Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 07 năm 2024,
Hoang tàn cung đường nghỉ dưỡng ở Phan Thiết
Gia Huy - 17/07/2024 08:17
 
Năm 2015, khi thông tin xây dựng sân bay Phan Thiết (Bình Thuận) được công bố, cung đường Võ Nguyên Giáp dài 20 km từ TP. Phan Thiết tới Mũi Kê Gà xuất hiện hàng trăm khu resort, khách sạn nghỉ dưỡng… Tuy nhiên, tới nay, những dự án này đang bỏ hoang.
Dự án Golden Peak Resort & Spa hoang tàn sau khi dừng hoạt động
Dự án Golden Peak Resort & Spa hoang tàn sau khi dừng hoạt động.

Tan hoang cung đường du lịch

Đường Võ Nguyên Giáp (Phan Thiết) được mệnh danh là cung đường biển đẹp nhất phía Nam, với một bên là biển, một bên là núi, cây xanh cùng cát trắng. Cung đường này nối TP. Phan Thiết với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thế nhưng, hiện nay, khi đi dọc cung đường này, cảnh tan hoang của những khu nghỉ dưỡng và khách sạn nằm sát biển khiến du khách không khỏi bùi ngùi.

Đơn cử, khu nghỉ dưỡng Golden Peak Resort & Spa, được quảng bá là resort 5 sao, với kiến trúc Việt và Pháp, đưa vào hoạt động từ năm 2016, song tới năm 2020, khu nghỉ dưỡng này đã dừng hoạt động, chủ đầu tư bỏ hoang. Sau đó, năm 2022, bán lại cho Công ty TNHH Đầu tư Hưng Lộc Phát. Hiện Công ty Hưng Lộc Phát cũng đang chào bán lại khu nghỉ dưỡng này.

Hay như Dự án Đồi Sứ Resort, hoạt động từ năm 2015, hiện cũng bỏ hoang. Dự án này từng tự hào là khu nghỉ dưỡng đầu tiên lại cung đường du lịch triệu đô, với quy mô 10 ngôi nhà gỗ sinh thái cao cấp và 22 phòng VIP, 74 phòng khách sạn. Tuy nhiên, từ năm 2019 tới nay, dự án bị chủ đầu tư dừng hoạt động và chào bán.

Cạnh Dự án Đồi Sứ là Dự án Feng Shui Resort & Spa, đưa vào hoạt động năm 2014. Dự án này có vị trí rất đẹp, một bên là biển, một bên là núi, diện tích hơn 4 ha, xây dựng phỏng theo kiến trúc phố cổ Hội An, nhưng cũng dừng hoạt động từ lâu và các căn nhà đang xuống cấp.

Dự án Khu nghỉ dưỡng Eco Spa Village Phan Thiết cũng chung cảnh ngộ. Được đầu tư xây dựng trên diện tích hơn 5 ha, hiện trong cảnh hoang vắng.

Năm 2015, khu nghỉ dưỡng Cánh buồm xanh Resort được đầu tư và đưa vào hoạt động, với phong cách xây dựng là những căn biệt thự nghỉ dưỡng, song hiện khu nghỉ dưỡng này chỉ còn là những căn nhà xuống cấp, cỏ mọc um tùm.

Ngoài ra, các khu Tiến Phú Resort, Ánh Dương Resort, Resort Đồi phong lan, Khu du lịch Thế giới xanh, Khu du lịch Ngọc Minh, Khu du lịch Nhất Minh, Khu du lịch sinh thái Hòn Lan Resort và Khu du lịch sinh thái Sài Gòn Hòn Lan… cùng hàng trăm dự án khác cũng bị bỏ hoang.

Không chỉ dự án cũ, nhiều dự án mới đang được các doanh nghiệp đầu tư cũng phải dừng triển khai, dẫn tới cảnh tan hoang như Dự án Unique Kega Camping, diện tích 6.000 m2, quy mô 30 phòng, theo chuẩn 4 sao, sức chứa 800 khách; Dự án Costamigo, quy mô 12,5 ha, cung ứng ra thị trường hơn 700 sản phẩm đủ loại gồm 600 khách sạn cao cấp, 30 căn shophouse và 96 villa. Các dự án này đều đã xong phần thô và đang “đắp chiếu”.

Một dự án khác là Khu nghỉ dưỡng Aloha Beach Village, diện tích 15 ha, được quảng cáo là một quần thể gồm resort, khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp, với 3.200 căn condotel và biệt thự nghỉ dưỡng ven biển tiêu chuẩn 4 sao quốc tế, được mở bán từ năm 2017, nhưng từ năm 2020 đã “dừng hình”.

Chờ hồi phục

Theo ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Trần Anh Group - doanh nghiệp mới mua lại một khu resort tại cung đường Võ Nguyên Giáp và đang tiến hành xây dựng lại để đưa vào hoạt động cuối năm nay cho biết, thực tế, khu vực này đã được các nhà đầu tư phát triển từ năm 2000, đón đầu xu hướng du lịch nghỉ dưỡng. Nhiều nhà đầu tư đã tìm đến vùng đất ven biển Mũi Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam) xây dựng resort, nhưng phong trào này chỉ phát triển mạnh vào khoảng năm 2015 khi dự án sân bay Phan Thiết được công bố xây dựng. Tới nay, dự án sân bay vẫn chưa triển khai, còn tuyến đường cũng chưa được mở rộng.

Bên cạnh đó, năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng nổ, hoạt động du lịch đình đốn, khiến các chủ khu resort phải dừng hoạt động và rơi vào cảnh cạn kiệt tài chính, khó có thể hoạt động trở lại.

“Chưa kể, hiện khu vực này không có dự án vui chơi giải trí nào. Khách đến đây chủ yếu chỉ để tắm biển và nghỉ ngơi. Đây là một hạn chế khiến ngành du lịch không thể thu hút được khách, nhất là khách ngoại”, ông Vinh nói.

Cũng theo ông Vinh, khu vực này sẽ hồi phục trong khoảng 4 - 5 năm tới, khi sân bay Phan Thiết được xây dựng. Bên cạnh đó, ông Vinh kỳ vọng sẽ có các nhà đầu tư lớn đến xây dựng khu vui chơi, giải trí quy mô. Tỉnh Bình Thuận lập đề án phát triển kinh tế đêm, thì khu vực này sẽ “hồi sinh”.

Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận chia sẻ, tỉnh rất chú trọng phát triển các loại hình du lịch nghị dưỡng biển, du lịch thể thao biển, du lịch thể thao cát, golf... Loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển của Phan Thiết có sức cạnh tranh cao so với các tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước, thu hút nhiều khách nội địa vào các dịp lễ tết, ngày nghỉ cuối tuần. Du lịch thể thao biển, trượt cát... giúp kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của khách quốc tế khi đến Bình Thuận.  

Cũng theo ông Nhân, thời gian tới, tỉnh sẽ chú trọng việc phát triển các tổ hợp vui chơi, giải trí, ẩm thực để thu hút khách du lịch, giữ chân du khách lâu hơn.

Tương tự, ông Phan Nguyễn Hoàng Tân, Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết cho biết, cuối năm 2023, tỉnh Bình Thuận đã thông qua Đề án phát triển kinh tế ban đêm đến năm 2030, với mục tiêu thúc đẩy ngành dịch vụ, du lịch phát triển mạnh mẽ, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Từ đầu năm 2024 đến nay, các đơn vị liên quan đang triển khai thí điểm mô hình dịch vụ, sản phẩm phục vụ kinh tế ban đêm tại TP. Phan Thiết. Hy vọng, trong tương lai không xa, du lịch Bình Thuận nói chung, Phan Thiết nói riêng sẽ cất cánh, các dự án sẽ tấp nập trở lại.

Đã có nhà đầu tư xây trạm dừng nghỉ Km47+500 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Trạm dừng nghỉ Km47+500 thuộc Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được xây dựng tại xã Xuân Hoà,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư