Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Hối lộ khu vực công vẫn nổi cộm
Phương Anh - 14/04/2015 15:36
 
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI 2014) vừa được công bố sáng nay cho thấy, tham nhũng và công bằng trong tuyển dụng trong khu vực công vẫn là vấn đề nổi cộm.
TIN LIÊN QUAN

Chỉ số PAPI 2014 được Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng - CECODES (thuộc Liên hiệp Các hội KH-KT Việt Nam), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam phối hợp với Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố sáng 14/4 tại Hà Nội. Chỉ số PAPI bắt đầu tiến hành thu thập từ năm 2011, với tổng cộng 14.000 người dân được khảo sát.

Kết quả khảo sát cho thấy, hối lộ trong khu vực công vẫn có xu hướng gia tăng
Kết quả khảo sát cho thấy, hối lộ trong khu vực công vẫn có xu hướng gia tăng

 

 

PAPI 2014 cho thấy, kể từ năm 2011, chính quyền các tỉnh/thành phố miền Trung và phía Nam được người dân đánh giá về hiệu quả kiểm soát tham nhũng cao hơn so với các tỉnh phía Bắc. Qua bốn năm khảo sát liên tiếp, từ năm 2011 đến năm 2014, Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Bình Định đứng trong nhóm đạt điểm cao nhất. Hà Nội và Hải Phòng đứng trong nhóm đạt điểm thấp nhất.

Trong 8 vùng địa lý, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được người dân đánh giá tốt hơn cả. Việc đảm bảo tốt hơn công bằng trong tuyện dụng nhân lực vào khu vực công đóng góp phần nhiều vào điểm số cao hơn của các tỉnh trong vùng. Trong khi đó, đây là lý do khiến các tỉnh vùng Tây Bắc, Đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên đạt điểm thấp hơn.

Trong 4 năm qua, tỉnh tăng điểm nhiều nhất trong chỉ tiêu kiểm soát tham nhũng là Quảng Ngãi, Quảng Trị. Nhóm đầu bảng được ghi nhận là Sóc Trăng, Vĩnh Long, Long An, Bình Định, Tiền Giang, Cà Mau, Bình Dương, An Giang, Quảng Bình. Trong khi đó, nhóm cuối bảng trong thời kỳ này là Đồng Nai, Lào Cai, Hà Nội, Kon Tum, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Giang. Trong số này, Thái Nguyên, Yên Bái, Hải Dương, Phú Yên là các địa phương giảm điểm nhiều.

Đây là kết quả phỏng vấn trực tiếp 13.522 người dân trong năm 2014. Cùng với đó, các chỉ số về nội dung kiểm soát tham nhũng, tham gia của người dân ở cấp cơ sở, công khai mnh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân và thủ tục hành chính đều giảm điểm so với lần nghiên cứu trước. Chỉ có duy nhất cung ứng dịch vụ công tăng nhẹ.

Liên quan đến tham nhũng và hối lộ trong khu vực công, khảo sát của PAPI cho thấy đây là vấn đề thường trực và có xu hướng gia tăng ở nhiều ngành, lĩnh vực. Năm 2014, có tới 49% người dân phải hối lộ khi xin việc vào cơ quan nhà nước; tỷ lệ này khi khám chữa bệnh ở bệnh viện công là 43%; khi làm thủ tục liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 33%; để học sinh tiểu học được quan tâm hơn là 30%; làm thủ tục xin cấp phép xây dựng là 23%...

Trung bình, số tiền mà người dân phải đưa ra để hối lộ tăng mạnh từ 5,59 triệu đồng năm 2011 lên đến 8,89 triệu đồng năm 2014.

Đặc biệt, công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công vụ vẫn còn là mục tiêu khó đạt được, mặc dù Việt Nam đã tiến hành cải cách khu vực công hơn 20 năm qua.

Trong bài phân tích của TS. Đặng Hoàng Giang, chuyên gia PAPI, kết quả cho thấy  điểm trung bình toàn quốc ở chỉ số nội dung công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực nhà nước rất thấp chưa đầy 1 điểm , thấp hơn gia trị trung bình của thang điểm từ 0,25-2,5.  Trong đó, tỉnh Bình Dương đã đạt điểm cao nhất với 1,49 điểm.

PAPI là công cụ hành chính sách phản ánh trải nghiệm của công dân, tập trung vào các chính quyền địa phương trong việc thực thi chức năng quản trị, hành chính công và cung cấp dịch vụ công.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư