Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hoàn thành Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ về bình đẳng giới
Thanh Tùng - 11/11/2015 21:11
 
Việt Nam đã thực hiện thành công Mục tiêu Thiên niên kỷ thứ 3 về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ.
Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình với hoạt động truyền thông nhằm tránh bất bình đẳng giới
Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình với hoạt động truyền thông nhằm tránh bất bình đẳng giới

Theo “Báo cáo quốc gia về kết quả 15 năm thực hiện Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs) của Việt Nam được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố gần đây, tất cả các chỉ tiêu đo lường Mục tiêu Thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ đều đã được hoàn thành trước hạn.

Cụ thể, Việt Nam đã xóa bỏ bất bình đẳng giới trong giáo dục ở tất cả các cấp học. Trong năm học 2000-2001, tỷ lệ học sinh nữ trên học sinh nam lần lượt là 91%, 88,9% và 87,8% ở bậc tiểu học, THCS và THPT. Tuy nhiên, đến năm học 2012-2013, tỷ lệ này đã tăng lên lần lượt là 91,3%, 94,3% và 113,7%.

Đáng chú ý hơn, số lượng nữ giới đi học ở các bậc học cao (THPT và đại học) đã gia tăng nhanh chóng. Trong năm học 2000-2001, tỷ lệ nữ/nam ở cấp THPT chỉ đạt 88 nữ/100 nam, nhưng đến năm học 2012-2013 đã là 114 nữ/100 nam.

Theo bản báo cáo, không những trình độ giáo dục của nữ giới đã được cải thiện đáng kể, mà nữ giới đã đạt được những bước tiến ấn tượng, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong lĩnh vực giáo dục. Trong giai đoạn đầu, giáo viên là nữ chiếm phần lớn trong tổng số giáo viên tại các bậc học thấp và chỉ chiếm khoảng 1/3 tại các bậc học cao hơn. Tuy nhiên đến năm học 2012-2013, tỷ lệ giảng viên nữ và nam tại các bậc đại học, cao đẳng và trường nghề là tương đương nhau.

Theo Bộ KH&ĐT, Việt Nam cũng đã thành công trong việc đảm bảo bình đẳng giới trong việc làm. Cụ thể, vấn đề việc làm cho lao động nữ trong khu vực phi nông nghiệp đã được nâng cao đáng kể cả về chất và lượng. Tỷ lệ lao động nữ/lao động nam trong khu vực phi nông nghiệp tăng từ 39,9% năm 2009 lên 40,5% năm 2010 và 42% vào năm ngoái.

Sự chênh lệch về tiền lương giữa lao động nữ và lao động nam cũng đã được thu hẹp đáng kể. Năm 2009, tỷ lệ tiền lương/giờ của nam giới so với nữ giới là 114,8%, nghĩa là với mỗi 100.000 đồng/giờ mà nữ giới kiếm được cho một công việc, nam giới được trả 114.800 đồng/giờ. Khoảng cách này đã được thu hẹp xuống còn 106,7% vào năm 2014.

Ngoài ra, theo bản báo cáo, vị thế của phụ nữ ở Việt Nam cũng đã được nâng cao. Tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội trong nhiệm kỳ gần đây nhất (2011-2016) đạt 24,4% - một con số ấn tượng nếu so với mức trung bình 19% của các nước châu Á và 21% của thế giới.

Ở các cấp thấp hơn, số lượng đại biểu nữ có sự tăng nhẹ. Cụ thể, tỷ lệ đại biểu nữ tham gia HĐND cấp tỉnh tăng từ 21,57% trong nhiệm kỳ 1999-2004 lên 25,17% trong nhiệm kỳ 2011-2016. Tại cấp xã, con số này cũng tăng từ 16,61% lên 21,71%.

Tuy nhiên, ông Trần Quốc Phương, Phó vụ trưởng Vụ Lao động - Văn hóa và Xã hội (Bộ KH&ĐT) cho biết, mặc dù đã thực hiện thành công Mục tiêu Thiên niên kỷ 3, Việt Nam vẫn đang đối mặt với một số thách thức để đạt được bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ, do vấn đề trọng nam khinh nữ vẫn còn phổ biến.

Điều này được minh chứng bởi xu hướng gia tăng tỷ số giới tính khi sinh qua các năm, đang ở mức 112,2 bé trai trên 100 bé gái vào năm 2014. Sự lựa chọn giới tính làm gia tăng các quan ngại về bất bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính, có thể để lại hậu quả nghiêm trọng trong tương lai.

Đáng chú ý hơn, sự ưa thích con trai có thể có mối liên kết chặt chẽ với tình trạng bạo lực giới. Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực Gia đình đối với phụ nữ Việt Nam của Tổng cục Thống kê năm 2010 cho thấy, bạo lực trên cơ sở giới đã trở thành một vấn đề phổ biến và phức tạp. 58% phụ nữ đã kết hôn thừa nhận rằng, trong cuộc đời họ đã từng phải hứng chịu ít nhất một trong số các hình thức bạo lực gia đình do chồng mình gây ra. Trong khi đó, 27% phụ nữ đã trải qua bạo lực gia đình trong vòng 12 tháng qua.

Thách thức phát triển bền vững
Việt Nam đã hoàn thành hầu hết các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs) sau 15 năm nỗ lực, nhưng thách thức phía trước còn rất lớn, đòi hỏi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư