Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Hoàn thiện hành lang pháp lý, khai thác tối đa tài nguyên nước
Nguyễn Lê - 27/04/2023 11:39
 
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, chưa nên đưa nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa vào phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi.
.
GS.TS Lê Hồng Hạnh phát biểu tại hội thảo.

Sáng 27/4, tại Vĩnh Phúc, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Tổ chức Hanns Seidel tổ chức hội thảo một số vấn đề về Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Đây là dự án luật dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm (khai mạc ngày 22/5 tới).

Mục đích lần sửa đổi này là hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm.

Đồng thời phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.

Chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các chính sách về: giá nước, thuế, phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; đẩy mạnh xã hội hoá cũng nằm trong mục đích lần sửa đổi này.

Tài nguyên nước phải là cốt lõi trong xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch dân cư, quy hoạch các ngành, lĩnh vực có khai thác sử dụng nước, hoạch định chiến lược phát triển đất nước, cơ quan soạn thảo nêu rõ quan điểm xây dựng luật.

Vấn đề đầu tiên được bàn thảo tại hội thảo là phạm vi điều chỉnh của Dự thảo. Cụ thể, điều 1 Dự thảo quy định: Luật này quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước CHXHCN Việt Nam. Nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này”.

Nhiều ý kiến chuyên gia cũng đồng tình không đưa nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa vào phạm vi điều chỉnh của Dự thảo.

Nhấn mạnh phạm vi điều chỉnh là vấn đề cực kỳ quan trọng, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam cho biết, chưa thấy quốc gia nào đặt vấn đề quản lý nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế. Quản lý ở đất liền đã khó chưa nói biển khơi, mở rộng phạm vi điều chỉnh có khi lợi bất cập hại, ông Tiến nhìn nhận.

Đại diện cơ quan soạn thảo, ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ phạm vi điều chỉnh của Dự thảo.

Liên quan đến áp dụng Luật Tài nguyên nước và các luật có liên quan, vấn đề lớn tiếp theo của lần sửa đổi này, GS.TS Lê Hồng Hạnh, Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển của Hội Luật Gia Việt Nam nhận xét, pháp luật về tài nguyên nước và pháp luật về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo chứa đựng nhiều khoảng trống nhưng lại có sự chồng lấn.

Theo vị chuyên gia này, nội dung của pháp luật hiện hành về tài nguyên nước chưa được xác định một cách chính xác để từ đó xác định đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước năm 2012. Chính vì vậy, nội dung của Luật Tài nguyên nước chứa đựng nhiều vấn đề được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành khác như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo. Pháp luật tài nguyên nước hiện hành cần có cách tiếp cận tích hợp. Đáng tiếc là điều này chưa có được trong pháp luật về tài nguyên nước.

Lần sửa đổi này, theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, cần định hình được các chính sách về tài nguyên nước với mục tiêu là đảm bảo phúc lợi của tất cả mọi người và tính bền vững của tài nguyên nước.

Báo cáo phục vụ hội thảo của Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan chủ trì soạn thảo - cho biết, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hạn chế mức thấp nhất sự giao thoa, chồng chéo, Bộ này đã xây dựng dự thảo theo hướng quy định tất cả các nội dung về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra đã được quy định tại các luật khác, đồng thời quy định rõ quản cái gì, quản như thế nào và ai quản.

Theo đó, Dự thảo Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Tài chính... theo đúng chức năng nhiệm vụ đã được giao tại các luật có liên quan đến tài nguyên nước để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Bên cạnh nội dung trên, trong thời gian một ngày, hội thảo sẽ bàn về về vai trò cộng đồng dân cư; điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; về quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho Tài nguyên nước; các quy định về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, thanh tra, giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước và nội dung về sử dụng nước tuần hoàn cũng sẽ được đặt ra tại hội thảo.

Hợp tác bảo vệ nguồn tài nguyên nước thông qua Chương trình “Mizuiku - Em yêu nước sạch”
Chương trình “Mizuiku – Em yêu nước sạch” năm 2023 đã chính thức được khởi động.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư