Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Hòa Phát và Hoa Sen: Ai sẽ thắng trong thương vụ Guang Lian?
Nguyên Đức - 05/11/2015 19:10
 
Cả hai tập đoàn lớn của Việt Nam đều đang nhắm đến khu đất mà Dự án Thép Guang Lian (Dung Quất) bỏ lại. Ai sẽ thắng trong cuộc đua này?

Một văn bản vừa được ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh ký gửi Tỉnh ủy Quảng Ngãi báo cáo về việc Tập đoàn Hòa Phát muốn đầu tư xây dựng Dự án Liên hợp Thép, vốn đầu tư khoảng 2 - 2,5 tỷ USD tại khu vực Dự án Thép Guang Lian, mà Quảng Ngãi đang làm thủ tục để thu hồi.

Văn bản của tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Tập đoàn Hòa Phát dự kiến đầu tư dự án thép có công suất 4 triệu tấn/năm, trong đó giai đoạn I là 2 triệu tấn, với diện tích đất khoảng 300 - 350 ha, trong đó giai đoạn I là 150 ha.

Dự án sẽ sử dụng quặng sắt và than nhập khẩu. Vốn đầu tư của dự án thì Hòa Phát sẽ tự lo 65%, phần còn lại là vay thương mại.

Chưa biết Hòa Phát sẽ đầu tư dự án này thế nào, nhưng tập đoàn này cũng đã đề xuất việc được hưởng ưu đãi đầu tư tương tự Dự án Guang Lian được hưởng. Đồng thời, Hòa Phát cũng đề nghị giải quyết dứt điểm vấn đề đất đai, tài sản gắn liền với Dự án Guang Lian.

Sau Hoa Sen, Hòa Phát cũng đang phát đi tham vọng đầu tư xây dựng tại khu vực Dự án thép Guang Lian
Sau Hoa Sen, Hòa Phát cũng đang phát đi tham vọng đầu tư xây dựng tại khu vực Dự án thép Guang Lian

Liên quan đến đề xuất này, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc Hòa Phát chọn công suất 4 triệu tấn và chia làm 2 giai đoạn là phù hợp với khả năng thu xếp vốn của Tập đoàn trong khả năng hiện nay, cũng như trong những năm sắp tới.

“Tập đoàn Hòa Phát có năng lực, kinh nghiệm đầu tư và vận hành hiệu quả dự án luyện cán thép 1,7 triệu tấn (ở Hải Dương - PV), có tiềm lực tài chính và khả năng huy động vốn tự có trong giai đoạn I trong vòng 3 năm”, ông Trần Ngọc Căng tin vào tính khả thi của Dự án và cũng cho rằng, về diện tích đất, đề xuất như vậy là hợp lý.

Câu chuyện còn lại là dự án sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư như thế nào. Sẽ không có vấn đề gì, nếu Hòa Phát nhận chuyển nhượng Dự án Guang Lian từ chủ đầu tư cũ và giữ nguyên quy mô.

Nếu nhận chuyển nhượng mà điều chỉnh quy mô thì cơ chế ưu đãi sẽ được xem xét lại, phải trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến.

Còn nếu hoàn toàn đầu tư một dự án mới, thì căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, đầu tư kinh doanh thép không còn là ngành nghề được đặc biệt khuyến khích đầu tư nữa. Sẽ thêm một lần nữa phải trình xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Như Báo Đầu tư đã đưa tin, thì ngoài Hòa Phát, Tập đoàn Hoa Sen cũng đã đề xuất đầu tư dự án thép trên phần đất của Dự án Guang Lian. Và các khuyến nghị mà Quảng Ngãi đưa ra với Hòa Phát cũng tương tự đã từng đưa ra với Tập đoàn Hoa Sen.

Theo ông Trần Ngọc Căng thì sau văn bản được UBND tỉnh gửi cho Tập đoàn Hoa Sen từ ngày 14/10/2015, tập đoàn này chưa có hồi đáp.

Mặc dù vậy, với cả hai tập đoàn Hòa Phát và Hoa Sen, UBND tỉnh Quảng Ngãi đều ủng hộ các tập đoàn nghiên cứu đầu tư dự án theo hướng hoặc là mua lại Dự án Guang Lian, hoặc đầu tư dự án mới trên một phần đất của Dự án Guang Lian.

Hiện tại, Quảng Ngãi vẫn đang tích cực xử lý “hậu” thu hồi Dự án Guang Lian và xem ra, phương án có nhà đầu tư nhận chuyển nhượng Dự án là dễ hơn cả cho các bên. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng tùy thuộc vào việc Hòa Phát và Hoa Sen quyết định thế nào.

Và quan trọng nhất, là Hòa Phát và Hoa Sen, liệu ai sẽ là người chiến thắng trong “thương vụ” Guang Lian?

Hoa Sen là một trong những tập đoàn lớn của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất tôn - thép. Sau hơn 14 năm thành lập, Hoa Sen hiện có 5 công ty thành viên và hai nhà máy sản xuất, đồng thời đang tiếp tục lên kế hoạch đầu tư nhiều dự án trong cả nước và hướng tới kinh doanh đa ngành.

Gần đây nhất, trung tuần tháng 6 vừa qua, Hoa Sen đã khởi công xây dựng nhà máy cán nguội với công suất 1 triệu tấn, vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng ở Nghệ An.

Theo báo cáo của Hoa Sen, thì ước kết quả kinh doanh hợp nhất lũy kế 9 tháng đầu năm (tính từ tháng 10/2014 đến hết tháng 6/2015), Tập đoàn đạt doanh thu thuần 13.521 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 484 tỷ đồng.

Một tiềm lực tài chính khá mạnh, nhưng liệu Hoa Sen có đủ sức để đeo đuổi Dự án Guang Lian hay không lại là một câu chuyện khác. Bởi với quy mô 3-5 triệu tấn, thì Hoa Sen sẽ phải dốc một nguồn vốn rất lớn cho dự án này.

Trong khi đó, Hòa Phát là một tập đoàn đa ngành lớn ở Việt Nam. Riêng về ngành thép, Hòa Phát đang đứng thứ ba trong số các doanh nghiệp thép hàng đầu Việt Nam, đứng trên công ty của đại gia Lê Phước Vũ.

Tập đoàn Hòa Phát hiện đang niêm yết trên thị trường chứng khoán với vốn điều lệ khoảng 7.330 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đến quý II/2015 là 13.109 tỷ đồng.

Doanh thu của Tập đoàn Hòa Phát năm 2014 đạt 22.000 tỷ đồng, lợi nhuận 3.200 tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm 2015, Hòa Phát đạt doanh thu 27.000 tỷ đồng, lợi nhuận 3.500 tỷ đồng.

Xét về quy mô và tiềm lực tài chính, Hòa Phát đang có lợi thế hơn Hoa Sen. Nhưng chưa biết “mèo nào cắn mỉu nào”, không biết đại gia Trần Đình Long hay đại gia Lê Phước Vũ sẽ thắng?

Đại gia Lê Phước Vũ muốn ẵm Dự án Thép Guang Lian
Tập đoàn Hoa Sen muốn thay thế chủ đầu tư cũ để triển khai Dự án Thép Guang Lian (Quảng Ngãi), vốn đầu tư 3 tỷ USD. Cơ hội để hồi sinh dự án...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư