ở tờ khai C/O.

“CPTPP có quy định khá chặt về quy tắc xuất xứ hàng hóa, với yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi, bởi vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu được giảm thuế tới đâu theo cam kết trong CPTPP lại nằm ở việc khai C/O”, ông An nói.

Doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu (khoảng 60%), chủ yếu từ những nước không tham gia CPTPP. Trong đó, riêng nhập khẩu vải từ Trung Quốc chiếm 50%, vì vậy, sẽ không dễ dàng để có ngay ưu đãi trong CPTPP.

Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận, là các ngành may mặc, dệt may, giày da vẫn sẽ được hưởng lợi. Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch TBS Group, đối với ngành da giày, chủ yếu gia công xuất khẩu nên không có nhiều ý nghĩa trong việc giảm thuế, nhưng đổi lại sẽ có cơ hội mở rộng thị trường sang những nước mà da giày Việt chưa tiếp cận được nhiều, như Canada, Mexico, Australia… Đặc biệt, sẽ rất hiệu quả cho những doanh nghiệp nào sở hữu chuỗi sản xuất khép kín, khi vừa gia tăng được xuất khẩu, vừa có đủ điều kiện được giảm thuế.

Tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ FTA

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản, Australia… thừa nhận, mục tiêu chính của doanh nghiệp là đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng xuất khẩu, chứ chưa để ý tới việc hoàn tất các thủ tục để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết FTA, trong đó có CPTPP, dù nguyên liệu sản xuất hàng hóa của doanh nghiệp đều được cung cấp tại nội địa.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới và Bộ Công thương gần đây cho thấy, có trên 86% doanh nghiệp biết đến CPTPP. Tuy nhiên, nhìn chung, doanh nghiệp dường như chưa thực sự sẵn sàng cho hội nhập quốc tế, chưa hiểu cam kết CPTPP sẽ tác động thế nào tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, thậm chí, không ít doanh nghiệp cảm thấy choáng ngợp, chùn bước trước sân chơi mới rộng mở hơn, nghiêm ngặt hơn.

Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu một thực tế, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA của doanh nghiệp Việt Nam mới đạt trung bình 30 - 35%. Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng kể là doanh nghiệp không biết về những cơ hội thuế quan này, không hiểu về điều kiện quy tắc xuất xứ để hàng hóa được hưởng thuế ưu đãi và không biết làm thế nào để tuân thủ các thủ tục phức tạp…

“Quan trọng là các doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu kỹ về Hiệp định và phạm vi ảnh hưởng lên ngành của mình, cố gắng tăng tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng các quy tắc xuất xứ của từng loại sản phẩm để hưởng ưu đãi”, ông Thuấn khuyến nghị.

Chủ động đón cơ hội từ CPTPP

Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Giày Vinh Thông (TP.HCM), chuyên sản xuất và xuất khẩu giày dép, đã có kế hoạch đào tạo nhân lực ở các khâu sản xuất, quản trị, thiết kế và nâng cao năng suất thêm 30% để xuất khẩu vào thị trường CPTPP. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cho biết, sắp tới, doanh nghiệp sẽ triển khai xúc tiến thương mại ở các nước thành viên CPTPP, nghiên cứu công nghệ và yêu cầu của các thị trường này để cải tiến sản phẩm và tăng xuất khẩu.
Hầu hết các đại biểu quốc hội tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, hầu hết các đại biểu tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và cho rằng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư