Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 16 tháng 01 năm 2025,
HUD để ngỏ giải pháp bán vốn tại HUD3
Chí Tín - 28/05/2015 16:49
 
Việc rút bớt tỷ lệ sở hữu của Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) tại Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng HUD3 (mã HU3, sàn HOSE) đã được khẳng định, nhưng việc thoái vốn theo hình thức nào vẫn là một bài toán với các nhà quản lý của 2 “mẹ con” nhà HUD, bởi mỗi phương án đều có những ưu, nhược điểm riêng.

Hiện tại, HUD nắm giữ 51% cổ phần tại HUD3, nhưng sẽ giảm xuống dưới 30% sau khi thoái vốn. Với vốn điều lệ của HUD3 tại thời điểm hiện nay là 100 tỷ đồng, tương đương 10 triệu cổ phiếu, thì để đưa tỷ lệ cổ phần xuống dưới 30%, tổng số cổ phiếu HU3 mà HUD phải bán đi là trên 2,1 triệu cổ phiếu, tương đương 21 tỷ đồng tính theo vốn điều lệ.

Theo ông Phan Trường Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HUD3, thời gian tới, Hội đồng Quản trị sẽ xây dựng phương án chào bán số cổ phần do HUD đang nắm giữ. Phương thức chào bán vẫn đang để ngỏ, có thể HUD3 sẽ chào bán riêng lẻ số cổ phần trên cho một hoặc một vài đối tác chiến lược của Công ty.

“Tuy nhiên, khả năng HUD3 sẽ bán số cổ phần trên ra công chúng cũng có thể được thực hiện, bởi với lợi thế là doanh nghiệp đã niêm yết, thì việc chào bán cổ phiếu ra công chúng sẽ có những thuận lợi nhất định”, ông Sơn nói.

Thực tế, dù theo phương án nào, thì HUD3 cũng có những thuận lợi nhất định. Chủ trương HUD rút bớt vốn khỏi HUD3 không phải là “bỏ rơi” công ty con này, mà chính là tạo thuận lợi tốt hơn để HUD3 có thể dễ dàng tham gia các dự án do HUD làm chủ đầu tư.

Theo Luật Đấu thầu, những công ty con do công ty mẹ nắm giữ 51% cổ phần sẽ không được tham gia dự thầu các dự án do công ty mẹ làm chủ đầu tư. Do vậy, khi HUD giảm tỷ lệ cổ phần tại HUD3, HUD3 sẽ không bị ràng buộc bởi quy định này nữa, đồng nghĩa với việc HUD3 sẽ vẫn có cơ hội nhận được các gói thầu do HUD làm chủ đầu tư.

Trở lại các phương án thoái vốn, việc HUD3 bán số phần do HUD nắm giữ theo hình thức chào bán riêng lẻ hay chào bán ra công chúng đều có những ưu, nhược điểm riêng. Nếu bán cho một hoặc một số đối tác chiến lược, thì HUD3 sẽ có thêm sự hậu thuẫn từ các đối tác mới. Tuy nhiên, việc chào bán ra công chúng không phải không có lợi thế, bởi sẽ giúp HUD3 tăng tính đại chúng của cổ phiếu, gây dựng được hình ảnh tốt hơn trong công chúng đầu tư.

Thực tế, một trong những nhược điểm lớn nhất của cổ phiếu HU3 trên thị trường là tính đại chúng chưa cao, giao dịch trung bình mỗi phiên chỉ khoảng vài nghìn cổ phiếu. Do đó, nếu số cổ phần do HUD nắm giữ được chào bán ra công chúng, đây sẽ là cơ hội tốt để HUD3 tăng tính đại chúng của cổ phiếu HU3 trên thị trường.

Việc tăng tính đại chúng của HUD3, ngoài việc tạo tính hấp dẫn của cổ phiếu HU3, còn có một ý nghĩa khác là tạo cơ hội cho công ty này vươn ra các gói thầu ngoài thị trường, giảm sự phụ thuộc vào các dự án từ HUD.

Theo kế hoạch đầu tư của HUD3 trong năm 2015, công ty này dự kiến chi 140 tỷ đồng cho các dự án. Đây là một khoản tiền không nhỏ so với một doanh nghiệp quy mô vốn điều lệ chỉ 100 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu cũng ở mức 164 tỷ đồng. Theo đó, trong hoạt động đầu tư kinh doanh dự án, HUD3 dự kiến duy trì mức tăng trưởng khoảng 10 - 12%/năm, trong đó tập trung vào phân khúc căn hộ chung cư có giá trung bình, như Tòa nhà Hanel - HUD3 tại 60 Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Mai, Hà Nội.

Trong hoạt động xây lắp, HUD3 dự kiến mức tăng trưởng sản lượng xây lắp hàng năm khoảng 7%. HUD3 đang tái cơ cấu vốn đầu tư bằng phương án điều chỉnh tỷ lệ vốn tại các công ty con theo hướng không chi phối, chuyển đổi thực hiện giải pháp đầu tư trực tiếp, tập trung vốn đầu tư cho các dự án, giải quyết nhu cầu vốn lưu động.

Để có nguồn vốn đầu tư trong thời gian tới, một trong những phương án tạo nguồn của HUD3 trong năm 2015 là huy động vốn thông qua vay vốn từ các cổ đông và các thể nhân thông qua hợp đồng vay vốn ngắn hạn. Ngoài ra, HUD3 cũng đang có chủ trương thoái vốn tại Công ty NIKKO Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư