Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 04 năm 2025,
Hỗn mang thế giới “cò” bất động sản - Bài 2: Miếng ngon không dễ tới tay khách
Ngô Nguyên - 11/04/2025 08:43
 
Hàng trăm chiêu thức được “cò” bất động sản gây náo loạn thị trường, mang lại sự ấm ức cho cả người bán và người mua.
Không chỉ môi giới bất động sản chuyên nghiệp và nghiêm túc, “cò” đất ngày nay khá rành công nghệ, pháp lý, quy hoạch, thậm chí cả kỹ năng marketing, khả năng hiểu tài chính từ lãi suất, dòng tiền, tỷ suất sinh lời, chi phí cơ hội.

Trong thế giới “cò”, càng công nghệ cao, càng kỹ năng mềm, thì lại càng “hỗn mang” với đủ cung bậc hỉ, nộ, ái, ố, đủ chiêu trò luồn cò, kênh giá, tạo sóng, giật mối; đủ bẫy giữa “cò” với nhau, với khách, với chủ đất.

Bài 2: Miếng ngon không dễ tới tay khách   

“Săn” gần một tháng trời, tôi cũng tìm được nền đất có vị trí khá tốt, mà theo tính toán, sẽ lời không ít sau một năm. Nhưng chưa kịp ra phòng công chứng để làm thủ tục đặt cọc, thì chúng tôi được chủ đất báo gấp là đã bán cho người khác. Người môi giới cho tôi bật ngửa khi phát hiện bị một nhóm “cò” lão luyện hớt tay trên.

“Cò vờn”

Như tâm lý bao người muốn có “tấc đất cắm dùi” không muốn bị “cò” lừa và kênh giá, tôi “lục tung” các website, hội nhóm Facebook và tìm cả những tờ rơi dán tại tường nhà có ghi “chính chủ bán đất” để tìm đất. Nhưng khi liên hệ với các số điện thoại gắn kèm lời rao đó, thì không ai là “chính chủ”, mà toàn là “cò”.

Nghe tôi phàn nàn, L.H.Minh (môi giới bất động sản) cười ngất và nói rằng: “99% chính chủ là… môi giới. Đố chủ nhà nào mà thoát khỏi tay môi giới, trừ bán cho người quen”.

Môi giới bất động sản “dàn hàng” rao bán đất tái định cư
Môi giới bất động sản “dàn hàng” rao bán đất tái định cư.

Minh bảo, làm môi giới bây giờ không còn kiểu “chờ thời”, ngồi đợi người quen gửi thông tin nhà đất cần bán. Từ nhân viên môi giới làm việc tại các sàn giao dịch bất động sản tới các “cò lẻ” (hành nghề độc lập) đều phải chủ động tìm kiếm thông tin để đa dạng “giỏ hàng” của mình. Kể cả khi chủ đất, chủ nhà còn chưa có ý định bán, thì “cò” đã gọi điện hoặc mò tới tận nơi để hỏi họ có muốn bán hay không và để lại thông tin liên hệ.

HAI NĂM KHÔNG BÁN ĐƯỢC NHÀ VÌ “CÒ”

Mới đây, trên một diễn đàn bất động sản lớn, anh L.T.Tấn bức xức chia sẻ lý do mình ác cảm với “cò” là bởi, sau đại dịch Covid-19, vì nợ nần, nên anh gọi “cò” tới bán căn nhà cấp 4 ở Long An với giá 1,2 tỷ đồng, hoa hồng 2%.

Mãi không thấy “nhúc nhích” gì, anh bèn hạ giá xuống 1,1 tỷ đồng. Lập tức, khách được “cò” dẫn tới xem nườm nượp, nhưng vẫn không ai chốt.

Hơn 2 năm mà chưa bán được nhà, anh bèn “muối mặt” đăng trên Facebook cá nhân việc mình bán nhà giá 1,2 tỷ đồng, thì bạn bè, người quen đến và muốn chốt ngay.

“Có người hỏi tôi, giá tốt vậy sao bán chậm. Lúc đầu, tôi nghĩ là do dịch bệnh, kinh tế khó khăn. Mãi tới hôm qua, tôi mới phát hiện, “cò” rao bán nhưng kênh giá lên 1,4 - 1,5 tỷ đồng, quá mắc (quá đắt - PV) so với giá trong khu vực, nên khách đến nhưng không ai ‘chốt’. Thú thực, tôi mất cảm tình với cò!”, Tấn viết.

Một trong những chiêu trò diễn ra khá phổ biến là các “cò” bắt tay nhau “vờn” chủ đất. Cụ thể, khi phát hiện “chính chủ” rao bán nhà đất, thậm chí tuyên bố “không tiếp môi giới”, các “cò” phân công nhau giả làm khách có nhu cầu mua, rồi kẻ gọi điện, người tới tận nơi để trả giá.

Có “cò” còn “chơi ác”, cứ nhè giấc trưa, hoặc lúc nắng gắt, trời mưa để hẹn tới xem nhà đất; hoặc hẹn chủ nhà, chủ đất ra phòng công chứng để ký kết đặt cọc, nhưng rồi tắt máy, mặc chủ đất ngồi chờ nửa ngày.

Cả tháng, thậm chí vài tháng bị vần vò như vậy, “chính chủ” dù thần kinh vững tới đâu cũng mệt mỏi, muốn hạ giá, muốn buông cho “cò” bán.

Còn với “cò”, chiêu này vừa tạo ra nguồn hàng, vừa nắm chính xác giá chủ đất muốn bán và khi chủ buộc phải thông qua mình, thì tùy tình hình mà kênh giá, tăng phí môi giới… Giới kinh doanh bất động sản gọi dạng này là “cò vờn”.

Những câu chuyện của Minh làm tôi chợt nhớ tới người bạn là N.T.Lệ (TP.HCM). Trước đây, Lệ nhờ bạn bè giúp đưa thông tin lên Facebook để bán căn nhà với giá 12 tỷ đồng, bớt tối đa 100 triệu đồng. Khi đăng bài và chia sẻ thông tin, tất cả chúng tôi đều ghi rõ “không tiếp môi giới”.

Sau 3 tháng, Lệ nhắn cho tôi: “Mình bán được rồi, nhưng thông qua ‘cò’, tốn phí môi giới gần 200 triệu đồng. Đến khi ký hợp đồng thì thương người mua, bị kênh giá lên gần 200 triệu đồng”.

Té ra, khi chúng tôi rao bán trên Facebook, ghi số điện thoại của 2 vợ chồng Lệ để khách tiện liên hệ, thì “cò” ập tới. Ngày cũng như đêm, cả thứ 7, Chủ nhật đều có khách gọi điện hoặc tới tận nơi để xem nhà, trả giá, nhưng khi vợ chồng Lệ gật đầu bán, hẹn ra công chứng làm thủ tục đặt cọc, thì “khách” lại nói vừa đặt cọc miếng khác, hoặc bảo chờ bàn với gia đình…

Bị “vờn” gần 2 tháng trời, vợ chồng Lệ cực chẳng đã, đành hạ giá xuống còn 11,7 tỷ đồng và đăng lên các trang web bán đất. Lúc này, “cò” công khai xuất hiện và không ai xa lạ, mà chính là những  vị “khách” đã từng tới xem nhà.

“Cò giật”

Sau gần một tháng trời bỏ công “săn” đất, may mắn, tôi tìm được nền đất hơn 52 m2 tại đường Lò Lu (phường Trường Thạnh, TP. Thủ Đức, TP.HCM). Theo số điện thoại được phun bằng sơn trên vỉa hè nền đất, tôi kết nối Zalo với môi giới.

Chỉ 15 phút sau, nữ “cò thổ địa” nhỏ nhắn, xinh xắn xuất hiện, tự giới thiệu tên là L.T.Lan. Lan cho biết, mới vào nghề được hơn 2 năm, trước đây đã mua đất nền ở khu vực này và xây nhà, rồi tiện thể làm “cò” cho những người nhờ bán đất nền và chỉ lấy 1% phí môi giới. Đây chính là may mắn cho tôi, bởi “cò non” thường thật thà hơn “cò già”, hơn nữa, Lan lại là “dân bản địa”.

Sau khi thấy tôi ưng nền đất, Lan gọi video call cho bà T. chủ đất để chúng tôi thương thảo. Bà T. cho biết, bà định cư ở nước ngoài, nên cho con gái ở Đà Lạt đứng tên sổ đỏ và đã đồng ý cho con được bán. Giá bán đúng 2,8 tỷ đồng, chỉ “bớt lộc” 10 triệu đồng.

Tôi nhẩm tính, mức giá 2,8 tỷ đồng ngang với giá nhiều nền đất khác ở khu vực lân cận, nhưng mảnh đất này có tiềm năng hơn, vì nằm trên đoạn đường Lò Lu đang mở rộng 38 m, lại ở phía sau khu công nghệ cao, chỉ cách một con kênh. Hơn nữa, cầu Tăng Long vừa hoàn thành. Tất cả những yếu tố đó chắc chắn giúp nền đất tăng vọt chỉ sau khoảng một năm, nên tôi “chốt” ngay.

Lát sau, con gái của bà T. gọi điện cho tôi và Lan hẹn ngày ra phòng công chứng để ký kết hợp đồng.

Tối hôm đó, Lan soạn và gửi cho tôi rà soát kỹ hợp đồng mua bán, các giấy tờ liên quan khai báo đóng lệ phí trước bạ sang tên sổ đỏ.

Hai ngày sau, đúng giờ, chúng tôi ra phòng công chứng và chờ tới hết giờ vẫn không thấy con gái chủ đất đâu, gọi điện thì thuê bao không liên lạc được. Lan phải gọi video call cho người mẹ, lúc này, bà T. mới thú thật: “Cháu nhà tôi lại bảo không bán nữa!”.

Lan thở dài chua chát: “Em xin lỗi, không biết phải nói sao với anh”.

Say đó 4 ngày, Lan gọi điện cho tôi, giọng đầy bức xúc, nói rằng vừa phát hiện con gái chủ đất “quay xe” bán nền đất đó cho nhóm cò khác với giá chỉ cao hơn… 10 triệu đồng.

Hóa ra, chủ đất chỉ nhờ mình Lan bán và Lan cũng chưa kịp rao trên bất cứ trang web nào. Đến khi tôi tới hỏi, con gái của chủ đất thấy tôi chốt nhanh, bèn thử hỏi một vài “cò” trên mạng. Nhóm “cò” này nắm rất rõ tình hình giá cả trong khu vực, nên lập tức cùng góp tiền mua luôn nền đất, “hớt tay trên” của Lan, “cuỗm” đi cả may mắn của tôi.

“Họ chơi chiêu anh ạ. Họ cử một người tới với tư cách môi giới, nói có khách đồng ý mua giá cao hơn chút. Khi con gái bà ấy đồng ý bán, vị khách chính là một ‘cò’ khác trong nhóm tới ký làm hợp đồng mua bán. Như vậy, cò này vừa ‘ăn’ được 1% hoa hồng, vừa mua được đất rẻ. Giờ mảnh này họ rao lên hơn 3 tỷ đồng rồi”, Lan uất ức nói.

Cò “cắt máu”

“Giật cò”, cướp mối là chuyện cơm bữa trong giới “cò” bất động sản, kể cả việc chủ đất không muốn “quay xe”. Đó là đối với miếng đất, căn nhà giá tốt. Còn với những nền đất đắc địa, nhưng giá cao, để hớt tay trên, “cò” sẽ dùng chiêu “cắt máu”.

Giới kinh doanh bất động sản đến giờ vẫn không quên chiêu “cắt máu” mà “cò” M., một môi giới tự do tại khu Đông TP.HCM dính phải.

Cụ thể, M. và một số môi giới ở đây nhận được vụ bán nền đất thổ cư vuông vức, đắc địa, giá chủ đất thu về là 3,1 tỷ đồng, không thương lượng.

Sau nhiều tuần đăng tin, có một cặp vợ chồng ở TP. Thủ Đức tỏ ra ưng ý lô đất. Cả tuần sau đó, khách yêu cầu M. dẫn đi xem, không chỉ nền đất trên, mà cả nhiều nền khác trong khu vực để so sánh giá cả, vị trí. Thậm chí, M. phải dẫn khách đi cả lúc thì trời mưa hay nắng gắt, lúc lại vào giờ cao điểm, để họ “mục sở thị” xem khu đất có bị ngập hay tắc đường không.

Cuối cùng, cặp vợ chồng này hẹn M. sẽ chốt cọc lô đất vào cuối tuần.

Khấp khởi chờ tới hạn song không thấy khách liên hệ như đã hẹn, M. chủ động gọi điện lại, thì tổng đài liên tục báo “thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được”.

Ít ngày sau, M. phát hiện một môi giới khác đăng tin về lô đất trên với dòng chữ “đã bán”. Tưởng rằng khách của mình chậm tay cọc, nên đã bị môi giới khác bán cho người khác, M. gọi điện cho khách để thông báo tình hình, nhưng vẫn không liên lạc được.

Vốn quan hệ rộng với môi giới trong khu vực, M. cất công tìm hiểu rồi “té ngửa” khi phát hiện, khách mua của môi giới kia chính là cặp vợ chồng mà anh đã chăm sóc cẩn thận suốt thời gian qua.

Hóa ra, để giật khách, “cò” kia đã dùng chiêu “cắt máu”, tức chủ động cắt bớt đi phần chi phí môi giới (được hưởng từ chủ đất) để giảm giá nền đất xuống và bán được cho khách.

Với chiêu này, chủ đất vẫn thu về đủ 3,1 tỷ đồng đúng như yêu cầu, nhưng “cò” sẽ chỉ còn được phần hoa hồng thấp hơn thỏa thuận ban đầu, tức sẽ bị chủ trừ đi phần giảm giá đất.

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư