Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 25 tháng 01 năm 2025,
Hoàn thành sứ mệnh chuyến bay không để ai bị bỏ lại phía sau
Thùy Giang (TTXVN/Vietnam+) - 30/07/2020 09:28
 
30 giờ qua là những phút giây bác sỹ Hùng và những người đồng nghiệp của mình căng như dây đàn để xử lý các tình huống trong chuyến bay giải cứu công dân từ Guinea Xích Đạo về nước.
Hoan thanh su menh chuyen bay khong de ai bi bo lai phia sau hinh anh 1Bác sỹ Thân Mạnh Hùng-Phó Trưởng Khoa Cấp Cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương). (Ảnh: PV/Vietnam+)

15 giờ 10 chiều 29/7, chiếc Airbus 350 mang số hiệu VN05 hạ cánh trên đường băng của Sân bay Nội Bài  là lúc bác sỹ Thân Mạnh Hùng thở phào nhẹ nhõm.

Anh bảo: “Khi đó, hít một hơi thật sâu để mọi cảm giác lo âu, gồng mình lên trong suốt chuyến bay của đội ngũ y bác sỹ đã phần nào được giải tỏa.”

Bật điện thoại, bác sỹ Hùng lập tức gọi điện cho lãnh đạo viện thông báo chuyến bay đã hạ cánh an toàn. Tiếp đó, anh tranh thủ bấm máy gọi về cho mẹ, cho vợ với vài câu nói chớp nhoáng, ngắn ngủi rằng chuyến bay đã về nước an toàn để mọi người bớt thấp thỏm, lo âu.

“Không ai cho phép mình được mệt mỏi”

Chuyến bay đặc biệt đón 219 người Việt hồi hương từ Guinea Xích Đạo, trong đó có khoảng 129 trường hợp mắc COVID-19, đã hạ cánh tại Sân bay Nội Bài (Hà Nội). Đoàn công tác gồm với 2 tổ bay và 4 y, bác sỹ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã hoàn thành sứ mệnh: Chuyến bay hạ cánh an toàn, bệnh nhân được chuyển về điều trị tại bệnh viện mà không xảy ra sự cố nào.

Hoan thanh su menh chuyen bay khong de ai bi bo lai phia sau hinh anh 2Những chiếc xe chở đoàn công dân về cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bác sỹ Thân Mạnh Hùng-Phó Trưởng Khoa Cấp Cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) kể, từ khi lên máy bay không ai cho phép mình được mệt mỏi, được uể oải. Bởi mọi bất ngờ có thể xảy ra và ập đến lúc nào.

“Chúng tôi bay tổng cộng hơn 30 tiếng, lúc đi bay thẳng từ Hà Nội đến Sân bay Bata của Guinea Xích Đạo 12 tiếng. Đến sân bay Sân bay Bata không có sẵn xăng để đổ cho máy bay nên cả đoàn phải chờ đội ngũ kỹ thuật vận chuyển xăng từ nơi khác đến mất 6 giờ đồng hồ ở đó. Sau đó, bay về đến Việt Nam mất khoảng 13 tiếng,” bác sỹ Hùng nhớ lại.

Đặc biệt, trên chuyến bay về có khoảng 15-16 bệnh nhân có biểu hiện sốt đã được các bác sỹ xử lý bằng thuốc hạ sốt, uống nước. Khoảng 5-6 bệnh nhân có biểu hiện khó thở nhưng không phải thở máy hay đặt nội khí quản gì.

Bác sỹ Hùng cho hay các bệnh nhân khó thở có thể do thay đổi áp suất, lên cao không khí loãng hơn. Thứ hai có thể các bệnh nhân đeo khẩu trang liên tục nên ít nhiều tạo cảm giác khó thở. Bác sỹ chỉ xử lý bằng các thực hiện kẹp SPO2 đo theo dõi sức khoẻ bệnh nhân…

Mọi thứ diễn ra như kịch bản, trên chuyến bay đặc biệt đưa công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo không có tình huống nào diễn ra xấu, chuyến bay đã an toàn.

Trong quá trình bay, những hành khách có biểu hiện khó thở đã được cấp cứu kịp thời, sau đó sức khỏe đã trở lại bình thường và được kíp y, bác sỹ chăm sóc cẩn thận. Có một trường hợp bệnh nhân COVID-19 kèm bệnh tiêu chảy và một bệnh nhân khác bị kèm bệnh sốt rét đã được các y bác sĩ xử lý, sức khỏe ổn định.

Hoan thanh su menh chuyen bay khong de ai bi bo lai phia sau hinh anh 3Khử khuẩn cho các công dân từ Guinea Xích đạo về trước khi vào khu cách ly tại bệnh viện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau chuyến bay dài với trách nhiệm nặng nề, bác sỹ Hùng tâm sự: “Mọi người trong đoàn đều hơi mệt, nhưng việc cả đoàn an toàn về nước như trút đi được một gánh nặng. Bởi khi đội ngũ y bác sỹ và tổ bay đều mang trong mình trách nhiệm lớn phải đảm bảo an toàn cho số lượng lớn bệnh nhân dương tính, có những bệnh nhân có thể diễn biến xấu trong quá trình bay nên áp lực lớn.”

Trong quá trình bay, đoàn tiếp viên với nhân viên y tế thống nhất kịch bản ban đầu và phối hợp ăn ý. Khi về đến Hà Nội tất cả đều thở phào nhẹ nhõm vì chuyến bay an toàn bỏ được áp lực. Sau đây cả đoàn sẽ có 14 ngày cách ly.

Đoàn công tác mang theo nhiều trang thiết bị, máy móc, thuốc và phương tiện cấp cứu, áp dụng những biện pháp cách ly và chăm sóc đặc biệt trên chuyến bay, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp về an ninh, an toàn, phòng, chống nhiễm COVID-19.

Ngay khi hạ cánh, máy bay được dẫn về đỗ ở vị trí biệt lập, được khử trùng tuyệt đối để đảm bảo quy trình phòng chống dịch cao nhất, đảm bảo hoạt động khai thác hàng không tại Sân bay Nội Bài vẫn diễn ra bình thường.

Hoan thanh su menh chuyen bay khong de ai bi bo lai phia sau hinh anh 4Họ đã có 1 chuyến bay an toàn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chính sách nhân đạo của Việt Nam

Từ đầu tháng 7, ngay sau khi nhận được những thông tin đầu tiên về tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong nhóm công nhân Việt Nam đang làm việc tại Dự án Nhà máy Thủy điện Sendje ở Guinea Xích đạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam đã gửi công văn tới Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Angola kiêm nhiệm Cộng hòa Guinea Xích đạo; báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19... tạo điều kiện để doanh nghiệp đưa lao động về nước theo nguyện vọng của người lao động.

Việc tổ chức chuyến bay cứu hộ này vừa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động, vừa thể hiện tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Chỉ vài ngày sau đó, với tinh thần bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân ngay từ những ngày đầu chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tổ chức ngay chuyến bay cứu hộ công dân tại Guinea Xích đạo.

Tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tổ chức chuyến bay hồi hương cho đến khi máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài, thời gian chưa đến 3 tuần, có thể nói đây là một chiến lược “thần tốc” trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau.”

Trong hai ngày 28 và 29/7/2020, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola (kiêm nhiệm Guinea Xích đạo) và Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng Guinea Xích đạo đưa 219 công dân Việt Nam làm việc tại Guinea Xích đạo về nước an toàn.

Ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài, toàn bộ người trên chuyến bay được đưa về khu cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội), không để dịch COVID-19 có cơ hội lây lan ra cộng đồng.

Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất (khoa phòng, giường bệnh, máy thở, trang thiết bị y tế, thuốc men) và đội ngũ nhân viên y tế để tiếp nhận, điều trị và phòng chống lây nhiễm cho các công dân Việt Nam trở về từ Guinea Xích đạo.

Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam Kidong Park nhận định, diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới hiện vẫn khủng hoảng và chưa có hồi kết.

Bên cạnh đó, tiến sỹ Kidong Park tôn trọng quyết định đón công dân Việt Nam từ các vùng dịch trở về thời gian tới với chuyến bay đón hơn 200 công dân từ vùng Guinea Xích đạo, trong đó có khoảng 120 trường hợp dương tính virus SARS-CoV-2. Tiến sỹ Kidong Park đánh giá việc đón các ca bệnh trở về từ nước ngoài thể hiện chính sách nhân đạo, sự quan tâm kịp thời của Chính phủ Việt Nam trong việc đón đồng bào.

Từ ngày 10/4 đến 29/7/2020, các cơ quan chức năng của Việt Nam cùng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp với cơ quan chức năng của các nước tổ chức gần 70 chuyến bay đưa hơn 16.000 công dân ở gần 50 nước tại 5 châu lục về nước do dịch.

Hoan thanh su menh chuyen bay khong de ai bi bo lai phia sau hinh anh 5Các bệnh nhân COVID-19 được đưa vào khu cách ly đặc biệt. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việc tổ chức các chuyến bay cứu hộ vừa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động, vừa thể hiện tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm tới công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 sáng 29/7/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận dịch bệnh COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp, đã nhiều ngày liền xuất hiện các ca nhiễm trong cộng đồng tại Thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố, chưa xác định được nguồn lây và có nguy cơ lây nhiễm tại nhiều địa phương trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn và các tỉnh lân cận Thành phố Đà Nẵng.

Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, các bộ, ngành, liên quan, lãnh đạo các địa phương đề cao trách nhiệm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Đặc biệt, các đơn vị trên triển khai thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư (trong đó có Điện ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Thường trực Ban Bí thư), các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, bảo vệ tốt nhất tính mạng và sức khỏe nhân dân./.

Dịch COVID-19: Đưa 350 công dân Việt Nam tại Nhật Bản về nước an toàn
Ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài, những người tham gia chuyến bay đã được giám sát y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư