Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Hơn 1,3 triệu tấn đường đã được nhập khẩu về Việt Nam
Thế Hải - 10/11/2021 16:39
 
Lượng đường nhập khẩu 9 tháng năm 2021 đã vọt lên trên 1,3 triệu tấn, với tổng kim ngạch đạt 611 triệu USD, gần bằng với mức 1,5 triệu tấn của năm 2020.
Đường nhập khẩu vẫn gia tăng vào thị trường Việt Nam với sản lượng trên 1,3 triệu tấn 9 tháng 2021.
Đường nhập khẩu vẫn gia tăng vào thị trường Việt Nam với sản lượng trên 1,3 triệu tấn 9 tháng 2021

Hiệp hội Mía đường Việt Nam dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan cho hay, 9 tháng năm 2021, Việt Nam đã chi 611 triệu USD để nhập khẩu 1.318.330 tấn đường, cao hơn 30% so với cùng kỳ 2020 và tăng gần gấp hai lần so với đường sản xuất từ mía ở trong nước niên vụ 2020/21 (689.830 tấn), thấp hơn khá nhiều so với sản lượng của vụ trước là 763.931 tấn.

Nguồn đường nhập khẩu vẫn tăng mạnh, trong khi nhu cầu đường cho tiêu dùng trực tiếp và sản xuất đã giảm do tác động của dịch bệnh Covid-19 và thời tiết mưa nhiều, dẫn đến giá đường trong tháng 10 đã giảm nhiều so với tháng 9.

Với sản lượng vượt 1,3 triệu tấn trong 9 tháng qua, cho thấy, đường nhập khẩu vẫn đang chi phối rất mạnh thị trường đường trong nước.

Đáng nói, từ giữa tháng 6/2021, Bộ Công Thương đã ra quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan ở mức 47,64% trong 5 năm.

Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng đột biến trong năm 2020 đạt hơn 1,5 triệu tấn, trong đó, đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho hay, dù thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đã áp với đường mía Thái Lan, nhưng từ đầu năm đến nay tiếp tục xảy ra hiện tượng bất thường trong nhập khẩu đường vào Việt Nam từ một số quốc gia ASEAN.

Số liệu nhập khẩu của cơ quan hải quan cho thấy lượng nhập khẩu đường được khai báo là có xuất xứ từ 5 nước ASEAN nói trên trong giai đoạn sau khi Việt Nam khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường mía từ Thái Lan (từ tháng 10 năm 2020 đến tháng 6 năm 2021) đã tăng mạnh so với giai đoạn 9 tháng trước đó.

Cụ thể, lượng nhập khẩu tăng từ 107.600 tấn lên 527.200 tấn. Trong khi đó, lượng nhập khẩu đường có xuất xứ từ Thái Lan vào Việt Nam đã giảm gần 38%, từ 955.500 tấn xuống còn 595.000 tấn.

Đến tháng 9/2021, từ Hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước và Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 2171/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp ) đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan bị cáo buộc lẩn tránh thông qua 05 nước ASEAN gồm: Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar.

Tại Hội nghị toàn thể hội viên năm 2021 do Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) tổ chức trung tuần tháng 10/2021, VSSA thông tin, trong số 41 nhà máy của ngành mía đường thì đến nay chỉ còn 24 nhà máy đang hoạt động, 17 nhà máy còn lại đã ngừng sản xuất hoặc phá sản.

VSSA cũng cho hay, niên vụ mía đường 2020/2021 là niên vụ có sản lượng mía tiêu thụ, đưa vào chế biến thấp nhất trong 20 vụ gần đây.

Mía đường “hồi sức” nhờ biện pháp phòng vệ thương mại
Việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường mía nhập từ Thái Lan đã tạo hiệu ứng tích cực cho ngành mía đường trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư