Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Học Bác Hồ dùng cán bộ
Bá Thư - 19/05/2015 14:07
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đặc biệt quan tâm tới sự nghiệp “trồng người” vì “lợi ích trăm năm”, mà còn là tấm gương sáng với Tâm, Tầm, Tài trong thu hút, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp, giai cấp đem tài trí phụng sự cách mạng.
TIN LIÊN QUAN

Người từng dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc có thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Trong Di chúc, Người không quên nhắc nhở: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một công việc rất quan trọng và rất cần thiết” và “Đảng phải luôn nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”. Tư tưởng đó thể hiện xuyên suốt trong sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ảnh: ST
Ảnh: ST

 

Trước hết, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, chuẩn bị các công việc để ra mắt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, Người đã quan tâm tới việc kêu gọi người tài “xuất thân giúp nước”. Với tầm nhìn xa và tất cả sự cầu thị, trọng thị, Bác đã làm được việc phi thường là mời các nhân sĩ, trí thức, những người ở các cương vị, đảng phái, tôn giáo khác nhau cùng “ghé vai gánh việc nước”.          

Đó là những tên tuổi lớn như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Đại Nghĩa, Bùi Bằng Đoàn… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành trung tâm, là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, giúp cách mạng nước nhà đứng vững trong thời khắc vô vàn khó khăn buổi ban đầu ấy.

Ở bình diện rộng hơn, Bác hướng về nhân dân, thể hiện mong mỏi “tìm người tài đức” trong toàn dân tham gia kiến thiết đất nước, bởi Người tin rằng “trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức”. Trong văn bản đăng trên Báo Cứu quốc đầu năm 1946, với cương vị Chủ tịch nước, Bác tự nhận khuyết điểm “nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân”. Và nay “muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”.

Hiếm có vị lãnh tụ nào, ngay những ngày đầu nắm chính quyền đã hướng tới nhân dân, tập hợp sức mạnh toàn dân bằng thái độ trọng thị mà chân thành như thế.

Trọng người tài, Bác Hồ còn rất thành công trong “dụng người tài”, với quan điểm trung tâm vẫn là sự đoàn kết nhất trí vì sự nghiệp chung và dùng đúng người, giao đúng việc. Bác ví việc này như thể nếu không biết tùy tài mà giao việc, thì chẳng khác gì “thợ rèn bảo đi đóng tủ, thợ mộc bảo đi rèn dao”, khiến cả hai đều lúng túng.

Về đề bạt cán bộ - một trong những khâu khó khăn khi dùng cán bộ, Bác căn dặn phải là “vì công tác, vì tài năng”. Nếu “vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang” thì nhất định không ai phục, mà lại gây nên mối lôi thôi trong Đảng, là “có tội với Đảng, có tội với đồng bào”.

Người cũng căn dặn, tiêu chuẩn để lựa chọn, cất nhắc cán bộ, trước hết phải là những công dân tốt, “yêu nước, thương nòi, trọng lẽ phải, chuộng công bằng, biết gắn lợi ích chung của cộng đồng xã hội, phục tùng lợi ích tối cao của Tổ quốc”.

Quan điểm về tìm kiếm, lựa chọn và sử dụng cán bộ của Bác đến nay vẫn là bài học quý giá, nóng bỏng tính thời sự đối với sự nghiệp phát triển đất nước và được Đảng, Nhà nước ta kế thừa, phát triển. Tại Đại hội XI, Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ…; đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ... sử dụng đúng cán bộ trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy trình đã được bổ sung, hoàn thiện, lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu”.

Tìm hiểu thêm, học cách Bác Hồ dùng cán bộ luôn là yêu cầu đặt ra trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, nhất là trong bối cảnh hiện nay, bởi đây là công việc liên quan đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển đất nước. Tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) mới đây, khi cho ý kiến, thảo luận và quyết định phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đặc biệt quan tâm tới vấn đề này và nhấn mạnh rằng, phải lựa chọn cán bộ sáng suốt để Ban Chấp hành Trung ương thực sự là bộ tham mưu chiến đấu kiên cường, hạt nhân lãnh đạo chính trị, là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư