Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Hợp tác công tư để thúc đẩy kinh tế số
Thanh Huyền - 24/05/2022 19:31
 
Để phát triển kinh tế số, tránh tình trạng độc quyền, Chính phủ cần thúc đẩy quá trình đầu tư hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin với sự hợp tác của doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.

Chi phí đầu tư lớn làm chậm quá trình chuyển đổi số

Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 với chủ đề “Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố cuối tuần qua cho biết, đại dịch Covid-19 đã làm 69% doanh nghiệp ở Việt Nam phải tạm ngừng hoạt động, trong đó phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Ngành dịch vụ có tỷ lệ lao động mất việc trên 50%; dịch vụ lưu trú ăn uống, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi chỉ còn 4% duy trì hoạt động.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VEPR chỉ ra rằng, Covid-19 khiến các hoạt động kinh doanh truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng đại dịch này không những không làm suy giảm nền kinh tế số, mà còn tạo cả áp lực lẫn động lực thúc đẩy doanh nghiệp và Chính phủ chuyển đổi.

Chuyển đổi số không chỉ là biện pháp ứng phó tạm thời trong đại dịch, mà còn tiếp tục trở thành một phần của các doanh nghiệp trong thời kỳ “bình thường mới”.

Theo khảo sát của Base.vn, hơn 60% doanh nghiệp Việt Nam có ý định tiếp tục kết hợp làm việc từ xa và làm việc tại văn phòng; hơn 77% doanh nghiệp lựa chọn triển khai mô hình kết hợp giữa kinh doanh online và tại chỗ sau dịch. Covid-19 đã đem lại cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, như tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, phát triển các kênh online, thanh toán không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên, một khảo sát do Cơ quan Phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện năm 2022 cho thấy, có đến 60,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát chia sẻ, rào cản mà họ gặp phải khi áp dụng công nghệ số là chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ. Đây cũng là rào cản lớn nhất làm chậm lại quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp.

Còn theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước năm 2021, có tới 95% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số. Mức đầu tư cho chuyển đổi số ước tính lên đến 15.000 tỷ đồng mỗi năm; chi phí đầu tư nguồn lực hoạt động chuyển đổi số trung bình chiếm 20 - 30% tổng chi phí đầu tư hoạt động của 10 ngân hàng thương mại lớn.

Nhờ đó, nhiều ngân hàng hiện đã có hơn 90% hoạt động giao dịch được thực hiện trên nền tảng số. Sự hiện diện của các công ty fintech cũng thúc đẩy thị trường tài chính - ngân hàng trong công cuộc số hóa.

Cần sự chung tay của Chính phủ và doanh nghiệp

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, toàn bộ vấn đề chuyển đổi số trong các văn kiện, nghị quyết, chương trình hành động… hiện nay đều đang tiếp cận theo nghĩa rất hẹp.

“Dường như, chúng ta công nghệ hóa lĩnh vực chuyển đổi số, coi công nghệ thông tin (CNTT) là trụ cột, thước đo của quá trình đó là không đúng”, ông Lộc nói.

TS. Vũ Tiến Lộc cũng nhấn mạnh, cốt lõi của chuyển đổi số là phải thay đổi mô hình quản lý nền kinh tế và mô hình quản trị doanh nghiệp. “Nếu giữ nguyên nền thủ tục hành chính hiện nay hoặc cải tiến không đáng kể mà đưa lên trực tuyến, thì không có nhiều tác dụng. Hay như mô hình kinh doanh của doanh nghiệp không thay đổi, không có kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ… mà chỉ áp dụng công nghệ số vào cũng không đem lại tác dụng đáng kể”, ông Lộc phân tích.

Đưa ra giải pháp, nhóm chuyên gia nghiên cứu của VEPR cho rằng, về mặt hạ tầng, Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng CNTT. Đặc biệt, Chính phủ cần thúc đẩy quá trình này thông qua việc hợp tác giữa doanh nghiệp nhà nước với khu vực tư, tránh tình trạng độc quyền dễ xảy ra trong nền kinh tế số, do yêu cầu về chi phí cố định lớn và hiệu ứng quần tụ mạng lưới.

Về nhân lực, cần nâng cao hiểu biết và kỹ năng số của người lao động thông qua tăng cường giáo dục và đào tạo CNTT ở tất cả các cấp học. Bên cạnh đó, nên đẩy mạnh các chương trình đào tạo CNTT cả chính quy và không chính quy, đa dạng cách thức đào tạo để phục vụ được nhiều đối tượng trong xã hội, giúp lao động đang làm việc cũng có cơ hội học tập và trau dồi kỹ năng.

Mặt khác, Việt Nam cũng cần cải thiện khung pháp lý về kinh tế số, nâng cao khả năng bảo vệ người dùng các dịch vụ kỹ thuật số như ban hành luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, xây dựng thị trường bảo hiểm không gian mạng để giúp doanh nghiệp nhận được hỗ trợ tài chính khi có vấn đề xảy ra.

Về phía doanh nghiệp, VEPR cho rằng, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược, đầu tư nguồn lực (đặc biệt là nguồn lực tài chính) và xây dựng lộ trình chuyển đổi số; doanh nghiệp có thể xác định các hoạt động, khu vực ưu tiên chuyển đổi số trước; nâng cao nhân thức, tư duy kinh doanh số của lãnh đạo doanh nghiệp; nâng cao hiểu biết và kỹ năng số của người lao động.

Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, chuyển đổi số chỉ là công cụ hỗ trợ cải cách thủ tục hành chính. “Nếu thủ tục hành chính vẫn phức tạp với hàng ngàn giấy phép con, thì không thể chuyển đổi số”, ông Cường nói.

Theo vị chuyên gia ADB, cần xác định chuyển đổi số không phải là phong trào, mà là xu hướng thị trường tất yếu phải làm để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.
Kinh tế số phải có nguồn nhân lực số tương thích
Kinh tế số đòi hỏi phải có nguồn nhân lực số tương thích để triển khai, tổ chức thực hiện, nhưng quá trình chuyển đổi số đang nổi lên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư