Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Hoa Sen có dấu hiệu tích trữ trở lại nguồn nguyên liệu
Bắc Duy - 01/02/2024 09:10
 
Kinh doanh có dấu hiệu hồi phục, Tập đoàn Hoa Sen bắt đầu tích trữ tồn kho, gia tăng nợ vay để chuẩn bị cho chu kỳ mở rộng mới.

Gia tăng nợ vay, đồng thời tăng tồn kho

Sau khi đạt đỉnh tồn kho và nợ vay vào thời điểm 30/6/2022, cũng như gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh khi giá thép tiếp tục lao dốc, nhu cầu tiêu dùng giảm, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) đã liên tục giảm tồn kho, giảm các khoản phải thu để cân đối dòng tiền.

Tuy nhiên, trong Báo cáo tài chính quý I, niên độ tài chính 2023-2024 (từ ngày 1/10 đến 31/12/2023), Tập đoàn Hoa Sen lại cho thấy nhiều dấu hiệu khởi sắc, đồng thời phát đi tín hiệu mở rộng kinh doanh trở lại. Trong đó, riêng về kết quả kinh doanh, ngay trong quý I, doanh thu tăng 14,6%, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 2%, lên 10,5%. Bên cạnh lợi nhuận khởi sắc, tồn kho trong quý I  cũng tăng thêm 396,8 tỷ đồng, lên 8.025,3 tỷ đồng, chiếm 42,7% tổng tài sản.

Việc Công ty bắt đầu tăng tích trữ tồn kho, đồng thời mở rộng khoản phải thu dẫn tới thâm hụt dòng tiền và dòng tiền kinh doanh cũng đã âm 672,9 tỷ đồng trong quý I.

Có thể thấy, với những biến động trên cơ cấu bảng cân đối, cũng như dòng lưu chuyển tiền tệ và kết quả kinh doanh có lãi trở lại so với cùng kỳ, điều này cho thấy, Tập đoàn Hoa Sen đang từng bước mở rộng tích trữ tồn kho, gia tăng nguồn vốn bằng sử dụng nợ vay.

Thực tế, trái với tín hiệu hồi phục về hoạt động kinh doanh, cũng như về chiến lược có dấu hiệu mở rộng kinh doanh của Tập đoàn, giá cổ phiếu HSG trên sàn lại phát đi tín hiệu mới.

Theo dữ liệu của SSI Research, tính tới ngày 26/1/2024, định giá P/E của cổ phiếu HSG là 590,74 lần (trung bình ngành chỉ cao nhất khoảng 10 lần), dự phóng P/E năm 2024 của cổ phiếu HSG là 18 lần.

Như vậy, theo dữ liệu hiện tại, định giá cổ phiếu HSG tiếp tục giao dịch cao hơn nhiều dữ liệu lịch sử, không hấp dẫn nhà đầu tư giá trị.

Lý giải việc kết quả kinh doanh chưa cải thiện, nhưng giá cổ phiếu tăng cao, lên mức định giá kỷ lục so với lịch sử, trên cương vị quỹ đầu tư, ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ đầu tư ECI Capital cho biết, giá thép có thể phục hồi do thị trường kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh, nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cùng kỳ vọng của nhà đầu tư. Điều này sẽ giúp giá cổ phiếu thép chuyển biến tích cực.

“Tuy nhiên, đó chỉ là sự phục hồi ngắn đến từ sự kỳ vọng. Về tình hình chung, trong cả giai đoạn 2024, ngành thép vẫn sẽ theo chiều hướng phục hồi nhẹ và đi ngang, chưa có sự đột biến hay phục hồi một cách rõ rệt. Lý do là, trong bối cảnh sau cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu và các bất ổn chính trị trên thế giới như thời gian vừa qua, thì cần có vài năm để nền kinh tế các quốc gia có thể tái cấu trúc, đồng thời tích lũy đủ điều kiện để phục hồi. Các chính sách tháo gỡ của chính phủ cũng mới chỉ có tác động về mặt định hướng, chưa thể có hiệu quả ngay tức thì, cần khoảng thời gian để phát huy tác dụng”, ông Vân nhấn mạnh thêm.

Triển vọng hồi phục và chạm đáy của ngành thép

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng dự báo, triển vọng sản lượng xuất thép của Việt Nam có thể tăng khoảng 10% trong năm 2024 và 8% vào năm 2025 khi nhu cầu phục hồi trở lại nhờ giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông…

Tương tự, SSI Research cũng có góc nhìn tương đối tích cực về kết quả kinh doanh các công ty thép khi dự báo lợi nhuận đã chạm đáy trong năm 2023 và sẽ phục hồi trong 2 - 3 năm tới. Trong đó, SSI Research kỳ vọng lợi nhuận của các công ty thép sẽ tăng cao trong năm 2024 nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện; biên lợi nhuận gộp tăng trở lại từ mức thấp trong nhiều năm do giá thép nhiều khả năng đã kết thúc xu hướng giảm.

Trái với góc nhìn có phần lạc quan của SSI Research và VSA về doanh nghiệp thép, ông Trần Nhật Trung, chuyên gia phân tích của chứng khoán ACBS tỏ ra thận trọng hơn. Theo ông, dự kiến sức tiêu thụ thép sẽ tiếp tục hồi phục nhờ đầu tư công được đẩy mạnh, nhờ thị trường bất động sản được cải thiện, song do ba luật liên quan tới lĩnh vực bất động sản mới được thông qua chỉ tác động trực tiếp thị trường từ năm 2025, do vậy nhu cầu về thép sẽ có sự bứt phá từ thời điểm trên. “Nhiều khả năng, giá quặng và giá thép sẽ không biến động mạnh trong năm 2024. Việc này dẫn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thép khó có thể quay lại mức đỉnh trong các năm trước đó”, ông Trung nhấn mạnh.

Có thể thấy, dù là kịch bản lạc quan hay cách nhìn thận trọng, thì năm 2024 và năm 2025 vẫn được dự báo là năm mà hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngành thép sẽ hồi phục sau khi chạm đáy vào nửa cuối năm 2022.

Hoa Sen tăng nợ khi tăng tích trữ tồn kho trong quý đầu niên độ 2023 - 2024
Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG - sàn HoSE) có lãi trở lại trong quý đầu niên độ tài chính 2023 - 2024.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư