Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Hoà Bình như “cá voi” đang nuôi trong ao nhà, không có không gian phát triển
Duy Bắc - 24/08/2022 15:53
 
Ngày 24/8, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã HBC - sàn HoSE) tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022.

Ông Lê Viết Hải chia sẻ về lý do và cơ hội đầu tư thị trường nước ngoài

Theo ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT, mục tiêu Hòa Bình đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài là thị trường trong nước hồi phục sau dịch, tuy nhiên không như dự báo. Kinh tế thế giới giảm tốc, ngành du lịch vẫn chưa hồi phục.

Các chủ đầu tư phát triển nhiều dự án, nhưng đưa vào khai thác không hiệu quả, nhà nước siết chặt tín dụng, nhiều dự án không được triển khai, hoặc đang triển khai bị chậm. Việc thanh toán cho nhà thầu chậm trễ, lạm phát gây trượt giá cũng tác động tới ngành xây dựng.

Hoà Bình xác định con đường thoát ra khỏi bất lợi thị trường trong nước là phát triển thị trường nước ngoài. Ban lãnh đạo công ty đã nỗ lực, tìm kiếm cơ hội phát triển thị trường nước ngoài và có nhiều chuyến công tác sang thị trường mục tiêu Australia, Canada, Mỹ và sắp tới là châu Âu.

Qua các cuộc tiếp xúc, Hoà Bình nhận thấy các cơ hội thuận lợi và rất đúng thời điểm. Hiện nay, các thị trường mục tiêu mà Hoà Bình hướng đến đang có sự mất cân đối nghiêm trọng, ngược lại với thị trường Việt Nam. Việt Nam đang mất cân đối cung xây dựng lớn hơn cầu xây dựng, điều này dẫn tới hiệu quả kinh doanh của các nhà thầu không đảm bảo cao dẫn tới cạnh tranh về giá. Trong khi đó, ở nước ngoài cung so với cầu đang thiếu rất nhiều, riêng ở Úc, nhu cầu nhà ở lên tới 1,5 triệu căn, tương tự ở Mỹ và Canada, các nhà thầu không thực hiện được dự án theo yêu cầu dẫn tới phá sản.

Hoà Bình có nhiều cơ hội lựa chọn đối tác, lựa chọn dự án triển khai. Hoà Bình đã xác định chính xác con đường của mình và thời điểm chính xác thực hiện chiến lược.

Bên cạnh đó, Hoà Bình có lợi thế là doanh nghiệp xây dựng duy nhất phát triển 5 năm tăng 5 lần doanh thu, hợp tác trên 20 nhà thầu uy tín, đẳng cấp thế giới. Nhà thầu duy nhất tiếp thu công nghệ của các nước phát triển, đặc biệt lĩnh vực xây dựng nhà ở, công trình cao tầng.

Kết quả kinh doanh 4 năm trở lại đây của Hoà Bình không cải thiện nhiều. Năm 2017, doanh thu 16.037 tỷ đồng, lợi nhuận 861 tỷ đồng tỷ đồng. Hoà Bình như “cá voi” nhưng đang nuôi trong ao nhà, không đủ không gian để Công ty lớn lên và phát triển. Công ty phải nhanh chóng tìm con đường để “cá voi” với lớn, với tăng trưởng.

Kế hoạch doanh thu 437.500 tỷ đồng và lợi nhuận 21.875 tỷ đồng vào năm 2032. Lợi nhuận sẽ đạt 5% trên doanh thu, đây là một mục tiêu khiêm tốn nếu Hoà Bình biết khai thác hiệu quả. Hiện tại, nhiều công ty đang gặp khó khăn và thua lỗ, nhưng trước đây bình thường các công ty ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, Australia có thể đạt được mức biên lợi nhuận ròng 5%.

Thêm nữa, nguồn nhân lực của Hoà Bình rất cạnh tranh, làm việc nhiều như lập dự toán, biện pháp thi công, bản vẽ chi tiết, chuyển từ 2D sang 3D … làm các việc ở Việt Nam với chi phí thấp cung cấp ra thị trường nước ngoài.

Tham vọng lợi nhuận 21.875 tỷ đồng vào năm 2032

Theo đó, Công ty thông qua thay đổi một số ngành, nghề đăng ký kinh doanh và điều lệ Công ty phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành để phát hành cổ phiếu theo phương án phát hành riêng lẻ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua ngày 25/4/2022.

Trong đó, đáng chú ý có nội dung điều lệ được bổ sung về người điều hành:

Nội dung trước điều chỉnh, người điều hành Công ty bao gồm Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người điều hành khác theo quy định của điều lệ Công ty.

Nội dung sau điều chỉnh, người điều hành Công ty bao gồm Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc thường trực, các phó Tổng giám đốc, Giám đốc tài chính, kế toán trưởng và người điều hành khác theo quy định của Điều lệ Công ty.

Điểm đáng lưu ý, ngày 23/7, Công ty vừa miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Lê Viết Hiếu, con trai ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT và đồng thời, bổ nhiệm ông Hiếu vào vị trí Phó tổng giám đốc thường trực.

Trong Đại hội cổ đông bất thường này, Công ty thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 5 triệu cổ phiếu với giá 32.500 đồng/cổ phiếu cho 1 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Thời gian dự kiến thực hiện trong quý III tới quý IV/2022.

Nếu phát hành thành công, Công ty sẽ huy động 162,5 tỷ đồng, số tiền huy động dự kiến dùng để thanh toán chi phí mua nguyên vật liệu xây dựng phục vụ hoạt động thi công xây dựng (sắt, thép, nhôm, xi măng …)

Được biết, cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán và nhà đầu tư tham gia đợt chào bán là Sanei Architecture Planning Co., Ltd.

Đồng thời, Công ty cũng thông qua chiến lược kinh doanh trong 10 năm tới và thông qua chính sách thưởng khích lệ Ban điều hành, cán bộ trọng yếu và các cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp hiệu quả vào việc đạt và vượt chỉ tiêu doanh thu 437.500 tỷ đồng và lợi nhuận 21.875 tỷ đồng vào năm 2032.

Trong đó, dự kiến thưởng 10% lợi nhuận trong 21.875 tỷ đồng khi đạt kế hoạch; thưởng thêm 50% phần vượt mức kế hoạch lợi nhuận nói trên; và chế độ thưởng này sẽ luôn duy trì khi doanh thu có mức tăng 5 lần trong 5 năm và biên lợi nhuận trên 5%.

Công ty sẽ thành lập Hoa Binh Global để thực hiện chiến lược phát triển ra thị trường nước ngoài. Mục tiêu 10 năm doanh thu thị trường nước ngoài sẽ đạt 70% tổng doanh thu của Tập đoàn. Thêm nữa, Công ty cũng kỳ vọng biên lợi nhuận dòng sẽ tăng từ mức 1% đến 2% trong những năm đầu tăng lên 5,5% vào năm 2032.

Trong 3 năm đầu, sẽ tái đầu tư toàn bộ lợi nhuận vào kế hoạch đầu tư. Khi biên lợi nhuận nước ngoài tăng hơn 3%, Công ty sẽ giảm lượng tái đầu tư. Hiện tại, Công ty đang rất cần nguồn vốn để phục vụ hoạt động đầu tư ra thị trường nước ngoài.

Khi phát triển thị trường nước ngoài, Công ty có thể huy động vốn ở thị trường nước ngoài thay vì thị trường nội địa.

Trong đó, 4 thị trường mục tiêu của công ty là Canada, Úc, Mỹ và châu Âu. Bởi vì các thị trường mục tiêu có môi trường kinh doanh tốt, giá xây dựng cao và số lượng người nhập cư ở các quốc gia này cao dẫn tới nhu cầu nhà ở tăng và ổn định; sự thiếu hụt nguồn nhân lực xây dựng và mất cân đối cung cầu …

Đầu tư vào bất động sản ở nước ngoài

Công ty dự kiến đầu tư 4 triệu CAD (khoảng 71,84 tỷ đồng) vào dự án 88 James tại Canada và 2 triệu CAD (khoảng 35,92 tỷ đồng) vào dự án Regent Street tại Australia. Như vậy, tổng vốn đầu tư hai dự án bất động sản ở nước ngoài lên tới khoảng 107,76 tỷ đồng.

Không còn khoản thu khác, lợi nhuận của Xây dựng Hòa Bình (HBC) giảm 90%
Do không còn khoản lãi khác như quý III/2020, lợi nhuận sau thuế trong kỳ này của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình chỉ đạt hơn 5 tỷ đồng, giảm 90,2%.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư