Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Hơn 270 triệu USD xây cầu Vàm Cống vượt sông Hậu
Anh Minh - 05/09/2013 15:02
 
Hợp đồng CW3A - xây dựng cầu chính và cầu dẫn cầu Vàm Cống vượt sông Hậu dài 2,97 km nối Đồng Tháp với Cần Thơ trị giá 212,3 triệu USD vừa được Bộ GTVT trao cho liên danh GS - Hanshin (Hàn Quốc) vào sáng nay.
TIN LIÊN QUAN
Cầu Vàm Cống sẽ được hoàn thành sau 48 tháng thi công

Đây là gói thầu xây lắp chính thuộc Dự án thành phần 3 (phần vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc) thuộc Dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông do Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng Giao thông Cửu Long, Bộ GTVT làm chủ đầu tư .

Theo đó, hợp đồng xây dựng gói thầu CW3A trị giá 212,28 triệu USD, bao gồm cầu chính (dây văng) dài 870 mét; cầu dẫn dài gần 2,1km, có quy mô bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ; vận tốc thiết kế 80Km/h; thời gian thi công là 48 tháng.

Dự án xây dựng cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu nối liền Quốc lộ 54 (thuộc địa phận huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) và tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (thuộc quận Thốt Nốt, Thành phố Cần Thơ), cách bến phà Vàm Cống hiện hữu khoảng 2,5km về phía hạ lưu và cách cầu Cần Thơ khoảng 48km về phía thượng lưu.

Dự án có tổng mức đầu tư là 271,58 triệu USD (tương đương 5.687 tỷ đồng Việt Nam), được sử dụng nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc (thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc - EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Tư vấn thiết kế và giám sát thi công Dự án cầu Vàm Cống là Liên danh giữa Công ty Tư vấn DASAN Consultants Co. Ltd. Công ty Tư vấn KUNHWA Consulting and Engineering Co. Ltd và Công ty Tư vấn PYUNGHWA Engineering Consultants Ltd. (Hàn Quốc); Nhà thầu xây dựng là Liên danh Công ty XDCT GS và Công ty XDCT Hanshin (Hàn Quốc) đảm nhiệm. Dự kiến thời gian thi công và hoàn thành dự án là 48 tháng.

Dự kiến, công trình sẽ được khởi công vào ngày 9/9/2013.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, việc đầu tư xây dựng cầu Vàm Cống sẽ tạo thuận lợi cho việc giao lưu hàng hóa giữa các tỉnh Tây Nam Bộ với Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, là động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Nam Bộ và của cả nước.

Đồng thời công trình này cũng là một dấu ấn quan trọng khẳng định sự hợp tác toàn diện là đối tác chiến lược giữa hai Nhà nước Việt Nam và Hàn Quốc.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư