Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Hoạt động của hội đồng nhân dân ngày càng chủ động, thực chất
Nguyễn Lê - 21/02/2022 11:08
 
Llần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì tổ chức tổng kết hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
.
Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Thị Thanh trình bày báo cáo.

Sáng 21/2, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì tổ chức tổng kết hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hội nghị này dành cho các tỉnh khu vực phía Bắc, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức 2 hội nghị tiếp theo trong tháng 3/2022 đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại khu vực miền Trung và khu vực miền Nam.

Báo cáo tổng kết về tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 được Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Thị Thanh trình bày.

Bà Thanh cho biết, nhiệm kỳ 2021-2026 cử tri đã bầu được 3.721 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 22.550 đại biểu HĐND cấp huyện, 239.788 đại biểu HĐND cấp xã.

Tại kỳ họp thứ nhất, lãnh đạo Quốc hội và một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đến dự kỳ họp thứ nhất của HĐND cấp tỉnh, chỉ đạo, gợi mở nhiều vấn đề để HĐND có thể phát huy những lợi thế của địa phương, khắc phục những hạn chế, bảo đảm cùng với cả nước thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép, vừa hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội và phòng chống dịch Covid-19, với phương châm tính mạng của người dân là trên hết, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Vì vậy, tại kỳ họp này, nhiều địa phương ngoài việc xem xét các nội dung về công tác tổ chức, bộ máy và cán bộ còn xem xét, quyết định một số giải pháp phòng chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của địa phương.

Phương thức tổ chức kỳ họp cũng thích ứng, linh hoạt với điều kiện mới, nhiều địa phương đã làm việc khẩn trương, làm việc ngoài giờ để rút ngắn thời gian nhưng chất lượng được bảo đảm, hiệu quả được nâng lên. 

Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp có nhiều đổi mới rõ rệt, mang dấu ấn mạnh mẽ như tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách theo quy định của pháp luật; Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND các cấp đều tham gia cấp ủy địa phương ; chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND được chú trọng; nhiều tỉnh đã ban hành đề án “nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp”.

Hoạt động của HĐND ngày càng chủ động, thực chất trên cơ sở bám sát các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, phát huy trí tuệ của tập thể, sự đóng góp của các chuyên gia; tăng cường sự phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức hữu quan trên tất cả các mặt công tác; áp dụng công nghệ thông tin để tổ chức “kỳ họp, phiên họp không giấy” từ năm 2019, có địa phương đã chỉ đạo thực hiện tới cấp huyện như thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên...

Hoạt động giám sát của HĐND các cấp đã bảo đảm công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc, nội dung giám sát bám sát với yêu cầu thực tiễn, góp phần hoàn thiện thể chế và đưa pháp luật vào cuộc sống, củng cố và tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, bà Thanh khái quát.

Đánh giá chung, theo báo cáo, năm 2021 mặc dù dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, nhưng HĐND với sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo kế hoạch công tác năm 2021.

Báo cáo cũng nêu một số tồn tại, hạn chế, như hiệu quả của công tác giám sát chưa cao, trong đó giám sát chuyên đề, hoạt động tái giám sát còn ít. Việc thực hiện cam kết sau chất vấn và kết luận sau giám sát của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế, việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện cam kết, kết luận chưa thường xuyên.

Với năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu khắc phục cho được tình trạng tiếp xúc “đại cử tri”, tổ chức giám sát, chất vấn, giải trình, cách thức điều hành phiên họp dân chủ, khoa học, trách nhiệm Công tác giám sát tổ chức theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu phát huy hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố. Tăng cường sự gắn kết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội với HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND để phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan dân cử.

Sau báo cáo chung, hội nghị nghe tham luận của Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố.

Theo chương trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu kết luận Hội nghị.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư