Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 29 tháng 04 năm 2024,
Hoàn thuế xe tải tự đổ: tiền nhiều nhưng chưa công bằng
Thanh Hương - 28/08/2013 13:27
 
Vào cuối tháng 7/2013, Bộ Tài chính đã có báo cáo phương án xử lý hoàn thuế với xe tải tự đổ có tổng trọng lượng trên 24 tấn nhưng không quá 45 tấn được nhập khẩu trong giai đoạn 2006-2010. Theo tính toán của Bộ này, ngân sách nhà nước sẽ phải chi ra hơn 200 tỷ đồng để hoàn thuế.

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa yêu cầu Bộ Tài chính căn cứ theo quy định hiện hành về thuế xuất nhập khẩu để xử lý vấn đề áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu với ô tô tải tự đổ có tải trọng trên 25 tấn nhưng không quá 45 tấn. Việc xử lý này phải đảm bảo bình đẳng, thống nhất giữa các doanh nghiệp.

Trước đó, vào cuối tháng 7/2013, Bộ Tài chính đã có báo cáo phương án xử lý hoàn thuế với xe tải tự đổ có tổng trọng lượng trên 24 tấn nhưng không quá 45 tấn được nhập khẩu trong giai đoạn 2006-2010.

Theo tính toán của Bộ này, ngân sách nhà nước sẽ phải chi ra hơn 200 tỷ đồng để hoàn thuế. Tuy nhiên điều quan trọng hơn là, đây có thể chưa phải là con số cuối cùng, bởi có những doanh nghiệp đã phản đối sự chưa công bằng trong đề xuất hoàn thuế này của Bộ Tài chính.

Theo kiến nghị của Bộ Tài chính, mức thuế suất thuế nhập khẩu 10% đối với xe ô tô tải tự đổ sẽ được áp dụng trong giai đoạn từ 1/1/2008 đến 21/12/2009 và không xử lý lại các trường hợp phát sinh trong các giai đoạn 2006-2007 và từ 22/12/2009 đến 25/4/2010.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, không phải tất cả doanh nghiệp nhập khẩu xe tải tự đổ giai đoạn 2006-2010 đều được hoàn thuế

Như vậy, theo đề xuất này, không phải tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu xe tải tự đổ trong giai đoạn 2006-2010 sẽ đều được hoàn thuế.

Được hưởng lợi nhất theo phương án xử lý hoàn thuế mới mà Bộ Tài chính đưa ra là doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường, với số lượng xe nhập khẩu trong giai đoạn từ 1/1/2008 đến 21/12/2009 là 250 xe và số thuế phải hoàn theo mức 10% là 26,6 tỷ đồng.

Đáng nói là trước đó, việc hoàn thuế cho Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường đã tốn nhiều thời gian tranh cãi giữa doanh nghiệp với cơ quan chức năng và nội bộ cơ quan hữu trách với nhau, bởi không thống nhất được việc phân loại hàng hóa.

Sự việc bắt đầu từ khi Doanh nghiệp Tư nhân Xuân Trường nhập khẩu tổng cộng 320 xe tải tự đổ hiệu Hyundai HD270 (Hàn Quốc) và Hino FM1JLUD (Nhật Bản) và đã nộp thuế ở mức 20%.

Tuy nhiên, khi Bộ Tài chính có văn bản 8487/BTC-CST, xử lý thuế với ô tô tải tự đổ loại (trên 24 tấn và không quá 45 tấn) nhắc tới các tờ khai từ ngày 22/12/2009 đến hết ngày 25/4/2010 và đã thu thuế nhập khẩu 20%, thì được áp dụng mức thuế 10% thì Xuân Trường xin tính lại thuế nhập khẩu mức 10% với 70 xe nhập khẩu giai đoạn này và đã được cơ quan hải quan địa phương chấp thuận.

Đặc biệt, doanh nghiệp còn cho rằng, theo văn bản 7077/BTC-CST (ngày 2/6/2010) của Bộ Tài chính và Văn bản 3961/VPCP-KTTH (ngày 9/6/2010), thì 250 xe tải mà Xuân Trường đã nhập khẩu trong thời gian từ ngày 1/1/2008 đến 21/12/2009 cũng phải được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu là 10%, thay vì mức đã nộp là 20%.

Cục Hải quan Thanh Hóa cũng đã tính tới việc áp thuế nhập khẩu là 16% với xe nhập khẩu trong năm 2008 và 14% với xe nhập khẩu năm 2009, thay vì 20% mà Xuân Trường đã nộp.

Nhưng vào cuối tháng 1/2013, Tổng cục Hải quan đã nhắc nhở Cục Hải quan Thanh Hóa kiểm tra, rà soát lại việc phân loại mặt hàng xe ô tô tải tự đổ có tổng trọng lượng có tải trên 25 tấn đến không quá 45 tấn của Xuân Trường và xử lý truy thu, truy hoàn theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Tổng cục Hải quan, các xe ô tô tải tự đổ nhãn hiệu HINO FM1JLUD và Hyundai HD270 do Xuân Trường nhập khẩu, qua kiểm tra thực tế lại không đáp ứng các quy định hiện hành theo chú giải HS nhóm 8704 và Công văn số 10565/BTC-CST. Như vậy các xe ô tô tải tự đổ do Xuân Trường nhập khẩu không đủ điều kiện để được phân loại vào phân nhóm 8704.10. Nghĩa là không đủ điều kiện để được hưởng thuế thấp hơn mức 20% như đã nộp trước đó.

Cũng theo thống kê của hải quan đến ngày 30/5/2013, trong giai đoạn từ 1/1/2008 đến 21/12/2009, một số doanh nghiệp đã được áp dụng mức thuế suất 10%. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp khác bị áp mức thuế suất nhập khẩu trên 10%. Cụ thể, trong tổng số 133 doanh nghiệp nhập khẩu xe tải tự đổ có 98 doanh nghiệp nhập khẩu 2.145 xe và đã nộp thuế nhập khẩu theo các mức thuế suất trên 10%.

Số thuế nhập khẩu của các doanh nghiệp này nếu được hoàn khi tính lại theo mức thuế suất 10% lên tới 203,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Công ty Hoàng Trà, một doanh nghiệp có nhập khẩu xe tải tự đổ loại này lại vừa cho rằng, Bộ Tài chính cần phải cho cả các xe tải tự đổ nhập khẩu trong giai đoạn 2006-2007 đã nộp thuế ở mức 20% được hưởng.

“Điều này sẽ tạo sự minh bạch, nhất quán, đúng quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Cảnh Tuấn, Giám đốc Công ty Hoàng Trà cho hay.

Theo dẫn chứng của Công ty Hoàng Trà, năm 2007, một số doanh nghiệp đã nộp thuế nhập khẩu xe tải tự đổ loại này ở mức 20% và đã được hải quan tỉnh Lạng Sơn cho hoàn thuế ở mức 10%. Đó là Công ty cổ phần Thu Ngân với 8 tờ khai, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Quảng Tây, Công ty xuất nhập khẩu Thụy Trạch, Công ty cổ phần thiết bị phụ tùng Đà Nẵng…

Số tiền mà công ty Hoàng Trà có thể nhận được nếu được hoàn thuế 10% trong giai đoạn 1/1/2008 đến 21/12/2009 là 580 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu giai đoạn 2006 – 2007 với mức thuế chỉ còn 10%, Công ty Hoàng Trà có thể được hoàn tới 19 tỷ đồng thuế nhập khẩu.

Với thực tế này tại các doanh nghiệp nhập khẩu xe tải tự đổ, câu chuyện hoàn thuế mà Bộ Tài chính đang đặt ra cho thấy, ngân sách không chỉ tiêu tốn hơn 200 tỷ đồng cho việc hoàn thuế vẫn còn đang gây tranh luận giữa các bên liên quan, mà còn tạo ra sự không bình đẳng giữa các doanh nghiệp cùng nhập khẩu một mặt hàng trong cùng giai đoạn. Nhất là trong thời điểm các cấp, các ngành, các địa phương đang dốc sức để tìm kiếm nguồn thu để đạt được kế hoạch thu ngân sách đặt ra.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư