Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Học viện Quân y lấy kit test của Việt Á để nghiệm thu
Huệ Nguyễn - 29/12/2023 07:24
 
Tại tòa, bị cáo Phan Quốc Việt khai, khi thử nghiệm, kit xét nghiệm của Việt Á tốt hơn của nhóm nghiên cứu thuộc Học viện Quân y, nên đã được đưa ra để nghiệm thu, cấp phép sản xuất.

“Chỉ biết Việt Á đủ điều kiện”

Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội bắt đầu phiên xét xử sơ thẩm đối với 7 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Học viện Quân y, liên quan tới Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á).

Trong 7 bị cáo hầu tòa, có 4 người là cựu cán bộ của Học viện Quân y, gồm: cựu Thượng tá Hồ Anh Sơn, cựu Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự; Nguyễn Văn Hiệu, cựu Trưởng phòng Trang bị vật tư; Ngô Anh Tuấn, cựu Trưởng phòng Tài chính; Lê Trường Minh, Trưởng ban Hóa dược, Phòng Trang bị - Vật tư.

Cùng bị xét xử trong vụ án này còn có Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á; Vũ Đình Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á; Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế - kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Hồ sơ vụ án thể hiện, năm 2020, khi Covid-19 bùng phát, Học viện Quân y đề xuất nhiệm vụ phát triển kit xét nghiệm và được Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập hội đồng để thông qua, giao đề tài cho Học viện Quân y (đề tài cấp Nhà nước), với kinh phí gần 19 tỷ đồng, thời gian thực hiện 18 tháng, do Hồ Anh Sơn là chủ nhiệm đề tài.

Trịnh Thanh Hùng yêu cầu Sơn đưa Công ty Việt Á vào cùng nghiên cứu, thực hiện đề tài trên và được Học viện Quân y phê duyệt.

Trình bày trước Hội đồng Xét xử về lý do đưa Công ty Việt Á tham gia đề tài, bị cáo  Hùng nói, do Học viện Quân y chỉ có chức năng nghiên cứu, không có chức năng sản xuất, nên phải tìm đơn vị đủ điều kiện phối hợp thực hiện. Để sản phẩm được cấp phép sản xuất, đơn vị phải có chứng chỉ ISO 13485, mà bị cáo chỉ biết Công ty Việt Á đáp ứng yêu cầu, nên đã mời Phan Quốc Việt tham gia. Gần hết thời hạn được giao nghiên cứu, nhận thấy kết quả nghiên cứu của Công ty Việt Á tốt hơn, nên các bị cáo đã chọn phương án này để báo cáo, làm hồ sơ trình các đơn vị liên quan.

Tổ chức nghiệm thu mang tính hình thức

Ngày 9/2/2020, nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y bước đầu tìm ra quy trình chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR sử dụng gene đích là P và E và real-time RT-PCR; sử dụng gene đích là P phát hiện vi rút SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm.

Ngày 10/2/2020, Hồ Anh Sơn ký biên bản bàn giao quy trình chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR cho  Việt Á để sản xuất thử nghiệm theo yêu cầu của đề tài, nhưng không có nội dung chi tiết về công thức mồi và mẫu dò.

Tuy nhiên, trước đó, Hồ Thị Thanh Thủy, Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á (vợ của Phan Quốc Việt) đã nghiên cứu quy trình sản xuất kit xét nghiệm sử dụng gene đích là N phát hiện vi rút SARS-CoV-2 và đặt mua các hóa chất để sản xuất kit phát hiện vi rút SARS-CoV-2 rồi mang các bộ kit ra Hà Nội để đánh giá chất lượng.

Theo lời khai của Phan Quốc Việt và Hồ Thị Thanh Thủy, khi chạy thử nghiệm cả 2 loại kit xét nghiệm này, kết quả là bộ kit của Công ty Việt Á có chất lượng tốt hơn, do đó đã được đưa ra để nghiệm thu, cấp phép sản xuất; trong khi quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y không có sản phẩm để nghiệm thu, dẫn đến đề tài không hoàn thành.

Sau khi Việt báo cáo kết quả này, Trịnh Thanh Hùng yêu cầu Hồ Anh Sơn làm văn bản gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị phối hợp thử nghiệm bộ kit do Công ty Việt Á đưa đến.

Kết quả, sau khi Hội đồng nghiệm thu kết quả do Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập, đã thông qua quy trình do Học viện Quân y nghiên cứu, nhưng dựa trên kết quả đánh giá bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á cung cấp; đồng thời kiến nghị Bộ Y tế xem xét cấp phép để sử dụng phòng, chống dịch và sau đó lần lượt được cấp số đăng ký tạm thời, chính thức.

Viện Kiểm sát đánh giá, việc tổ chức nghiệm thu như trên chỉ mang tính hình thức và không đúng bản chất, vì sản phẩm không được sản xuất theo quy trình nghiên cứu và cũng không rõ nguồn gốc.

Cùng với đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho biết, công thức về quy trình chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR, real-time RT-PCR của Công ty Việt Á không phải được tối ưu từ quy trình của Học viện Quân y.

Liên quan số tiền gần 19 tỷ đồng ngân sách nhà nước đã chi cho đề tài trên, đại diện Học viện Quân y cho biết, đã chuyển Công ty Việt Á 10,8 tỷ đồng và chuyển ông Hồ Anh Sơn gần 7,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại diện Công ty Việt Á cho rằng, chỉ nhận được 1 tỷ đồng, chứ không phải số tiền như Học viện Quân y đưa ra.

Truy tố 2 cựu Bộ trưởng và 36 bị can liên quan Công ty Việt Á
Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố các bị can trong vụ án liên quan tới Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và một số bộ,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư