Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hoà Phát sẽ nhập khẩu 300.000 tấn quặng sắt
Thanh Hương - 17/10/2015 09:23
 
Công ty cổ phần Thép Hòa Phát vừa ký hợp đồng nhập khẩu 300.000 tấn quặng sắt cho nửa đầu năm 2016.
Lễ ký kết hợp đồng nhập khẩu giữa Hoà Phát và Anglo America Plc
Lễ ký kết hợp đồng nhập khẩu giữa Hoà Phát và Anglo America Plc

Hợp đồng mua quặng sắt dạng cám được ký kết với Tập đoàn Anglo America Plc, thuộc top 5 nhà khai thác mỏ lớn nhất thế giới, có trụ sở chính ở London. Theo đó, Hòa Phát sẽ nhập 300.000 tấn quặng sắt hàm lượng Fe 63,5% trong vòng 6 tháng đầu năm 2016 có nguồn gốc từ mỏ Sishen thuộc Tập đoàn Anglo American ở Nam Phi.

Đây cũng là hợp đồng thứ hai sau lô quặng 55.000 tấn đã được nhập về Việt Nam ngày 21/6/2015.

Khối lượng nhập khẩu này là nhằm đảm bảo nguồn cung nguyên liệu chất lượng tốt và ổn định cho sản xuất của Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Hải Dương.

Theo kế hoạch, từ quý I/2016, Khu liên hợp gang thép của Hoà Phát sẽ đạt công suất gần 1,8 triệu tấn, do đó, nhu cầu với quặng sắt có hàm lượng cao là rất lớn, tuy nhiên lượng quặng sắt trong nước không đáp ứng được.  

Ông Mai Văn Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Thép Hòa Phát cho biết, giá thu mua quặng hàm lượng 63,5% Fe trong nước thời điểm hiện tại khoảng 1.250.000 đồng/tấn, trong khi giá nhập khẩu vào khoảng 55USD (giá về đến cảng của nhà máy), tức là giá quặng mua trong nước và thị trường quốc tế gần tương đương nhau.

Theo dự đoán của các chuyên gia, giá quặng nhập khẩu sẽ còn tiếp tục thấp hơn giá quặng trong nước. Lý do là, nguồn cung quặng thế giới tăng vì các công ty khai thác mỏ lớn nhất thế giới đang gia tăng sản lượng sản xuất. Trong khi đó, nhu cầu mua quặng của Trung Quốc giảm do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại thời gian gần đây. Một nguyên nhân khác khiến giá quặng sắp tới sẽ giảm là chi phí sản xuất quặng của các công ty mỏ lớn trên thế giới ngày càng giảm… Và để đa dạng hóa nguồn cung, đảm bảo sản xuất ổn định, Hòa Phát bắt buộc phải nhập khẩu quặng từ nước ngoài.

Mặc dù vậy, với quan điểm ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu quặng sắt trong nước phục vụ chế biến sâu tạo giá trị gia tăng cao, giảm xuất khẩu khoáng sản thô, Hòa Phát mong muốn mỏ sắt Thạch Khê – được đánh giá có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á, nhanh chóng đưa vào khai thác để đáp ứng nguồn cung tại chỗ, đồng thời giúp hạn chế nhập siêu, giảm nhu cầu ngoại tệ phục vụ nhập khẩu nguyên liệu.

Bổ sung dự án của thép Hòa Phát vào Quy hoạch ngành
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 5295/QĐ-BCT về việc bổ sung Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư