Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thách thức phát triển bền vững
Nguyên Đức - 23/09/2015 09:03
 
Việt Nam đã hoàn thành hầu hết các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs) sau 15 năm nỗ lực, nhưng thách thức phía trước còn rất lớn, đòi hỏi phải nỗ lực hơn nữa. Yêu cầu này càng trở nên bức thiết khi Liên hợp quốc đã đề xuất và sẽ chính thức thông qua Mục tiêu Phát triển bền vững để thực hiện trong giai đoạn sau ngay trong tuần này, tại Hội nghị Thượng đỉnh về Phát triển bền vững diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ).
.
Việt Nam đã hoàn thành hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ

Thách thức trước hết đến từ ngay chính các MDGs mà Việt Nam chưa thể hoàn thành, hay mới chỉ tiệm cận mức hoàn thành, như thúc đẩy phát triển bền vững môi trường, phòng chống HIV/AIDS… Thậm chí, ngay cả những mục tiêu đã hoàn thành, như xóa bỏ được tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng nam - nữ, giảm tỷ lệ tử vong trẻ em… cũng cần tiếp tục nỗ lực để duy trì thành quả.

Thực tế cho thấy, 15 năm qua, kể từ khi Việt Nam bắt tay thực hiện MDGs, nhờ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, với tăng trưởng GDP bình quân 7% trong giai đoạn 2000 - 2008.

Sau đó, do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, tăng trưởng GDP đã giảm xuống 5,5% trong hai năm 2008 - 2009, song trong giai đoạn 2011 - 2015, đã bắt đầu dấu hiệu phục hồi. Năm 2015, tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 6,2%, thậm chí còn vượt mục tiêu đề ra, có thể đạt 6,5%.

Nhờ kinh tế - xã hội phát triển, nên 15 năm qua, 43 triệu người Việt Nam thoát nghèo; tỷ lệ tử vong trẻ em đã giảm xuống chỉ còn một nửa so với năm 1990; đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và đang tiến tới phổ cập giáo dục phổ thông cơ sở… Việc quốc gia hóa và lồng ghép MDGs vào hệ thống các kế hoạch, chương trình, chính sách của quốc gia, phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước; đồng thời xây dựng mô hình tăng trưởng toàn diện, kết hợp phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, phát triển vì người nghèo… là lý do căn bản nhất khiến Việt Nam đã hoàn thành hầu hết các MDGs.

Tuy nhiên, thách thức đến khi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian gần đây đã chậm lại, đe dọa tính ổn định của thành tựu giảm nghèo, cũng như các thành tựu khác. Đó là chưa kể những thách thức mới nảy sinh, như chênh lệch mức sống, nguồn lực ngân sách bố trí cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hạn chế, thậm chí là cả những thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu…

Dự kiến, các Mục tiêu Phát triển bền vững sẽ thay thế cho MDGs vào đầu năm 2016. Đây sẽ là lời kêu gọi hành động toàn cầu nhằm chấm dứt nghèo đói, bảo vệ hành tinh và đảm bảo để tất cả mọi người đều được sống trong hòa bình, thịnh vượng, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Mục tiêu là cao cả và đầy thách thức. Những thành tựu trong thực hiện MDGs sẽ là nền tảng quan trọng để Việt Nam tiếp tục thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững trong giai đoạn tới. 

Câu chuyện nằm ở chỗ, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, với cơ hội và thách thức đan xen, khi quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng có những bước đi sâu rộng và thực chất hơn, khi nỗ lực cải cách thể chế kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng bắt đầu có những bước đi tích cực…

Nếu tiếp tục cải cách, kinh tế Việt Nam sẽ phát triển, còn nếu không, sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu. Một khi kinh tế tụt hậu, thành quả của MDGs bị đe dọa. Hơn thế, các Mục tiêu Phát triển bền vững mà Liên hợp quốc mới đề ra sẽ khó có thể thực hiện được. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải không ngừng cải cách và nỗ lực, nhằm đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới, tạo nền tảng để thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Chủ tịch nước sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc
Từ ngày 24 đến 30/9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc và thăm chính thức Cộng hòa Cuba.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư