Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Họa sĩ Phan Hải Bằng: Tết phải giữ phần nhân văn chủ đạo của các nền nếp cổ
Anh Hoa - 31/01/2022 18:28
 
Xã hội sẽ không có bất kỳ một giá trị nào thực sự được xây dựng nên nếu cắt đứt với quá khứ, với truyền thống.

Con người sẽ không còn là chính mình khi bị hoặc tự tách rời khỏi nguồn cội. Con người cũng sẽ đánh mất cơ hội được hòa cùng dòng chảy tiến bộ của nhân loại khi đắm chìm và lệ thuộc vào những gì xưa cũ. Và hẳn nhiên sẽ không có bất kỹ một giá trị nào thực sự được xây dựng nên nếu cắt đứt với quá khứ, với truyền thống. Vấn đề là cách ứng xử với truyền thống ra sao!

Tết đến xuân về, Họa sĩ Phan Hải Bằng đã có những chia sẻ nhiều tâm tư với Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn về vấn đề này. Ông hiện là giảng viên trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế.  Và là người sáng lập Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam.

Gốc rễ tạo nên hoa trái...

Theo Họa sĩ Phan Hải Bằng, bối cảnh xã hội chung trong thời gian qua cũng như sự biến động nhận thức do nhiều yếu tố: đời sống, kinh tế chính trị, xã hội… đã làm cho chúng ta buộc phải nhìn nhận lại và điều chỉnh không ít những hành vi, suy nghĩ… đặc biệt là về ngày Tết.

Những biến động trong gia đình cũng như công việc cũng tương tự như mọi người, tiết chế hơn, bình thản hơn, có cơ hội nhìn lại mình, nhìn sâu vào mình hơn.

Hoạ sĩ Phan Hải Bằng sinh năm 1971 tại Quảng Bình, là người gốc Quảng Trị, nhưng mẹ ông là người gốc Huế, nên ông sinh sống và lập nghiệp ở Huế và coi Huế như phần máu thịt của mình.

Ông bảo, ở Huế, mọi người thường nghĩ là nơi có phần cổ hủ, phong kiến, nhiều tục lệ phức tạp… điều đó ít nhiều đúng. Bởi đây là Kinh đô cuối cùng của phong kiến Việt Nam, các nghi thức, nghi lễ, phong tục, cũng bái… vẫn được duy trì cho đến ngày nay, cho dù đã nhiều mai một, thậm chí cải biên và bỏ bớt. Một mặt nào đó, chúng được coi là sự phiền hà, rối rắm và không còn phù hợp với đời sống hiện đại.

Tuy nhiên, một cách chính thức, đó là biểu hiện của văn hóa và tính chất nhân văn của tiền nhân. Trong đó ẩn chứa những sự tôn kính với tổ tiên, cha mẹ… ẩn chứa những bài học nhân bản và ứng xử với thiên nhiên, con người, xã hội cho thế hệ sau mà những phương cách giáo dục sau này chưa chắc đã làm được. Trong cuốn cuốn sách Cám dỗ Việt Nam của Nguyễn Hữu Liêm đã có đoạn viết rất hay về điều này.

Họa sĩ Phan Hải Bằng
Họa sĩ Phan Hải Bằng.

Tết là dịp thể hiện sự ấm áp và nhân văn hay lắng nghe sự giao hoà giữa con người, đất trời và thần linh. Chúng ta hoàn toàn có thể bỏ qua những điều rườm rà, và không còn cần thiết trong đời sống, tỷ như: đốt quá nhiều vàng mã, những hủ tục mê tín…

Nhưng theo Phan Hải Bằng nhất thiết phải giữ lại phần cốt lõi, tinh thần nhân văn chủ đạo của các nền nếp cổ. Việc sửa dọn nhà cửa, lau dọn ban thờ…

Bởi khi chuẩn bị Tết là lúc mà những đứa trẻ được học những bài học về phép tắc, tính kiên nhẫn, cẩn trọng và sự trân trọng những nét truyền thống: từ việc lau chùi đồ thờ; chuẩn bị hương hoa… cách thức sửa soạn cắm một cành mai, cho đến việc học gói một chiếc bánh chưng, bánh tét…

Từ tục lệ mừng tuổi người lớn, viếng mộ tổ tiên, đi chùa cầu an vào ngày đầu năm… Ẩn sâu bên trong đó là khát vọng của sự đoàn viên, sum vầy của gia đình, của sự kết nối tình cảm giữa các thế hệ…

Đó là nền tảng cho con người luôn ý thức về giá trị thẩm mỹ, giáo dục, văn hóa, nhân văn dân tộc. Từ đó hình thành nên nhân cách và giá trị của mình. Điều này sẽ còn được tiếp nối cho các thế hệ sau nữa.

Tết từ ký ức niềm vui nghèo khó một thuở

Đối với vị họa sĩ này, ký ức ấu thơ về ngày Tết, ngoài những niềm vui nghèo khó một thuở… là việc lau bóng đèn dầu trên ban thờ dưới sự “giám sát” của ông ngoại.

“Công việc này đã phải làm đi làm lại cho đến khi ông ngoại giơ chiếc bóng đèn lên ánh sáng mà không còn gợn một chút muội than nào, còn tay của cậu cháu thì sưng lên vì roi gõ vào tay mỗi lần chưa đạt”, ông kể.

Điều này có lẽ đã ảnh hưởng nhiều đến tính cách cẩn trọng và sự “khó tính” của ông sau này trong công việc của một họa sỹ Đồ họa cũng như việc xây dựng những giá trị có tính chất văn hóa, nghệ thuật.

Nhiều năm nay, ở Vườn Trúc chỉ, ông và các cộng sự vẫn duy trì tục dựng nêu vào ngày tất niên năm cũ, hạ nêu vào ngày đầu tiên làm việc của năm mới. Việc này như một cách nhắc nhớ về những giá trị truyền thống tốt đẹp.

Cây nêu ở Vườn Trúc chỉ
Cây nêu ở Vườn Trúc chỉ.

Mặt khác, ngày thường ông vẫn duy trì các nghi thức thanh tẩy, tôn vinh… các phép tắc ngày thường về ứng xử, trang phục… cho du khách cũng như các họa sỹ làm việc tại Vườn Trúc chỉ. Điều này giúp cho việc luôn ý thức về các giá trị văn hóa tự thân trong việc sáng tạo và xây dựng một giá trị mới.

Trong việc xây dựng giá trị Trúc Chỉ, ông đặt ra 3 tiêu chí: Thẩm mỹ - Giáo dục - Xã hội. Khi thẩm mỹ và giáo dục đạt được những thành tựu đầy đủ, hiệu ứng xã hội sẽ là một giá trị thực. Ngược lại, nếu thiếu hụt 1 trong 2, hoặc cả 2 yếu tố đó, kết quả sẽ chỉ là một phiên bản lỗi.

Trong bối cảnh sự phát triển quá nhanh của xã hội hiện nay, điều lo ngại đặt ra là: những gì ông đang làm liệu giá trị thực sẽ được thế hệ trẻ thẩm thấu? Và thẩm thấu đến đâu?

“Điều đáng mừng là hầu hết các bạn đang làm việc cùng Trúc chỉ đều là những người trẻ, và rất trẻ”, ông cho hay.

Ở đây, họ hiểu được công việc đang làm là chung tay xây dựng một giá trị văn hóa mới có tên là Trúc chỉ, một nghệ thuật giấy Việt mới. Họ nắm giữ những giá trị văn hóa, thẩm mỹ truyền thống Huế, Việt thông qua các tài liệu, điền dã, nghiên cứu vẽ thực địa cũng như các workshop học thuật được chúng tôi thực hiện mỗi tháng, hoặc 2 tuần/lần…

Đặc biệt, những người trẻ này cũng đã có những thành tựu cho riêng mình: các tác phẩm tham gia các triển lãm, giải thưởng…góp phần vào thành tựu chung của Trúc chỉ.

Trong phiên chia sẻ về Trúc chỉ tại TEDxBUV tháng 9/2021 do Đại học Anh quốc tại Việt Nam (BUV) tổ chức, hàng trăm khán thính giả đã hào hứng tham dự, chất vấn, tìm hiểu và chia sẻ rất sôi nổi. Họ là những người rất trẻ, đại đa số thuộc thế hệ 2000, họ thẩm thấu, nắm bắt và hiểu rất sâu về những gì mà Trúc chỉ đang làm, đang chia sẻ.

1-đây là tác phẩm NGẫu liên- Sinh sôi/ đồ họa Trúc chỉ- trucchigraphy.  5 tấm, tham gia Biennale Nghệ thuật giấy Thượng Hải 2021
Tác phẩm Ngẫu liên - Sinh sôi/đồ họa Trúc chỉ có 5 tấm, tham gia Biennale Nghệ thuật giấy Thượng Hải 2021.

Văn hóa truyền thống như sợi dây của cánh diều

Trong quãng thời gian đại dịch 2 năm qua, cũng như đa phần nhân loại, vị họa sĩ này cũng phải học cách thích ứng, cởi mở và học hỏi, thu nhận kiến thức… để sống tích cực; để có thể hội nhập với các phương thức làm việc sáng tạo, chia sẻ mới bằng công nghệ, bằng cách lắng lại, bình thản hơn, nhìn vào nội tại nhiều hơn. Điều này làm cho công việc có vẻ như chậm lại, bớt ồn ào hơn. Song thực chất nó đã làm cho những kết quả tạo thành có một biểu hiện mới, đa dạng, đa nghĩa và có chiều sâu hơn nhiều.

Điều quan trọng nhất và cũng là một trong những điều ông làm được trong thời gian qua, trước tiên phải kể đến là sự bình tâm, tự tại trước những tai ương của dịch bệnh, khó khăn xã hội và nhiễu nhương của đời sống.

“Điều này cho phép chúng tôi có cơ hội nhìn lại mình, nhìn lại cuộc đời, nhìn lại các giá trị truyền thống… để lấy năng lượng để tiếp tục kiên định vói con đường đã chọn”, Họa sĩ Phan Hải Bằng chia sẻ.

Hiện Họa sĩ đang cùng các cộng sự đang sáng tạo với nghệ thuật Trúc Chỉ. Và để kiến tạo một tương lai bền vững cho Việt Nam ở phương diện văn hoá, xã hội, nghệ thuật, xây dựng con người thì một trong nhưng yếu tố quan trọng nhất theo ông đó là cách mà chúng ta hiểu và ứng xử đúng với các giá trị văn hóa truyền thống.

Theo ông, việc khai thác truyền thống một cách trực tiếp sẽ dẫn tới sự suy mòn; sự mô phỏng hoặc phục dựng truyền thống là một phép ứng xử cần thiết. Song nếu không khéo sẽ bó hẹp và làm chững lại dòng chảy truyền thống.

Việc làm cho giá trị truyền thống được nối dài, mang diện mạo mới, thích ứng với bối cảnh đương thời mà vẫn mang âm hưởng truyền thống là một trong những cách ứng xử đúng đắn. Việc này đòi hỏi phải nắm vững các giá trị văn hóa truyền thống, cách tiếp cận đa chiều, có tri thức, không thỏa hiệp, linh hoạt và sáng tạo. Dĩ nhiên không thể thiếu những năng lượng sẻ chia, chánh đạo, trung thực, thiện lương và lòng trắc ẩn.

Họa sĩ Phan Hải Bằng ví điều đó như hình tượng một cánh diều, nó sẽ không thể bay cao, bay xa thoát khỏi mặt đất nếu thiếu đi sợi dây. Sợi dây này vừa là sự buộc ràng nhưng cũng đồng thời là sự nâng đỡ, kết nối cánh diều với mặt đất. Đó là nền tảng truyền thống nâng đỡ và là gốc cội, bảo chứng cho các giá trị mới được hình thành. Trúc Chỉ đã được khởi lập và xây dựng như thế đó!

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư