Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Hội nghị GMS-6 và CLV-10: Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi
Thanh Huyền - 02/04/2018 08:42
 
Xác định động lực tăng trưởng cho khu vực đến từ doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo quốc gia thành viên Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) khẳng định cam kết tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
TIN LIÊN QUAN

Trọng tâm là kinh doanh, giao thương

Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS vào cuối tuần qua, với sự tham gia của 2.600 CEO, doanh nhân của 6 quốc gia GMS, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt nhấn mạnh: “Các bạn chính là nguồn động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế khu vực Mekong”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên toàn thể Hội nghị GMS-6 sáng 31/3.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên toàn thể Hội nghị GMS-6 sáng 31/3.

Là diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức nhân Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 và Hội nghị Cấp cao Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ 10, dựa trên sáng kiến của chủ nhà Việt Nam, Diễn đàn đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các quốc gia thành viên, các đối tác phát triển, cũng như cộng đồng doanh nghiệp

Tiểu vùng Mekong mở rộng là khu vực rộng lớn, với số dân 340 triệu người, bao gồm 5 quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc. Nếu tính tổng quy mô kinh tế của tất cả, thì đó là một “nền kinh tế” có quy mô GDP lên đến hơn 1.300 tỷ USD.

Theo ông Takehiko Nakao, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hợp tác trong khối GMS sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng hết các lợi thế công nghệ mang lại, đồng thời, tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo cơ hội chia sẻ những ý tưởng mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, nguồn lực mới cho phát triển, trước hết đến từ việc phát huy tốt nội lực của chính mình. Trong đó, mỗi nền kinh tế trong GMS cần tạo dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, để giải phóng mọi nguồn lực tiềm năng, sức sáng tạo của các doanh nghiệp, người dân.

“Phải chăng đó chính là nguồn lực mới và cũng là nền tảng cho thành công của hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế khu vực, thu hút sự hỗ trợ của các đối tác phát triển quốc tế và nguồn lực từ bên ngoài khác dành cho khu vực GMS và CLV của chúng ta”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý.

Cam kết từ những người đứng đầu

Để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh thông điệp “phát huy nội lực chính mình” của Việt Nam, đó là quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp. “Trong dòng chảy kinh tế đang kết nối các nền kinh tế khu vực Mekong, chúng tôi coi thành công của các bạn là thành công của chính mình”, Thủ tướng khẳng định.

Ủy viên Quốc Vụ viện, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Vương Nghị cho biết, gần đây, Trung Quốc đã đưa ra những kế hoạch cụ thể thúc đẩy phát triển, tiến hành cải cách và có những biện pháp chủ động phát triển nền kinh tế để tăng trưởng bền vững, chuyển dịch nhanh chóng hướng tới tăng trưởng chất lượng cao.

“Trung Quốc mở cửa và tạo cơ hội mới cho các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, thể hiện quyết tâm của Trung Quốc thúc đẩy tự do hóa thương mại, mở rộng thị trường dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài. Trung Quốc mở cửa trước hết đối với các quốc gia láng giềng, thúc đẩy cùng nhau hợp tác”, ông Vương Nghị nói.

Khẳng định Chính phủ Lào cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các quốc gia GMS trong thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, Thủ tướng Lào ThongLoun Sisoulith kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào các hoạt động kinh doanh ở khu vực, nỗ lực nâng cao tính cạnh tranh của các khu vực trong GMS và tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực như sáng tạo khoa học công nghệ, nâng cao năng suất.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho rằng, GMS cần liên kết chặt chẽ hài hòa hóa các khuôn khổ chính sách thúc đẩy liên kết thị trường chuỗi giá trị thành thị trường chung để tăng sức cạnh tranh. “Thái Lan đặt ưu tiên vào khuyến khích khu vực tư nhân, thúc đẩy kết nối hợp tác giữa các đối tác”, Thủ tướng Thái Lan cam kết.

Thay mặt các đối tác phát triển, ông Takehiko Nakao khẳng định, ADB cam kết ủng hộ mạnh mẽ GMS nhằm hỗ trợ phát triển và nâng cao sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân vào phát triển kinh tế khu vực.

Khẳng định những nguồn lực trên sẽ đem lại xung lực mới cho sự phát triển của GMS trong giai đoạn tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, “để xây dựng một khu vực GMS thịnh vượng, bền vững và hội nhập, chúng ta cần bảo đảm sự phát triển bền vững và hài hoà”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư