Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hợp nhất thêm Mường Hum, tỷ suất sinh lời của Thủy điện Thác Bà suy giảm
Thanh Thủy - 24/03/2020 14:24
 
Kế hoạch lợi nhuận năm 2020 chỉ đi ngang dù doanh thu kế hoạch tăng tới 38%, bởi hợp nhất thêm Thủy điện Mường Hum vừa đưa dự án vào hoạt động. Kết quả kinh doanh năm vừa qua của Thủy điện Thác Bà giảm đáng kể nhưng tỷ lệ cổ tức vẫn được duy trì. REECorp dự kiến sẽ thu về 77 tỷ đồng cổ tức.

Chi phí năm 2020 dự kiến tăng 64%

Tình hình phức tạp của đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp lựa chọn hoãn tổ chức họp cổ đông, CTCP Thủy điện Thác Bà (mã TBC) nằm trong số ít doanh nghiệp vẫn tổ chức trung tuần tháng 3 vừa qua với 24/1166 cổ đông sở hữu cổ phần trực tiếp tham dự. Số lượng nhà đầu tư tới dự đại hội giảm khoảng 1/3 so với năm trước nhưng các cổ đông này nắm giữ tới 90,54% vốn điều lệ. Riêng REECorp, cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp thủy điện này, đã sở hữu 60% vốn. Thủy điện Thác Bà cùng Thủy điện Vĩnh sơn Sông Hinh là hai công ty con của REECorp hoạt động trong lĩnh vực thủy điện.

Tại Đại hội, một trong các nội dung được các cổ đông quan tâm là sự tăng lên bất thường của phần chi phí kế hoạch mà công ty đặt ra cho năm 2020. Thủy điện Thác Bà dự tính tổng sản lượng điện sản xuất là 458 triệu kWh bao gồm công ty mẹ Thác Bà (325 triệu kWh) và CTCP Thủy điện Mường Hum (133,44 triệu kWh).

Mường Hum là công ty con vừa được mua lại và hợp nhất vào báo cáo kinh doanh của Thủy điện Thác Bà từ quý IV/2019. Mặc dù chỉ góp 1/3 doanh thu, chi phí tại công ty con này lại gần ngang ngửa công ty mẹ.

Theo Tổng giám đốc Nguyễn Văn Quyền, chi phí lãi vay và khấu hao tài sản cố định của Thủy điện Mường Hum đều lớn do là dự án vừa đi vào hoạt động, bao gồm 55 tỷ đồng chi phí tài chính, 40 tỷ đồng chi phí khấu hao và 12 tỷ đồng thuế phí. Đây đều là các chi phí cố định, trong khi kế hoạch doanh thu của các nhà máy thủy điện đều dựa trên giả định. Thực tế, tình hình thủy văn không thuận lợi các năm gần đây đã ảnh hưởng lớn đến sản lượng sản xuất của hàng loạt nhà máy thủy điện, trong đó có cả Thủy điện Thác Bà.

Năm 2019, doanh thu hợp nhất của doanh nghiệp thủy điện này chỉ đạt 297 tỷ đồng, giảm 25% so với năm trước dù có thêm một phần nguồn thu từ Thủy điện Mường Hum. Tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty giảm cùng việc tăng chi phí lãi vay đã khiến lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 126 tỷ đồng, giảm 40%. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu là 1.996 đồng, thấp hơn nhiều mức 3.188 đồng năm trước.

Công ty đã chi ra 337 tỷ đồng để mua lại 50,94% vốn Thủy điện Mường Hum. Sau thương vụ này, lượng tiền của công ty giảm đi đáng kể, với riêng số tiền gửi ngân hàng hợp nhất đã giảm hơn 370 tỷ đồng. Theo báo cáo của công ty, tổng tài sản của Mường Hum thời điểm mua vào cũng lên tới 1.250 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2019, giá trị tài sản riêng công ty mẹ Thủy điện Thác Bà là hơn 1.000 tỷ đồng. Trong khi, tổng tài sản hợp nhất tăng 60% so với cuối năm trước, đạt 1.641 tỷ đồng.

Cổ tức duy trì 20%, cổ đông lớn REE sắp nhận 77 tỷ đồng

Dù báo lãi giảm, công ty vẫn quyết định trình và đã được cổ đông thông qua tỷ lệ chi trả cổ tức là 20% bằng tiền mặt, tương đương mức chi trả năm trước và vượt dự kiến. Số tiền chi trả cổ tức tổng cộng là 127 tỷ đồng, dự kiến sẽ được thanh toán trong năm 2020 này. Với tỷ lệ sở hữu hiện tại, REECorp sẽ nhận về 77 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo kế hoạch năm 2020, tỷ lệ chi trả cổ tức tối thiểu dự kiến của Thủy điện Thác Bà đã giảm từ 18% xuống còn 16%.

Tại Đại hội, công ty cũng đã thông qua quỹ tiền lương và thù lao quyết toán năm 2019 là 1,488 tỷ đồng. Theo kế hoạch năm 2020, quỹ này dự kiến là 1,416 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn 70 triệu đồng so với thực chi năm 2019.

Thủy điện Gia Lai tăng vốn gấp rưỡi, dồn lực cho điện mặt trời áp mái
Thủy điện Gia Lai, một mắt xích trong mảng năng lượng của “nhà” Thành Thành Công dự kiến sẽ tăng mạnh vốn thông qua chào bán cổ phiếu cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư