Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Hòa giải dân tộc: Việc không phải của riêng ai
Mạnh Bôn - 01/05/2015 07:19
 
40 năm đã qua kể từ khi non sông nối liền một dải. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, 40 năm là khoảng thời gian đủ dài để đánh giá lại xem công cuộc hòa giải dân tộc đã làm được gì, chưa làm được gì, từ đó, đưa ra các giải pháp, chính sách tiếp tục công cuộc này.

Tiếng súng vừa dứt, công cuộc hòa giải dân tộc bắt đầu

Ngay khi tiếp quản Sài Gòn, tiếp xúc với tướng Dương Văn Minh khi đó là cựu Tổng thống Chính quyền Việt Nam Công hòa, Thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định đã nói một câu, theo tôi, rất nổi tiếng về hòa giải dân tộc rằng: “Không có người Việt Nam nào thua”. Nếu tư tưởng “Không có người Việt Nam nào thua”, hay hiểu theo cách khác là, tất cả mọi người Việt Nam đều thắng trong công cuộc thống nhất đất nước của Thượng tướng Trần Văn Trà được thực hiện thì có lẽ công cuộc hòa giải dân tộc đã tiến được một bước dài.

Nhưng rất tiếc, do rất nhiều hoàn cảnh xô đẩy trong thế giới phân cực như Khmer đỏ gây hấn ở biên giới Tây Nam, FULRO quấy nhiễu ở khu vực Tây Nguyên, biên giới phía Bắc bắt đầu có chuyện, đội ngũ sỹ quan, binh lính và những người từng làm việc cho chế độ cũ chưa thực sự tin tưởng vào chế độ mới, cộng thêm tư tưởng thỏa mãn với chiến thắng quá lớn lao của một bộ phận những người có công trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, nên chính sách hòa giải dân tộc đã có bước lùi.

Hệ quả của độ lùi là, đất nước hòa bình, nhưng từ sau ngày 30/4/1975 cho đến tận cuối những năm 80 của thế kỷ trước, hàng triệu người Việt Nam bất chấp hiểm nguy đã vượt biển, rời đất nước bằng mọi giá. Sự kiện “thuyền nhân” có nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân quan trọng là chính sách bắt buộc sỹ quan, binh lính và viên chức từng phục vụ chế độ Việt Nam Cộng hòa, những người khác chính kiến đi “học tập cải tạo”. Đây là sự thật của lịch sử, 40 năm đã trôi qua, theo tôi, không nên né tránh mà phải phân tích kỹ, toàn diện, đúc rút ra bài học để ngày hôm nay khắc phục trong công cuộc hòa hợp, hòa giải với một bộ phận không nhỏ trong số hơn 4,5 triệu

Việt kiều đã từng là “thuyền nhân”.

Về vấn đề hòa giải dân tộc, trong số lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi đánh giá rất cao cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông được coi là nhà lãnh đạo cao cấp Việt Nam đầu tiên công khai đặt vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc. Cách đây đúng 10 năm, vào năm 2005, khi đó mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng uy tín của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn rất cao, ông đã từng phát biểu rằng: ”Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu...”.

Và 2 năm sau, vào đúng ngày kỷ niệm 32 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trả lời phỏng vấn BBC, ông phát biểu: ”Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả. Không có lý do gì giữa chúng ta với nhau không hòa giải được”.

Hòa giải dân tộc, nhiệm vụ chung

Hòa giải dân tộc là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp, không chỉ với Việt Nam mà nước nào trên thế giới cũng vậy và vì thế, đừng ảo tưởng cứ có cơ chế, chính sách, đường lối phù hợp thì hòa hợp, hòa giải dân tộc có thể thực hiện dễ dàng. Tôi cho rằng, hòa giải dân tộc là nhiệm vụ không phải chỉ của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị mà của từng người dân.

Trở lại với câu chuyện “học tập cải tạo” sau ngày 30/4/1975. Khó có thể đưa ra con số chính xác là có bao nhiêu sỹ quan, binh lính, công chức, viên chức của chế độ Sài Gòn đi “học tập cải tạo”, nhưng chắc chắn là có những người đã bị chết khi chưa hết hạn cải tạo. Việc người dân giúp đỡ thân nhân những người bị chết trong quá trình “học tập cải tạo” hoặc chăm sóc mộ phần của người xấu số người ta chỉ nghĩ là làm việc thiện, nhưng thực tế họ đã và đang thực hiện việc hòa giải dân tộc.

Hòa giải dân tộc không thể làm từ một phía, một phía có thiện chí, còn phía kia không hợp tác cũng không thể hòa giải được. Không thể phủ nhận rằng, hiện vẫn còn một bộ phận kiều bào chưa muốn hòa giải, thậm chí có ác cảm với chúng ta. Vì thế, mỗi người dân, đặc biệt là những làm truyền thông phải tuyên truyền, giải thích cho người ta biết, hiểu, chia sẻ và hợp tác với mình như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nói: “Chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng”.

Ngay cả tôi, với tư cách là Đại biểu Quốc hội, là nhà nghiên cứu lịch sử, mỗi khi có dịp, tôi vẫn trả lời phỏng vấn giới truyền thông nước ngoài, kể cả các phương tiện truyền thông của Việt kiều ở Mỹ để nói về đường lối, chính sách của Việt Nam, cả thành tựu làm được và cái chưa làm được.

Rất tiếc, không phải ai cũng có ý thức hòa giải dân tộc. Chẳng hạn, tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công, dù chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhưng nhiều nơi vẫn còn nặng nề về lý lịch khi bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, không ít người có thực tài chưa được trọng dụng đúng mức, chưa được bổ nhiệm vào vị trí công tác đúng năng lực, kinh nghiệm chỉ vì cha ông họ đã từng làm cho chế độ Sài Gòn.

Chúng ta đang sở hữu khoảng 1 triệu km2 mặt biển là nhờ đâu? Là nhờ những người lính thời Nguyễn ra giữ Hoàng Sa, Trường Sa trước đây, nhờ những người lính của chế độ Sài Gòn bảo vệ suốt từ năm 1954 đến năm 1975 và sau này là những người lính hải quân Việt Nam.

Xin nhắc lại câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: ”Quốc gia nào khắc phục được những mâu thuẫn nội tại để cùng tìm thấy niềm tự hào chung, lợi ích chung thì có thể tạo ra sức mạnh nội lực. Ngược lại, nơi nào mà dân tộc chia rẽ, đối địch với nhau, thì dù có tài nguyên quốc gia phong phú, có dân số đông đúc, vẫn không tạo ra sức mạnh, vị thế quốc tế, do đó cũng không thể vững vàng”.

Cơ chế, chính sách, đường lối hòa giải dân tộc, cao hơn là đoàn kết dân tộc của chúng ta có thể nói là phù hợp với thực tiễn. Vấn đề là thực hiện, đặc biệt là mỗi người dân cũng phải thấy rõ trách nhiệm của mình trong công cuộc hòa giải dân tộc vì hòa giải dân tộc, việc không phải của riêng ai.

Đại thắng Mùa Xuân 1975: Tâm nguyện dân tộc, tâm nguyện Bác Hồ
Với Đại thắng Mùa Xuân 1975, cả dân tộc Việt Nam thực hiện trọn vẹn tâm nguyện Bắc - Nam sum họp một nhà, cũng là tâm nguyện của Hồ Chủ tịch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư